Thứ Sáu, 19.11.2010 | 08:27 (GMT + 7)
(LĐ) - Từ 12 - 15.11, gần 100 xe công nông, hơn 50 xe gắn máy và hơn 1.000 người đã tràn vào các tiểu khu 340a, 340b do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Krông Năng quản lý và chặt phá tới 48,8ha rừng tự nhiên.
Hành động phá rừng này xuất phát từ bức xúc của những người dân không có đất cày, trong khi hàng trăm hécta rừng được tỉnh giao cho một DN tư nhân trồng caosu.
Nghe cán bộ giải thích xong, hàng nghìn người lại tiếp tục... phá rừng. Ảnh: Đ.T.K |
"Người đông chưa từng thấy"
Riêng trong ngày 12.11, BQLRPH Krông Năng đếm được hơn 1.000 người đi trên 88 xe công nông, 54 xe gắn máy tràn vào tiểu khu 340a - thuộc địa giới hành chính các xã Ea Púk, Ea Dah của huyện Krông Năng - dù trời mưa như trút nước. Họ mang theo lương thực, dựng lán trại, dàn hàng ngang phá rừng. Nỗ lực giải thích, vận động của chủ rừng, chính quyền các xã và cơ quan chức năng đều không đem lại kết quả. Sáng 13.11, lại thêm 70 người đi trên 4 xe công nông, 23 xe gắn máy từ nhiều ngả đường tiến vào rừng. Toàn bộ số người nói trên chặt phá rừng cho đến chiều 15.11 mới lục tục thu dọn lều lán, phương tiện và rút khỏi hiện trường. Hậu quả, hơn 48ha rừng tự nhiên trạng thái IIIA1 tại các khoảnh 1, 3 thuộc tiểu khu 340a và khoảnh 3 tiểu khu 340b bị chặt phá. Ông Nguyễn Văn Lương - PGĐ BQLRPH Krông Năng - chỉ còn biết lắc đầu: "Người đông chưa từng thấy".
Tuy nhiên, thảm trạng mất rừng đã được cảnh báo trước, từ những vụ phá rừng xảy ra các ngày 29.8, 8.9 và 10.9 với hàng trăm người tham gia, làm thiệt hại trên 22,6ha rừng.
Đoàn người phá rừng đến từ các xã Ea Hồ, Ea Tam, thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) và cả xã Ea Rông (thị xã Buôn Hồ). Nghiêm trọng hơn, cơ quan chức năng xác định có người nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Krông Năng (nay là thị trấn Krông Năng), có người nguyên là cán bộ Phòng Giáo dục huyện Krông Năng, có người đang làm trưởng thôn... cũng đi phá rừng.
Từ 15.11 đến nay, các tiểu khu 340a, 340b đã tạm yên ổn. Song nguy cơ tái diễn nạn phá rừng vẫn tiềm ẩn, UBND huyện Krông Năng đã chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền các xã và đơn vị chủ rừng tổ chức canh gác 24/24h.
Phá rừng để... phản đối dự án
Theo tìm hiểu của PV Lao Động, vụ phá rừng nghiêm trọng xuất phát từ việc Sở NNPTNT và UBND tỉnh Đắc Lắc cho phép Cty TNHH Lộc Phát do ông Hồ Đắc Dũng làm giám đốc phá 357ha rừng để trồng caosu, trong khi người dân tại chỗ không có đất sản xuất. Mặt khác, khi chưa có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Xuân - PGĐ Sở
NNPTNT - đã thống nhất cho Cty Lộc Phát xây dựng vườn ươm, làm nhà, triển khai lực lượng bảo vệ trên đất rừng. Việc "bật đèn xanh" cho Cty Lộc Phát tác động bất hợp pháp vào rừng đã đổ thêm dầu vào lửa, thúc đẩy hàng trăm hộ tràn vào chiếm giữ đất đai. Vẫn ông Xuân - trong một báo cáo gửi UBND tỉnh - còn cho rằng do một số đối tượng muốn tranh giành quyền sử dụng đất với Cty Lộc Phát nên đã lôi kéo nhiều người cùng tham gia. Nội dung báo cáo này được chứng minh là sai, khi UBND huyện xác định có đến 300 hộ dân thực sự thiếu đất trong số những người đi phá rừng.
Không còn cách nào khác, chiều 12.11, UBND tỉnh đã công bố quyết định chấm dứt chủ trương cho phép Cty Lộc Phát trồng caosu tại các tiểu khu nói trên, yêu cầu Sở NNPTNT nghiêm túc kiểm điểm sai phạm.
Đặng Trung Kiên