SGTT.VN - Mặc dù nhiều ngân hàng công bố biểu lãi suất huy động mức cao nhất chỉ là 12%/năm, song một cuộc đua tăng lãi suất đang diễn ra trên cả hệ thống, gây rối loạn và tốn phí.
Cùng với đó, mặt bằng lãi suất dâng cao càng thu hẹp “cửa” vay vốn của doanh nghiệp – vốn tăng mạnh trong mùa kinh doanh cuối năm. Đi đầu xu hướng tăng lãi suất huy động, như thường lệ, vẫn là một số ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP), như Đông Nam Á (SeaBank), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Kiên Long (Kienlong Bank)…
Một cuộc đua tăng lãi suất huy động đang diễn ra trên cả hệ thống ngân hàng, gây rối loạn và tốn phí. (ảnh minh hoạ), Lê Quang Nhật |
Cụ thể, biểu lãi suất tiền gửi được các ngân hàng này công bố trong đó mức cao nhất là 13%/năm, vượt trần cam kết trước đó của một số ngân hàng thương mại (chỉ tối đa là 12%/năm). Và xu hướng này đã được hầu hết các thành viên còn lại nhanh chóng nhập cuộc, dù không chính thức, công khai. Chẳng hạn, tại ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội (Habubank), lãi suất huy động cao nhất công bố chỉ là 12%/năm, nhưng nhân viên giao dịch cho biết lãi suất thực tế có thể là 13%/năm, thậm chí tới 13,5%/năm với món tiền gửi từ 1 tỉ đồng trở lên. Theo đó, trên sổ tiết kiệm vẫn thể hiện lãi suất 12%/năm, song khách hàng sẽ được nhận thêm phiếu quà tặng bằng tiền mặt, giá trị tương ứng mức chênh lệch giữa lãi suất ghi trên sổ và lãi suất thực khách hàng được hưởng.
Hút tiền và giữ tiền
Hầu hết các ngân hàng, bất kể lớn, nhỏ, cổ phần hay nhà nước đều tìm cách “lách” thỏa thuận trần 12%/năm trước đó, bằng cách tặng tiền, tặng quà, khuyến mại… Những khách hàng “ruột”, có khoản tiền gửi lớn (từ vài tỉ đồng trở lên), ngoài việc hưởng chính sách chăm sóc đặc biệt, như giao dịch tại phòng VIP hoặc tại nhà, đều có thể được thỏa thuận lãi suất với ngân hàng.
Lý giải nguyên nhân khiến các ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất, tổng giám đốc NH TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) Trương Văn Phước cho biết, là bởi nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản, đồng thời đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao dịp cuối năm. Cũng theo ông Phước, đã xuất hiện tình trạng vốn chạy lòng vòng trong hệ thống ngân hàng, từ nơi có lãi suất thấp sang nơi có lãi suất cao, gây rối loạn, tốn phí cho cả hệ thống.
Quả thực, trong vòng một, hai tuần trở lại đây, thị trường tiền tệ đã trở nên khá căng thẳng. Trong tuần từ 8 đến 12.11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chào trên thị trường mở 75.000 tỉ đồng trong khi nhu cầu đăng ký lên tới 280.000 tỉ đồng. Việc NHNN dừng cho vay kỳ hạn 28 ngày và tăng lãi suất kỳ hạn bảy ngày từ 7% lên 8,75% càng làm cho thị trường “nóng” lên, lãi suất liên ngân hàng có thời điểm đã vọt lên 17% đối với qua đêm và 20% với kỳ hạn một tuần (ngày 11.11). Mặc dù sau đó, mức lãi suất này giảm lần lượt còn 11% và 14% sau khi NHNN thông báo sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng và nối lại kỳ hạn 14 ngày, song với nhiều đơn vị, áp lực thanh khoản vẫn đè nặng. Thực tế cũng cho thấy, phiên đấu thầu của Kho bạc Nhà nước và ngân hàng Chính sách gần đây nhất đã không có tổ chức nào đăng ký bỏ thầu. Nguyên nhâṇ, theo Kinh tế trưởng công ty chứng khoán Thăng Long, ông Phạm Thế Anh là do căng thẳng trên thị trường tiền tệ. Theo một thông tin Sài Gòn Tiếp Thị có được, trong vòng hai tuần đầu tháng 11, lượng tiền gửi vào các ngân hàng giữ mức lãi suất huy động 12%/năm đã giảm 8 – 12% so với trước.
Ai dám vay?
Thị trường vốn, cùng với việc chi phí dâng cao cũng xuất hiện tình trạng mất cân đối về cơ cấu. Trừ tiền gửi không kỳ hạn hoặc kỳ hạn dưới một tháng, hầu hết các kỳ hạn còn lại hiện được các ngân hàng áp dụng chung một mức lãi suất tối đa. Chính sách này, cộng với lo ngại lạm phát có thể tăng cao, người gửi tiền phần lớn lựa chọn kỳ hạn ngắn. Do vậy, ngân hàng chủ yếu chỉ đáp ứng được nhu cầu vốn ngắn hạn của doanh nghiệp như: trả nợ, thanh toán tạm thời. Mặt khác, trên thực tế, doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, do chi phí vốn đã trở nên đắt đỏ: 17 – 19%/năm!
“Lãi suất vay tới gần 20%/năm, doanh nghiệp nào chịu nổi”, tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Dương Thu Hương lo lắng. Theo bà Hương, kể cả trường hợp lạm phát năm nay có thể tới 10% thì mức lãi suất thị trường hiện đã thực dương, người gửi tiền đã có lợi. Nếu khách hàng tiếp tục “mặc cả” với ngân hàng để̀ đòi hỏi lãi suất cao hay loay hoay tìm cách rút từ chỗ này gửi chỗ kia sẽ chỉ làm tăng chi phí vốn, gây tốn phí chung cho toàn xã hội.
Phó tổng giám đốc NH TMCP Quân Đội, bà Cao Thị Thúy Nga cho rằng với khách hàng, rủi ro lớn nhất khi thay đổi ngân hàng gửi tiền, là đơn vị mới, chính sách lãi suất không đồng nhất, có thể tăng cao nhưng khách hàng không phải ai cũng được hưởng mức lãi suất cao, có khi phải đàm phán…, chưa kể có thể không được hưởng chính sách chăm sóc, chất lượng dịch vụ tốt như ngân hàng họ đã giao dịch lâu năm. Trường hợp khách hàng rút trước hạn, phần chênh lệch do hưởng lãi suất mới cao hơn chưa chắc đã bù được khoản lãi suất không được hưởng do rút trước hạn.
Thảo Nguyễn