(Hình: Làng Trung Quốc” ở xã Ngũ Lão , huỷ Nguyên, Hải Phòng)
Radio CTM - Người dân Hải Phòng và cả chính quyền địa phương đã lên tiếng báo động tình trạng lao động Trung quốc gia tăng tràn lan đã đang gây xáo trộn cuộc sống của người dân làng quê.
Tệ nạn lao động Trung Quốc nhậu nhẹt say xỉn, gây gổ đánh nhau với dân địa phương xảy ra thường xuyên từ khi dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng triển khai, các công ty TQ được trúng thầu thi công đưa lực lượng lớn lao động người Trung Quốc sang sinh sống làm việc một cách chính thức lẫn "chui", dựng lên các làng Trung quốc và phố Tàu tại các xã ở Hải Phòng.
Chính viên chức công an xã Tam Hưng, Trung tá Đỗ Quang Hảo, cũng phải xác nhận cơ quan chức năng địa phương đã đang gặp phải nhiều khó khăn vì quá đông người nước ngoài sang làm việc, sinh sống tại đây do bất đồng ngôn ngôn ngữ. Ông cho biết, "nhiều đêm thấy họ về quá muộn, uống rượu say, mình nhắc nhở nhưng họ chẳng nghe. Ngoài số lao động chính thức, rất khó để quản lý số lao động “chui”. Có những vụ người Trung Quốc sau khi gây án, công an vào cuộc điều tra thì họ đã về nước…”
Tình trạng lao động Trung Quốc tràn sang Việt Nam không phải mới đây mà đã xảy ra từ nhiều năm qua một cách công khai mà không ai trong giới hữu trách đưa ra biện pháp ngăn chận. Theo quy định của chính phủ về việc tuyển dụng và quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam thì các cơ quan doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam phải ưu tiên sử dụng lao động người Việt Nam, trường hợp lao động trong nước không thể đáp ứng được công việc mới tuyển lao động nước ngoài. Nhưng trên thực tế, trong hàng ngàn lao động Trung Quốc đang làm việc tại Hải Phòng, đa số làm những công việc phổ thông như phụ hồ, thợ xây, thợ hàn… trong khi rất nhiều lao động phổ thông tại địa phương đang thất nghiệp.
Sự việc này đã được phản ánh qua báo chí. Không chỉ ở Hải Phòng, khắp từ Bắc chí Nam đều có báo động tình trạng lao công Trung Quốc sang làm việc ào ạt và hách dịch gây nên nhiều tệ trạng và bất ổn trong xã hội địa phương như ở các vùng khai thác bô-xit Tây Nguyên; khu công nghiệp Tiền Giang; khu công trình nhà máy Thủy điện ở Phú Yên.... Có những trường hợp, trong khi người dân không có công an việc làm thì công nhân Trung quốc vung ít tiền quyến rũ phụ nữ bất chính, sinh con, gây tan nát cho nhiều gia đình làng xã.
Tại Tiền Giang, kể từ khi có KCN Long Giang thì xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước không còn yên ả vì lao động Trung Quốc. Khi số lao động này rút đi thì nhiều phụ nữ địa phương bị bỏ lại ngậm đắng nuốt cay vì gia đình tan vỡ.
Tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Đắk Nông đã từng xảy công nhân Trung quốc dùng mã tấu truy sát nhóm công nhân Việt Nam làm nhiều người bị thương.
Còn ở Phú Yên, nơi xây dựng nhà máy Thủy điện La Hiêng 2 tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, các công nhân lao động Trung Quốc làm việc “chui” ở đây cũng đã tự tung tự tác, lái xe ẩu, thường xuyên gây ra mâu thuẫn với người dân địa phương.
Người dân sống dọc 2 bên đường từ thị trấn La Hai đến xã Phú Mỡ cho biết vào những buổi chiều họ rất ngại ra đường vì sợ xe của người Trung Quốc tông phải vì bọn họ phóng xe như chỗ không người. Chính quyền địa phương cũng bó tay. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ, nhà cầm quyền địa phương chỉ biết "khuyến cáo người dân sống gần đường nên cảnh giác khi có xe của lao động Trung Quốc."