Hôm nay, 10/06/2013, lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hơn bốn chục lãnh đạo cao cấp khác. Chính quyền Việt Nam giải thích rằng việc lấy tín nhiệm nhằm chứng tỏ vai trò kiểm soát của lập pháp đối với hành pháp. Thế nhưng, giới quan sát nhận định là dường như mọi việc đã an bài, bởi vì tuyệt đại đa số các đại biểu Quốc hội đều là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam.
Vào cuối tháng 11/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết 35. Theo đó, hàng năm, các đại biểu, sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm giới lãnh đạo cao cấp, trong đó có chủ tịch nước, thủ tướng, với hy vọng cải thiện hình ảnh bộ mặt chính quyền trong một quốc gia đang phải hứng chịu nạn tham nhũng tràn lan và khủng hoảng kinh tế.
Phải chờ đến ngày mai, 11/062013, mới có kết quả cuộc bỏ phiếu. Hôm qua, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết là giới báo chí được tham dự và theo dõi, đưa tin về cuộc bỏ phiếu.
Một số nhà quan sát cho rằng, Quốc hội Việt Nam cho đến nay chỉ đóng vai trò như một định chế ghi nhận, hợp thức hóa các quyết định của đảng Cộng sản cầm quyền. Do vậy, về thực chất, người ta có thể đoán trước được các kết quả.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên là đại biểu Quốc hội, được AFP trích dẫn, nhận định là « không thể tổ chức nghiêm túc cuộc bỏ phiếu này » bởi vì các đại biểu Quốc hội không có đầy đủ thông tin đáng tin cậy về hoạt động của các vị lãnh đạo.
Theo báo chí của Nhà nước, những người có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp, dưới 50% trong hai năm liên tục, sẽ phải từ nhiệm. Nhưng theo giáo sư Thuyết, thủ tục này quá « phức tạp », quá chậm chạp và không làm thay đổi trật tự lãnh đạo hiện nay. Thậm chí, vị giáo sư này còn dự báo, tất cả mọi người sẽ được tín nhiệm.
Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần này, nhân vật thu hút sự chú ý nhất của công luận là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Năm nay 63 tuổi, ông Dũng đã được đảng Cộng sản Việt Nam, vào năm 2011, chỉ định tiếp tục làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai. Trên cương vị thủ tướng, ông Dũng bị cho là phải chịu trách nhiệm chính về cuộc khủng hoảng kinh tế, nạn tham nhũng tràn lan, hệ thống ngân hàng suy yếu do phải gánh chịu những khoản nợ xấu khổng lồ của các tập đoàn Nhà nước.
Tại Hội nghị Trung ương 6, hồi tháng 10/2012, chưa bao giờ, một vị thủ tướng lại bị phê phán nặng nề đến như vậy, đặc biệt là những chỉ trích từ phía tổng bí thư Đảng. Báo chí trong nước đăng công khai những phê phán này. Thế nhưng, rốt cuộc, ông Dũng đã tránh được biện pháp kỷ luật, nhưng vị thế và uy tín của ông bị suy giảm đáng kể.
Tháng 11/2012, có một đại biểu Quốc hội còn đòi thủ tướng phải từ chức. Đây là một trong những sự kiện hiếm thấy trong một thể chế vốn có thói quen xử lý kín các vấn đề nội bộ.
Theo giới phân tích, các vụ tấn công nói trên xuất phát từ việc một số cán bộ lãnh đạo cao cấp trong chính quyền muốn làm suy yếu thủ tướng Dũng vì trên thực tế, ông được coi là người có nhiều thế lực nhất.
Là cựu chiến binh, đã từng tham gia lãnh đạo ngành công an, ông Dũng tuyên bố vẫn tiếp tục làm thủ tướng chừng nào Đảng còn tín nhiệm ông. Vào tháng trước, một lần nữa, ông Dũng tỏ ra rất vững chắc trong cương vị thủ tướng khi vô hiệu hóa được một cuộc tấn công mới.
Theo các nguồn tin nội bộ Đảng, Bộ Chính trị, cơ quan có quyền lực nhất Việt Nam, bao gồm 14 thành viên, đã yêu cầu phải có một biện pháp kỷ luật thủ tướng. Thế nhưng, ông Dũng vẫn thoát nạn vào giờ phút cuối, do có sự ủng hộ của đa số các ủy viên Trung ương Đảng. Trong số 200 ủy viên, nhiều bộ trưởng, tướng lãnh quân đội và công an, lãnh đạo các tỉnh do chính thủ tướng Dũng bổ nhiệm.
Một cựu quan chức cao cấp Việt Nam nói với AFP là sự kiện này giống như « một cuộc đảo chính của Ban Chấp hành Trung ương chống lại Bộ Chính trị », đây là sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam. « Giờ đây, tương quan lực lượng đã nghiêng về phía thủ tướng ».
Từ đó đến nay, báo chí của Nhà nước đăng nhiều bài và ảnh cho thấy một vị thủ tướng « năng động », đang đi thăm các đơn vị quân đội hoặc kiểm tra tiến độ đóng tàu ngầm tại Nga mà Việt Nam đặt mua.
Theo RFI