THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

31 March 2013

Những bài thi Lịch sử cười ra nước mắt


Theo thông tin từ nhiều Hội đồng thi, kết quả môn Lịch sử hết sức đáng buồn, nhiều bài làm của thí sinh đã bộc lộ những nhận thức về lịch sử lệch lạc đến tệ hại.


Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007:
TPO - Theo thông tin từ nhiều Hội đồng thi, kết quả môn Lịch sử hết sức đáng buồn, nhiều bài làm của thí sinh đã bộc lộ những nhận thức về lịch sử lệch lạc đến tệ hại.
Mặc dù theo nhận xét chung của các giáo viên, đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử năm nay dễ hơn so với những năm trước, thí sinh chủ yếu chỉ cần trình bày những kiến thức cơ bản, không yêu cầu học sinh phân tích, lí giải. Như vậy một học sinh có học lực trung bình cũng có thể làm được.
Đáp án của Bộ GD&ĐT cũng ngắn gọn, giản đơn. Trong hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT nói rõ: "Thí sinh trả lời câu hỏi theo cách riêng, nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản vẫn cho đủ điểm".
Vậy mà tại Nghệ An, tỉ lệ bài thi đạt điểm trên trung bình vẫn không nhiều, còn số bài thi dưới điểm trung bình (kể cả điểm 0) lại khá phổ biến. Điển hình như túi bài thi có mã số HBS 1701-1724 (24 bài), tổng điểm chỉ đạt 40,5, trong đó chỉ duy nhất 1 bài đạt điểm 5, còn lại đều dưới điểm trung bình; túi bài thi mã số HNS 6801-6824 có 24 bài, tổng điểm 49, trong đó không có bài nào đạt điểm trên trung bình.
Thậm chí có túi bài thi 24 bài nhưng tổng điểm chỉ đạt 32, trung bình mỗi bài thi chưa đủ 1,5 điểm. Đặc biệt rất nhiều bài làm của thí sinh trả lời sai kiến thức, sự kiện và khái niệm cơ bản, diễn đạt, hành văn lủng củng, sai cả từ ngữ, ngữ pháp và tệ hại nhất là những sự "nhầm lẫn" và nhận thức lệch lạc về lịch sử.  
Trong câu hỏi số 1, đề I, yêu cầu thí sinh trình bày nội dung Hội nghị thành lập Đảng, bài thi có mã số phách HNS 3002 trả lời: "...Tiếp tục công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc... nêu cao khẩu hiệu "tất cả cho tuyền tuyến, tất cả cho nhân dân".
Khi nói đến sự thống nhất các tổ chức Cộng sản để thành lập ĐCSVN, có thí sinh viết: "Trước tình hình đất nước bị bọn thực dân xâm lược, Đảng và Nhà nước ta quyết định thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam..." (HES 2521).
Có thí sinh đã dùng sai thuật ngữ và sai ngữ pháp như: "Thông qua chính sách điều lệ vắn tắt, sinh hoạt vắn tắt", "kỷ cương vắn tắt" (HNS 3001)... Một thí sinh khác lại viết: "Chiến dịch Hồ Chí Minh1970, quân ta tiến vào Him Lan, Bản Kéo, lần lượt giành các đồi A1, C1, D, E... Hai bên chiến đấu giằng co quyết liệt và cuối cùng ta đã giành thắng lợi buộc Mỹ phải kí hiệp định Pari năm 1972".
Cũng câu hỏi trên, bài thi có mã số phách HNS 1420 trả lời: "...Đêm 30/12, rạng sáng 1/1/1975, nhân lúc quân lính Mỹ (...)  đang say sưa, quân ta tấn công. Tiếng súng đầu tiên nổ lên, kháng chiến bắt đầu. Giặc lúng túng chống trả không kịp, bỏ cả đồn bốt chạy sang Trung Quốc".
Thí sinh có bài thi mang mã số phách HSS 6206 nhầm lẫn sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với chiến dịch Điện Biên Phủ: "...Đến ngày 30/4/1975, bộ đội ta đã tiến thẳng và bao vây Điện Biên Phủ... ".
Khi nói về tội ác của Mỹ - Diệm, có thí sinh viết: "... Mỹ - Diệm đã đàn áp nhân dân, lôi kéo người dân vào nhà chứa và đưa họ vào con đường nghiện ngập... Mở các lớp học, bắt người dân không học về lịch sử Việt Nam mà phải học về những gì mà các giáo sư Mỹ dạy" (HSS 6208).
Viết về ý nghĩa lịch sử của Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, bài làm của thí sinh mang mã số HVS 4602 : "...Mùa xuân 1974-1975, quân và dân ta không chịu được cảnh đàn áp của thực dân Pháp... Sau Lê Lai, Lê Lợi không chịu được cảnh lòng mang dạ sói của thực dân Pháp, đã nổi dậy đấu tranh năm 1975... nổ ra dòng dã 2 ngày 1 đêm và quân ta đã đánh đuổi thực dân Pháp... Mùa xuân năm 1975 máu chảy thành sông, người chết thì nhiều. Sau Lê Lợi lên làm vua được vài năm là chết”.
Ở câu 1, đề II, phần lịch sử Việt Nam, khi trình bày tình hình nước ta sau năm 1945, nhiều thí sinh viết: "...Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thành công thì VNDCCH gặp khó khăn từ nhiều mặt..." (HAS 0604, 0606, 0608...), "...quân Anh vào Việt Nam với danh nghĩa là giải tán quân Pháp... quân Tưởng tiến vào miền Nam Việt Nam..." (HES 1209), "...Tưởng là một tên Việt gian bán nước", "...sau Cách mạng Tháng Tám, các khu công nghiệp bị tàn phá nặng nề..." (HNS 1424).
Ở phần thi lịch sử Thế giới, sự sai sót cũng rất phổ biến. Trình bày diễn biến cuộc nội chiến ở Trung Quốc (1946-1949), có thí sinh viết: "...Mở đầu là cuộc binh biến Ba Son. Tại đây công nhân đã nổi dậy đình công, đứng đầu là Ba Son, một liệt sĩ cách mạng. Phong trào bị phát xít Nhật đàn áp dã man. Ba Son đã bị giết hại..." (KBS 3208).
Một thí sinh khác nêu: "...Năm 1946, ở Trung Quốc hình thành hai tầng lớp riêng biệt đó là cách mạng XHCN do Mao Trạch Đônglãnh đạo và dai cấp vô sản do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo..." (HNS 1420).
Còn rất nhiều bài thi có những sự nhầm lẫn và thể hiện những sự hiểu biết nông cạn của thí sinh mà chúng tôi không thể kể hết trong khuôn khổ một bài báo. Điều này cho thấy, khi thực hiện một kỳ thi nghiêm túc, những yếu kém về kiến thức lịch sử trong học sinh mới được bộc lộ. Qua đây có thể nhận ra một thực trạng đã đến mức "báo động đỏ" trong việc dạy và học môn Lịch sử ở nhà trường hiện nay.
Theo nhận định của nhiều giám khảo, môn Lịch sử là môn thi có nhiều thí sinh đạt điểm kém nhất và với tình hình trên sẽ có nhiều trường tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ đạt mức dưới 50%.
Trung Thu - Hoàng Hảo