THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

26 November 2010

Trò đánh giá Thầy - hiểu sao cho đúng?

(Dân trí) - Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV), từ năm 2009, Bộ GD- ĐT chủ trương tiếp nhận thông tin nhận xét, đánh giá GV từ phía học sinh sinh viên (HSSV), coi đây là một kênh thông tin để đánh giá chất lượng GV.
 >>  Lợi ích của việc trò "chấm điểm" Thầy ở Bỉ
 >>  Khi trò "chấm điểm" Thầy
 >>  Cách quản lý giáo viên ở Mỹ

Trước hết, thiết nghĩ từ "chấm điểm" chưa thật chính xác. Bởi vì "chấm điểm" được hiểu là kiểu đánh giá có tính chất phán quyết, khẳng định, với một vị thế của người cầm chịch, "bề trên". Trong khi đó, chủ trương của Bộ GD-ĐT là tiếp nhận thông tin phản hồi từ phía người học đối với GV, để có phương án xử lí thích hợp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Đây là một việc làm hết sức bình thường, không có gì là "nhạy cảm" cả. Bất cứ một HSSV nào đều có những nhận xét, đánh giá của riêng mình về những thầy cô trực tiếp giảng dạy, giáo dục mình. Thậm chí thái độ đó đã thể hiện ngay trong giờ lên lớp của mỗi thầy cô.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Xin làm một phép so sánh, tuy còn nhiều khập khiễng. Giả sử giáo dục là một loại hình dịch vụ đặc biệt, thì đối tượng được dịch vụ (người học) hoàn toàn có quyền nhận xét, đánh giá về đối tượng cung cấp dịch vụ (nhà trường, giáo viên).

Nếu chúng ta không tổ chức thu thập, tiếp nhận, xử lí một cách chính thống thì HSSV cũng sẽ thể hiện (ở một hoàn cảnh khác, thời điểm khác) mà thôi. Những nhận xét tuy có những điểm cảm tính nhất định, song đa số đều gặp gỡ trong một số điểm cơ bản, phản ánh trung thực phẩm chất, năng lực của GV. Nhiều thế hệ HS đều có chung nhận xét về một người thầy, thì không ai có thể phủ nhận là không đúng.

Thiết nghĩ, cần có một cái nhìn khách quan, toàn diện về vấn đề. Có lẽ, thầy Bùi Minh Tuấn còn cảm tính khi viết: "Theo đó, với tâm lý thích điểm cao, thích thành tích của đa số  người học hiện nay, những giáo viên có năng lực chuyên môn chắc và cho điểm "rắn" thì có thể bị học trò "ghét" và đánh giá là "dạy dở". Ngược lại, những giáo viên dạy chưa giỏi, chua hay nhưng dễ tính và cho điểm "thoáng"thì có thể dễ dàng "lấy lòng" người học". 

Dĩ nhiên, đa số HS đều thích điểm cao, nhưng các em không thể vì vậy mà đánh giá sai về thầy cô của mình. Thực ra, những học sinh có lòng tự trọng chẳng vui vẻ gì khi nhận những con điểm ảo. Học sinh không bao giờ lấy những con điểm ảo để đo đếm phẩm chất, năng lực thực chất của thầy cô. Cũng không có thầy cô nào dạy yếu, đạo đức không tốt mà được học sinh đánh giá cao vì cho điểm thoáng cả.

Thực tế giáo dục hoàn toàn trái ngược với điều thầy Bùi Minh Tuấn viết. Hầu hết HS đều tôn trọng những thầy cô có đạo đức tốt, chuyên môn giỏi, nghiêm túc, hay nghiêm khắc với học trò. Còn GV nào dạy yếu, đạo đức "có vấn đề" thì dù cho điểm "thoáng" đến mấy cũng không được các em tôn trọng. Dĩ nhiên, nếu GV nào đó khắt khe quá đáng thì cũng dễ bị người học phản ứng, và đó cũng là để nhà giáo điều chỉnh.

Người xưa có câu: "Cây ngay không sợ chết đứng". Những giáo viên chân chính không bao giờ "lấy lòng" HS theo kiểu dễ dãi trong đánh giá. Niềm tin vào người học của nhà giáo là nhân tố hết sức quan trọng để thành công trong nghề.

Không ai phủ nhận tác động tích cực đối với nhà giáo trong việc tiếp nhận thông tin phản hồi từ phía người học. Tuy nhiên, đi vào cụ thể các bước thì còn nhiều chuyện phải bàn. Cần phải có sự phối hợp của các chuyên gia giáo dục, các nhà giáo có nhiều kinh nghiệm để xây dựng các tiêu chí đánh giá, từng bước thí điểm, rút kinh nghiệm rồi mới tiến hành đại trà. Mỗi cấp học, bậc học, môn học lại có những tiêu chí riêng. Sau một thời gian thực hiện lại tiến hành tổng kết, đánh giá, điều chỉnh. Hiện tại, Bộ GD - ĐT mới chỉ đạo thực hiện ở bậc ĐH.

Làm sao để một nhà giáo giỏi sẽ có sự thống nhất trong đánh giá giữa ban giám hiệu, Tổ chuyên môn và người học.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cần một hệ thống giải pháp. Trong đó, việc tiếp nhận, xử lí thông tin phản hồi từ phía người học có một vai trò quan trọng, tạo ra động lực giúp nhà giáo nỗ lực vươn lên.   

Trần Quang Đại

(Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Theo xu thế dân chủ hóa giáo dục, tôn trọng quyền lợi chính đáng của người học,  việc trao quyền cho sinh viên, học sinh được có ý kiến nhận xét thầy là điều nên làm và khi vào nền nếp thì công việc này sẽ trở thành bình thường trong nhà trường.

Điều quan trọng là cách tổ chức và xử lý ý kiến đánh giá của sinh viên, học sinh phải dựa trên những tiêu chí khách quan, có căn cứ khoa học và phù hợp mỗi bậc học, cấp học và môn học. Hơn nữa đây chỉ là một kênh thông tin cần thiết trong công tác đánh giá và quản lý giáo viên. Kết quả tiến bộ của học sinh cũng như sức hấp dẫn của giờ học là tiêu chí hàng đầu để đánh giá năng lực chuyên môn của giáo viên.