SGTT.VN - Mùa nắng, nghề xẻ đá dưới chân đèo Cả, Phú Yên đã xảy ra bao tai nạn thương tâm do đá lăn đè. Vậy mà, mùa mưa này, trong lúc núi lở liên miên, những thợ đá vẫn… thản nhiên đứng ngồi dưới những tảng đá "khủng" để đục, xẻ.
Người thợ đá đang đánh cược tính mạng của mình. Ảnh: Bích Đào |
Cùng lúc đó, dưới chân Hòn Sóc, Kiên Giang, nghề xẻ đá đang phát đạt với hàng ngàn lao động, nhưng chẳng ai màng đến chuyện hiểm nguy.
Nghề "phá sơn lâm" ở Hòn Sóc
Hòn Sóc, một trong ba ngọn núi ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang), rộng 117ha, nhưng có đến hơn 95ha đang bị hàng chục doanh nghiệp khai thác đá. Mới tờ mờ sáng mà tiếng đục đá đã vang lên trên các bãi xẻ đá dọc theo con đường nhựa từ thị trấn Hòn Đất chạy vào núi Hòn Sóc. Những người phu đá da đen cháy vì phơi nắng gió lâu ngày, cắm cúi căng dây làm chuẩn rồi quơ búa đập lên những cây đục bằng thép. Ông Châu Kha, thợ đục đá có hơn 20 năm làm nghề quê ở Tri Tôn (An Giang), nói: "Thợ xẻ đá làm ăn sản phẩm, đục được một thanh đá bốn cạnh từ 15 cm đến 20cm, cứ đo chiều dài, mỗi mét chủ bãi trả công 5.500 đồng".
Ông Kha kể, hồi mới có các công trường khai thác đá ở Hòn Sóc, các chủ doanh nghiệp phải chạy qua miệt Thất Sơn (An Giang) thuê thợ xẻ đá về làm, bởi lúc đó cư dân địa phương chẳng ai biết nghề. Lâu ngày, người Hòn Sóc thấy người Thất Sơn làm ăn được, nên đến các bãi xẻ đá học nghề. Theo ông Nguyễn Quốc Đoàn, chủ tịch UBND xã Thổ Sơn dưới chân Hòn Sóc, hiện nay, đang có hơn 1.000 lao động làm việc, trong đó khoảng 40% là lao động của địa phương. "Thợ xẻ đá chuyên nghiệp chỉ cần liếc qua khối đá là xác định được mạch đá, từ đó căng mực, đục xẻ ra từng thanh. Người giỏi, mỗi ngày có thể đục được 50m, kiếm được hơn 200.000 đồng. Nhưng dân mới vô nghề, cả ngày đục chưa được 10m, còn làm bể vụn tảng đá, bị chủ bắt đền", ông Kha nói.
Những người phu xẻ đá ở Hòn Sóc nói, vì không có ruộng đất, nên họ phải đeo theo nghề đá, tiền công hiện rẻ như bèo. "Nhiều người thấy thợ xẻ đá cuối ngày làm việc lãnh tiền công 100.000 – 200.000 đồng/ngày/người thì cho rằng nghề đá mau giàu. Nhưng để xẻ được một thanh đá, người thợ phải đổ mồ hôi, nhiều khi búa đập vào tay bật máu tươi, tiền công chỉ có 5.500 đồng/m, trong khi chủ bãi bán ra thị trường giá 50.000 – 70.000 đồng/m", anh Minh, thợ xẻ đá ở ấp Bến Đá, xã Thổ Sơn, nói.
Bà Võ Ngọc Thứ, giám đốc sở Lao động – thương binh xã hội (LĐ–TBXH) Kiên Giang cho biết, dù khai thác đá là một nghề nguy hiểm, nhưng tình trạng bảo hộ lao động ở các mỏ đá rất kém. "Hiện nay, ở tỉnh có hơn 3.000 lao động làm việc ở các mỏ đá, nhưng mười người làm nghề khai thác đá, thì hết chín người không thèm trang bị bảo hộ lao động, dù các cơ quan hữu trách thường đến kiểm tra, nhắc nhở", bà Thứ nói.
Những người thợ đá ở Hòn Sóc, dụng cụ hành nghề chỉ là vài chiếc đục lớn nhỏ bằng thép và chiếc búa, nón vải, chân trần. Mỗi nhát đục chạm vào phiến đá, vụn đá bắn ra xung quanh rào rào, nhưng chẳng thấy phu đá nào mang kính bảo vệ mắt.Theo ông Nguyễn Quốc Đoàn, từ trước đến nay, khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng, phu đá bị thương tật nặng, hoặc mạng vong, nếu các chủ mỏ đá, bãi đá có thông báo, thì UBND xã mới biết.
