Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa giao cơ quan chức năng rà soát các nhà vệ sinh trên địa bàn để đảm bảo đầu tư tiết kiệm, tránh lãng phí.
Sau khi báo chí thông tin kế hoạch chi 15 tỷ đồng xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành, quận huyện rà soát hệ thống nhà vệ sinh công cộng đã xây dựng để khai thác sử dụng hiệu quả.
Ông cũng yêu cầu Sở Xây dựng lập kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình nhà vệ sinh trên địa bàn, nhất là trong các quận nội đô, trình UBND thành phố phê duyệt trong năm nay để từng bước đầu tư, ưu tiên xã hội hóa.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu việc xây dựng các công trình nhà vệ sinh công cộng phải đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, tiết kiệm và tránh lãng phí.
Nhà vệ sinh được tận dụng bán hàng tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Bá Đô
|
Cuối tháng 10, UBND Hà Nội đã phê duyệt chủ trương xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Dự toán cụ thể được Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội đưa ra: chí phí xây dựng 1,1 tỷ đồng, chi phí thiết bị 11,3 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án 235 triệu đồng, tư vấn 485 triệu đồng, chi phí khác 874 triệu đồng và chi phí dự phòng 904 triệu đồng. Chi phí đề xuất cho chuẩn bị đầu tư dự kiến khoảng 358 triệu đồng.
Ông Hoàng Nam Sơn, Phó giám đốc Ban Quản lý chỉnh trang đô thị, cho biết hiện có hai loại nhà vệ sinh 4 buồng và 2 buồng của rất nhiều nhà cung cấp, việc giá cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ việc thiết bị đồng bộ với việc cấp thoát nước, đường điện... "Loại 4 buồng có giá khoảng 900 triệu đồng, 2 buồng có giá 600 triệu đồng, là con số tạm tính, còn khi đấu thầu chắc chắn sẽ có giá thấp nhất", ông Sơn khẳng định.
Theo ông Lê Văn Dục, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tại Hà Nội có 279 nhà vệ sinh công cộng, 72 nhà vệ sinh bằng thép, 164 nhà vệ sinh gạch xây đang phục vụ nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, ông Dục thừa nhận một số nhà vệ sinh đang bị chiếm dụng, nhếch nhác. "Qua khảo sát cho thấy 90 % nhà vệ sinh là hoạt động hiệu quả, chỉ 10% là mất vệ sinh", ông Dục nói và cho biết, hiện trong số 72 nhà vệ sinh bằng thép thì việc thu tiền đã nuôi đủ bộ máy để duy trì hoạt động. Còn 164 nhà vệ sinh xây ở các khu dân cư thì thành phố phải bao cấp nên rơi vào tình trạng mất vệ sinh.
Đoàn Loan - Bá Đô