Tốc độ tăng nợ xấu đã được kiềm chế, song tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng liên tục tăng lên do dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm.
Theo báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, tốc độ gia tăng nợ xấu của các TCTD đã giảm dần từ những tháng cuối năm 2012 và giảm mạnh nhất trong tháng 12/2012 (giảm 12,2%).
Theo báo cáo của các TCTD đến cuối tháng 4/2013, tổng số dư nợ xấu toàn hệ thống là 137,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7 nghìn tỷ đồng (15,8%) so với cuối năm 2012 (4 tháng đầu năm 2012 nợ xấu tăng 36,2%), tốc độ tăng bình quân 3,94%/tháng (giảm đáng kể so với tốc độ tăng 9%/tháng của cùng kỳ năm 2012).
Mặc dù tốc độ tăng của nợ xấu đã được kiềm chế, song tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng liên tục tăng lên do dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm. Theo đó, đến cuối tháng 4/2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,67%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07% cuối năm 2011 .
Theo số liệu giám sát của NHNN, tỷ lệ nợ xấu đến thời điểm ngày 31/12/2012 là 7,8%, giảm so với mức gần 9% tại thời điểm 30/9/2012.
Mặc dù, các giải pháp xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, nhưng Thống đốc cũng cho biết, việc xử lý nợ xấu cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế.
Thứ nhất, các giải pháp được triển khai trong thời gian qua chủ yếu là TCTD tự xử lý nợ xấu đã làm giảm mức độ lành mạnh tài chính, hiệu quả kinh doanh của TCTD trong ngắn hạn.
Nợ xấu lớn, chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh là nguyên nhân quan trọng làm giảm kết quả kinh doanh ảnh hưởng đến sự an toàn tài chính của các TCTD. Chênh lệch thu-chi lũy kế năm 2012 của toàn hệ thống chỉ bằng 40% năm 2011, của 4 tháng đầu năm 2013 là 13,1 nghìn tỷ đồng, trong đó nhiều TCTD có chênh lệch thu – chi âm.
Thứ hai, việc xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường, song thị trường bất động sản chưa phục hồi, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, tiêu thụ hàng hoá chậm, năng lực tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn rất thấp.
Thị trường bất động sản chậm phục hồi, thị trường tài chính trì trệ gây khó khăn cho việc bán, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay. Các giải pháp xử lý nợ xấu mang tính vĩ mô, căn cơ, bền vững chưa được triển khai như chuẩn mực phân loại nợ xấu mới chưa được áp dụng, cơ chế hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu,…
Thứ ba, thiếu sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ cho việc xử lý nợ xấu; môi trường kinh doanh không thuận lợi khó thu hút các nguồn vốn đầu tư tài chính cho việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Thứ tư, cơ chế, chính sách xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay còn nhiều vướng mắc, phức tạp, chậm được khắc phục, hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ xấu.
Theo Dân Việt