Những người phu đá ở Hòn Sóc không ai quên được những tai nạn kinh hoàng ập xuống đầu thợ đá. Ngày 14.10.2010, ông Trịnh Phúc ở ấp Bến Đá bị đá đè chết tại mỏ Chín Hải. Tháng 5.2010, ông Nguyễn Văn Quy ở ấp Hòn Sóc bị băng chuyền tải đá nghiến mất một cánh tay. Tháng 3.2010, ông Đặng Đồng Khởi ở ấp Bến Đá cũng thiệt mạng trong khi khai thác đá. "Người ta khai thác đá thì lấy dần dần từ trên ngọn xuống chân núi, còn mấy thợ đá ở Hòn Sóc cứ moi từ dưới chân núi lên, nên sụp mỏ, đá đè chết người là chuyện tất yếu phải xảy ra. Vụ tai nạn xảy ra năm 2008, do khai thác sai quy trình, nên nguyên một khối núi đổ ụp xuống đầu công nhân đang làm việc, làm bốn người chết tại chỗ", ông Đoàn nói.
Vấn đề "muôn thuở"
Tại đèo Cả, mặc dù tại nhiều khu vực khai thác có sự thu thuế của chính quyền địa phương, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bảo hiểm cho thợ đá ở đâu? Tại sao mùa mưa, núi lở triền miên mà không can ngăn thợ đá liều thân? Nhiều người không bao giờ quên vụ tai nạn làm chết ba thợ đá tại khu vực đèo Cả vào ngày 6.1.2008: hàng chục tảng đá đã đột ngột đổ ập xuống một nhóm người đang xẻ đá.
Đem những câu hỏi này đến trụ sở chính quyền ở ngay gần khu vực đèo Cả, UBND xã Hoà Xuân Nam (Đông Hoà, Phú Yên), thì được biết: đây là vấn đề "muôn thuở" nơi này, chính quyền đã thực hiện hết mức các chỉ đạo từ cấp trên, thế nhưng, địa phương không thể kham nổi tình hình quá phức tạp của lao động tại các mỏ đá ở đèo Cả. "Do anh em cán bộ ở xã này đều có bà con, gia đình làm nghề xẻ đá, nên họ cũng phải nương trong xử lý", một cán bộ xã Hoà Xuân Nam, phân trần. Việc quy hoạch khai thác đá, chuyển đổi lao động xẻ đá… vẫn đang nằm ngoài tầm với của chính quyền nơi đây!
Liên quan đến việc khai thác đá trong mùa mưa, ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch UBND xã Hoà Xuân Nam, nói: "Trong mùa mưa kéo dài này, nền đất ở khu vực các mỏ đá không đảm bảo an toàn cho việc khai thác. Chính quyền xã đã lập tổ vận động tuyên truyền anh em nghỉ xẻ đá và cấm không cho khai thác trong mùa mưa; khi nào nắng lên, mới làm. Chính quyền huyện Đông Hoà có vận động thành lập hợp tác xã khai thác vật liệu xây dựng, nhưng anh em làm nghề xẻ đá ở đây đã không vào, vì làm riêng thì bán được nhiều tiền hơn. Thế nên, hợp tác xã này vẫn chưa thành lập được".
Được biết, thanh tra sở Tài nguyên và môi trường Phú Yên đã nhiều lần cùng huyện Đông Hoà lập đoàn kiểm tra, xử phạt nhiều chủ thầu tổ chức khai thác đá trái phép tại khu vực đèo Cả. Các bãi đá này đều nằm trong khu vực rừng đặc dụng quốc gia đèo Cả – Vũng Rô. Tuy nhiên, bài toán áp lực mưu sinh và sự quản lý lỏng của nhà chức trách, cứ mãi là vấn đề nhức nhối chưa giải được.
Từ lâu rồi, thôn Hảo Sơn, xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hoà, đã được mệnh danh là "làng xẻ đá", hầu như nhà nào ở đây cũng "dính dáng" đến việc đục, chạm đá núi đèo Cả. "Trừ ngày giỗ chạp, đau bệnh, bữa nào tui cũng xách búa ra đây đục đẻo kiếm cơm. Hai thằng con tui cũng xẻ đá; mà chắc tui cũng sắp giơ búa hết nổi rồi," ông Bảy Sơn, 63 tuổi nói. Ông Nguyễn Toàn, 32 tuổi, nói: "Mỗi ngày xẻ được 20 – 30 viên đá, kiếm được trên 100.000 đồng. Đây là tính gộp cả tiền công xẻ và bốc lên xe tải luôn; đá loại này qua chủ thầu rồi ra thị trường, phải lên đến gần 10.000 đồng/viên. Nghề này tổn hao sức khoẻ lắm, nhưng làm sao có thể sống đủ với mấy sào ruộng, thôi thì cứ suốt đời gắn với đá để nuôi con. Dòng họ bà con tui theo nghề đá này cũng đông!"
HÙNG ANH – BÍCH ĐÀO