Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi yêu cầu hai thủy điện Đắk Mi4 và A Vương phải tập trung xả nước từ ngày 15 đến 30/5, đảm bảo cho hơn 11.000 ha đất nông nghiệp tại Quảng Nam và Đà Nẵng có nước xuống giống vụ hè thu.
Ngày 31/3, tại Đà Nẵng đã diễn ra cuộc họp khẩn cấp giữa Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng nhằm tìm phương án xả nước hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất vụ hè thu cho vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn.
Buổi họp khẩn cấp giữa Tổng cục Thủy lợi với đại diện Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Ảnh:Nguyễn Đông |
Theo ông Đinh Phùng Bảo, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, Quảng Nam, Đà Nẵng đang trải qua đợt hạn nặng nhất trong nhiều năm qua do lượng mưa năm 2012 chỉ đạt 50-70% so với hàng năm. Thêm vào đó, lượng mưa từ đầu năm đến nay đạt mức thấp, rất khó tạo ra lũ tiểu mãn để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Phản ánh Đà Nẵng không chỉ thiếu nước nông nghiệp mà ngay cả nước sinh hoạt cũng đang bị nhiễm mặn, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho biết, mỗi tháng nhà máy nước Cầu Đổ phải chi 5 tỷ đồng để bơm nước từ đập An Trạch về phục vụ người dân.
Theo ông Thắng, qua khảo sát thực tế, ngoài thời tiết bất lợi thì việc thủy điện Đắk Mi4 ở thượng nguồn sông Vu Gia hầu như không xả nước khiến vùng dạ du thiếu nước. "Nếu thủy điện không xả thì Đà Nẵng sẽ thiếu nước trên diện rộng. Sở đề nghị các bộ ngành chỉ đạo thủy điện Đắk Mi4 xả nước về lại sông Vu Gia với lưu lượng 25 m3/s để chống hạn", ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng thiếu nước tưới nghiêm trọng trong vụ Đông Xuân 2013 khiến 11.000 ha lúa thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất của nông dân. Tại trạm đo Ái Nghĩa (Đại Lộc), lần đầu tiên trong lịch sử xuống mực nước chết, độ mặn đo được lên đến 9/1000.
"Giải pháp cấp bách là đóng chặn tạm thời cửa vào sông Quảng Huế (nhánh chia nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn) bằng đất, bao tải cát để tập trung nước về sông Ái Nghĩa (nhánh chia nước về Đà Nẵng), phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt", ông Quang nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trâm, Tổng giám đốc Công ty thủy điện A Vương cho biết hiện tại thủy điện A Vương và Đắk Mi4 đang ở mực nước chết. A Vương xả một ngày 5 triệu khối nước, nếu xả trong một tuần sẽ hết kiệt. Ông Trâm tuyên bố từ nay đến 31/8, thủy điện chỉ có tối đa 200 triệu khối nước. Việc cùng lúc đáp ứng điện, nước sinh hoạt và nước cho nông nghiệp là không thể thực hiện.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng khẳng định việc thủy điện không xả nước dẫn đến tình trạng vùng hạ du thiếu nước trầm trọng. Ảnh: Nguyễn Đông |
Đại diện các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn cũng cho biết đang phải vận hành cầm chừng bằng phương án cứ 6 ngày hoạt động lại phải nghỉ 6 ngày. Việc xả nước với lưu lượng 25 m3/s thủy điện có thể đáp ứng. Bây giờ cả Đà Nẵng và Quảng Nam đều đang cần nước, do đó sẽ ưu tiên nước cho sinh hoạt, nông nghiệp.
Nhằm gỡ thế bí cho Đà Nẵng và Quảng Nam, đồng thời đảm bảo hoạt động của thủy điện, ông Vũ Xuân Thu, Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị hai thủy điện A Vương và Đắk Mi4 cần xả hồ đập đợt 1 và tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới, có lộ trình cụ thể để tránh lãng phí chứ không thể làm theo kiểu giật cục.
Đại diện Tổng cục Thủy lợi đề nghị hai địa phương tận dụng tối đa nguồn nước hiện có, tích cực nạo vét, khơi thông luồng lạch dẫn nước tới ruộng. Các thủy điện phải xả nước 15 ngày từ 15 đến 30/5, trong đó thủy điện A Vương xả với lưu lượng 39 m3/s và Đắk Mi 4 là 50 m3/s, và sẽ có sự điều chỉnh phù hợp nhu cầu từng thời điểm. Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương sẽ làm trung gian để kiểm tra việc xả nước của các hồ thủy điện trong thời gian tới.
Tổng cục Thủy lợi sẽ tham mưu với Bộ NN&PTNT có lịch xả nước cho các thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên vào tuần sau. Để tránh lãng phí nước, địa phương phải thông báo lịch xả nước đến từng người dân để thống nhất lịch lấy nước. "Làm công tác kỹ thuật nên phải hài hòa các lợi ích. Nếu chỉ tập trung vào dân sinh thì sẽ thiếu hụt điện, tính toán không kỹ lượng thì xả nước về hạ lưu rồi đổ ra biển thì rất lãng phí. Đây là lần đầu tiên Bộ NN&PTNT chỉ đạo việc giải quyết hạn hán, những năm sau đã có kinh nghiệm rồi thì cứ thế mà làm", ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, nhấn mạnh.
Nguyễn Đông