Việt Hà, phóng viên RFA
2013-01-03
Đầu năm mới 2013, đại diện Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã có một buổi gặp gỡ cởi mở với đông đảo cộng động người Việt tại Mỹ và báo giới để nêu lên những quan ngại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Qua buổi gặp gỡ, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho biết những kế hoạch sẽ xúc tiến trong năm mới để đẩy mạnh dân chủ nhân quyền ở đất nước vốn từng là cựu thù và nay đang có tiềm năng trở thành đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương.
Chia sẻ thông tin
Vào chiều ngày 2 tháng giêng, tại tư gia của bác sĩ Nguyễn Quốc quân, Chủ tịch Ủy ban yểm trợ cao trào nhân bản, tại Falls Church, tiểu bang Virginia, đã diễn ra buổi tiếp tân gặp mặt giữa ông Daniel Baer, Phó phụ tá Ngoại trưởng, đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động, với cộng đồng người Việt tại hải ngoại quan tâm đến vấn đề nhân quyền trong nước.
Mục đích của buổi tiếp tân nhằm chia sẻ thông tin giữa Bộ Ngoại giao với cộng đồng người Việt tại hải ngoai về vấn đề nhân quyền trong nước. Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, người tổ chức buổi tiếp tân cho chúng tôi biết:
Nhân quyền là vấn đề trung tâm của lãnh đạo Mỹ không chỉ bởi đó là xuất phát của chúng ta mà còn là mục đích mà chúng ta hướng tới.Ông Daniel Baer
“Tôi nhận thấy là cộng đồng người Mỹ gốc Việt đa số là lo lắng không thỏa mãn lắm với tình hình nhân quyền càng tồi tệ ở Việt Nam và họ cảm thấy là họ không được biết nhiều về chính sách của Mỹ với Việt Nam. Vì thế chúng tôi muốn làm nhịp cầu để có sự liên hệ giữa cộng đồng người Mỹ gốc Việt với Bộ Ngoại giao và tòa đại sứ và quốc hội Hoa Kỳ để chúng ta biết được đường lối của họ thì chúng ta mới có kế hoạch hoạt động hữu hiệu được.”
Ngay trong phần mở đầu bài phát biểu ngắn khoảng hơn 10 phút, ông Daniel Baer đã khẳng định tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền tại các nước trong chính sách ngoại giao của Mỹ:
“Nhân quyền là vấn đề trung tâm của lãnh đạo Mỹ không chỉ bởi đó là xuất phát của chúng ta mà còn là mục đích mà chúng ta hướng tới.”
Sau khi khẳng định cam kết cổ vũ cho nhân quyền trên thế giới, ông Daniel Baer đã dành phần lớn thời gian bài phát biểu và trả lời câu hỏi về những dự định của Mỹ trong năm 2013 để cổ vũ cho nhân quyền tại Việt Nam. 3 điểm chính được ông nói tới, đồng thời cũng là những quan ngại từ lâu nay về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, bao gồm tự do internet, tự do báo chí, tự do tôn giáo và quyền của người lao động.
Ông cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chú ý nhiều hơn đến những thay đổi trong việc thắt chặt kiểm soát internet thời gian qua tại Việt Nam:
Thúc đẩy tự do tôn giáo
Nói về vấn đề tự do tôn giáo, ông Daniel Baer thừa nhận đây là vấn đề tồn tại lâu dài và phía Hoa Kỳ đã nhiều lần thúc giục Việt Nam phải đảm bảo cho người dân thực hiện quyền tự do tín ngướng:
“Theo tôi đây cũng là lĩnh vực có những vấn đề cụ thể mà chính phủ có thể làm để đạt được tiến bộ. Tôi biết đã có nhiều thảo luận giữa Mỹ và Việt Nam về decree 92 và ý nghĩa của nó là gì đối với tự do tôn giáo. Đó là điều chúng tôi sẽ chú ý trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục chính phủ Việt Nam cho phép người dân thực hiện các quyền tự do tín ngưỡng của mình.”
Nghị định 92 của chính phủ Việt Nam ban hành tháng 11 năm 2012 quy định việc thi hành pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là nghị định gặp phải những chỉ trích từ cộng đồng nhân quyền.
Đại diện Bộ ngoại giao cũng khẳng định đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear đang làm tốt công việc của mình, bất chấp một số chỉ trích cho rằng ông đã không đẩy mạnh vấn đề nhân quyền tại Việt Nam:
Tôi nhận thấy là cộng đồng người Mỹ gốc Việt đa số là lo lắng không thỏa mãn lắm với tình hình nhân quyền càng tồi tệ ở Việt Nam.BS Nguyễn Quốc Quân
“Đại sứ Shear và nhân viên của mình ở Hà nội đang làm tốt công việc của mình, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với họ để chia sẻ thông tin và có được ý tưởng tốt nhất từ những người ở Việt Nam làm thế nào để có thể chúng ta có được những cách làm việc hiệu quả với Việt Nam, với người Việt Nam và cổ vũ cho nhân quyền ở Việt Nam. Theo tôi điều này quan trọng hơn cả việc chỉ nói lên các quan ngại trong từng trường hợp cụ thể mặc dù chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục làm vậy. Chúng tôi cũng phải tìm ra các bước đi vững chắc tiếp theo để….. đồng thời cũng để cho mọi người thấy đây không phải là vấn đề bên lề mà phải được coi là vấn đề trung tâm trong quan hệ hai nước, trung tâm cho tương lai.”
Nói về tiến trình dân chủ hóa, ông Daniel Baer cho rằng, dân chủ hóa ở Việt Nam cũng như ở các nước không thể đến một cách ép buộc và phải từ chính nội lực của người Việt trong nước tạo thay đổi. Đó cũng chính là điều đã xảy ra với Miến Điện.
Phát biểu cảm tưởng sau buổi tiếp tân, ông Đòan Hữu Định, chủ tịch cộng đồng người Việt hải ngoại ở Virginia cho biết:
“Tôi có cảm tưởng là nếu Hoa Kỳ có can thiệp với Việt Nam về vấn đề nhân quyền thì tôi mong muốn là cộng đồng hải ngoại có tiếng nói. Do đó đề nghị của tôi với bộ ngoại giao là chúng ta nên có một buổi họp làm việc chung với nhau để người Việt hải ngoại biết được tin tức gì từ trong nước thì chia sẻ, và bộ ngoại giao có tin tức nào từ trong nước thì cho chúng tôi biết rõ ràng, tin tức và nhân quyền phải được chia sẽ rõ ràng.”
Còn bác sĩ Nguyễn Quốc Quân thì cho rằng:
“Có lẽ đây là lần đầu tiên ông ấy ngồi trình bày đầy đủ về các câu hỏi về nhân quyền. Tôi thấy là phần nào, dù chưa thể đáp ứng ngay các đòi hỏi của chúng ta là có tự do dân chủ và nhân quyền ngay nhưng ít nhất họ đang cố gắng làm và họ chứng tỏ họ đang làm. Tôi thấy đó là tích cực gây sự hiểu biết và liên hệ để có thể làm việc chung với chính phủ Hoa Kỳ.”
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân hy vọng buổi gặp gỡ này sẽ là mở đầu cho những cuộc gặp tương tự khác trong tương lai giữa Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt ở hải ngoại.