Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý,
cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã chính thức
được công bố chiều 31/7 tại Hà Nội với nhiều thay đổi so với Nghị định
số 97 ban hành năm 2008.
Nghị định 72, được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 15/7 và sẽ có hiệu lực
thi hành từ ngày 1/9, định nghĩa: "Trang thông tin điện tử cá nhân là
trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua
việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của
chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không
cung cấp thông tin tổng hợp".
Như vậy, những tài khoản được lập thông qua các mạng xã hội như
Facebook sẽ chỉ được đăng thông tin của riêng cá nhân đó. Ông Hoàng Vĩnh
Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, giải thích với VnExpress.net: "Trước hết chúng ta phải nói rõ đây là trang thông tin của cá nhân, mà các trang
cá nhân thì được phép đưa thông tin về những thứ của chính mình, không
được dẫn thông tin tổng hợp, tức là không được trích dẫn thông tin từ
các cơ quan báo chí hay các trang web của cơ quan nhà nước".
Rất nhiều trang tổng hợp tin từ báo chí và các nguồn khác nhau trên Facebook. |
Hiện nay, có rất nhiều blog hoặc tài khoản Facebook do cá nhân lập ra
để chia sẻ tin tức thời sự, hay các bài viết về sức khoẻ, công nghệ,
thời trang... mà chủ nhân của những trang đó thu thập từ báo chí để thu
hút cộng đồng. "Trong thực tế có thể vẫn còn nhiều trang Facebook đang tổng hợp thông tin, các cơ quan quản lý sẽ tăng cường thanh tra xử lý. Tổng
hợp còn liên quan đến vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ, không phải lấy
chỗ nọ sang chỗ kia, đưa lên thành của mình được. Trích dẫn phải xin
phép và được đồng ý. Ngay cả việc đưa thông tin cá nhân cũng phải tuân
thủ quy định pháp luật", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam
Thắng bổ sung.
Một nội dung khác cũng đặc biệt được quan tâm là quản lý thông tin xuyên biên giới. "Các
tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công
cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ
Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan của Việt
Nam", Nghị định nêu rõ.
Tuy nhiên, khi được hỏi về những hình thức xử phạt cụ thể với các trường hợp vi phạm, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho hay hiện
Ban soạn thảo của Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn đang trong quá trình
xây dựng Nghị định về xử phạt các vi phạm hành chính trong cả hai lĩnh
vực Bưu chính - Viễn thông - CNTT và lĩnh vực Báo chí - Xuất bản và dự
kiến sẽ trình Chính phủ trong thời gian gần đây.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng: "Nghị định về xử lý vi phạm trên Internet đang được soạn thảo và sẽ trình Chính phủ thời gian tới". |
"Internet là phát minh lớn của loài người, nhưng thách thức là những kẻ xấu lợi dụng thành tựu công nghệ để vi phạm pháp luật. Trong điều kiện trên lãnh thổ từng nước thì dễ quản lý, nhưng xuyên biên giới lại là thách thức lớn. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp liên quan, đăng trên cổng thông tin để công khai minh bạch, cũng như tham chiếu các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và tham khảo quy định của các quốc gia khác trong vấn đề quản lý dịch vụ xuyên biên giới", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh.
Nhận định về những trang web mạo danh các lãnh đạo Đảng, nhà nước, những người nổi tiếng, Thứ trưởng cho hay Internet là một xã hội thu nhỏ, có người tốt, người xấu, có thông tin tốt, có thông tin không chính xác, lừa đảo. Việc xử lý nội dung thông tin độc hại cũng sẽ được áp dụng như trong cuộc đời thực. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ ngành, cơ quan báo chí cũng phải vào cuộc, đấu tranh chống lại luận điệu sai trái chứ chỉ dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn.
Châu An