Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013-01-15
Với ý tưởng gác lại tranh chấp và cùng thăm dò phát triển tài nguyên ở các vùng biển tranh chấp, Việt Nam khẳng định việc này phải dựa vào Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển năm 1982, nhưng cũng sẽ không hợp tác tại các vùng mà Việt Nam có chủ quyền.
Theo bản tin từ Central News Agency của Đài Loan, được phát đi cuối tuần trước, Việt Nam không phản đối ý tưởng cùng thăm dò và phát triển nguồn lực ở các vùng lãnh hải tranh chấp.
Hãng tin Đài Loan trích dẫn lời ông Lương Thanh Nghị, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam, rằng việc hợp tác như vậy với các nước láng giềng phải dựa căn bản trên Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển 1982. Tuy nhiên, vẫn lời ông Lương Thanh Nghị được trích dẫn, hợp tác sẽ không xảy ra trong những vùng Việt Nam có chủ quyền.
Đồng ý khai thác chung...
Theo các chuyên gia về biển Đông, đây là điểm mấu chốt và gây tranh cãi khi trên thực tế những khu vực các nước đòi chủ quyền chồng lấn lên nhau, trong lúc Trung Quốc giành đến 90% diện tích vùng biển Đông.
Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, đại học Luật Khoa Hà Nội, tác giả bài viết “Việt Nam Cần Tăng Năng Lực Chấp Pháp Trên Biển Đông”, nói rằng trước hết có một điểm ông thấy cần minh định:
Cái từ “vùng lãnh hải tranh chấp" có lẽ nên xem lại và nên sử dụng chính xác là “vùng biển tranh chấp”. Bởi vì nói lãnh hải là nói tới vùng thuộc chủ quyền chúng ta mà chỉ rộng không quá 12 hải lý thôi, rất hẹp và rất gần bờ. Cho nên trên biển Đông thì các vùng tranh chấp mà các bên hướng tới thì đấy là vùng rộng như đặc quyền kinh tế, rộng mà không được quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở, và thềm lục địa không được quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Đấy là điểm các bên quan tâm nhiều chứ không phải là lãnh hải.
Nếu nói rằng gác lại tranh chấp và cùng khai thác chung, như hãng tin Đài Loan đưa đẩy, thì liệu việc khai thác chung diễn ra ở mức độ nào. Vẫn lời tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng:
Hiện nay trong khai thác chung người ta chỉ nhắm hướng tới thực tiễn, đó là trước tiên người ta tiến hành khai thác chung nguồn tài nguyên về thủy sản, ví dụ Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành đánh cá chung trong Vịnh Bắc Bộ.
Khai thác chung còn liên quan tới loại tài nguyên thứ hai, đấy là khai thác dầu khí. Việt Nam cũng đã tiến hành với các quốc gia ở Vịnh Thái Lan, đấy cũng là một thực tiễn trực tiếp liên quan tới Việt Nam.
Khai thác chung còn chủ yếu liên quan tới vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa. Trên thực tế các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu áp dụng biện pháp khai thác chung với tính cách tạm thời trong vùng biển đó và cũng liên quan tới nguồn tài nguyên đó.
Với tư cách cá nhân, tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng nói ông hoàn toàn đồng ý với ý tưởng khai thác chung vì với tính cách tạm thời thì đây cũng là một trong những biện pháp có thể gọi là hạ nhiệt, góp phần vào việc quản lý xung đột tại biển Đông:
Chỉ có điều là để thực hiện biện pháp này không phải dễ dàng, bởi các bên phải thực sự ngồi vào bàn với nhau và xác định được vùng tranh chấp tức vùng chồng lấn. Chỉ khi xác định được vùng chồng lấn như vậy thì mới có thể nói tới biện pháp hợp pháp tức là khai thác chung.
Và như tôi đã đề cập, nếu Trung Quốc vẫn giữ nguyên cái tuyên bố về đường lưỡi bò mà không hề đưa ra bất kỳ một vị trí tọa độ cũng không hề đưa ra bất kỳ cơ sở pháp lý nào thì theo tôi biện pháp này rất khó có thể triển khai và mang tính khả thi trên thực tế.
Dưới mắt thạc sĩ Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu biển Đông, tác giả tập sách “Biển Đông: Luận Cứ& Sự Kiện”, gác lại tranh chấp cùng nhau khai thác, như hãng tin Đài Loan nhận định, thực ra là một ý tưởng không mới. Trước nhất, theo ông, đề làm rõ như thế nào là cùng hợp tác ở những vùng tranh chấp thì Việt Nam có thể khẳng định rằng lãnh hải và thềm lục địa Việt Nam, nhất là Luật Biển Việt Nam vừa thông qua, đã tuân thủ luật pháp quốc tế về Luật Biển Liên Hiệp Quốc 1982, trừ những vùng chồng lấn đối với Việt Nam Philippines, Viêt Nam Malaysia, Việt Nam Indonesia, Việt Nam Thái Lan, Việt Nam Kampuchia. Và trong thời gian vừa qua thì có thể nói mọi chuyện tạm ổn định giữa các nước ASEAN này với nhau:
Nhưng về phía Đài Loan hoặc phía Trung Quốc thì Việt Nam không hề có tranh chấp với Đài Loan hoặc là Trung Quốc ở biển Đông. Nói một cách khác, tranh chấp với Việt Nam ở biển Đông là Trung Quốc và ăn theo Trung Quốc là Đài Loan. Do đó, đối với các nước ASEAN, đối với những vùng chồng lấn, Việt Nam từng tạm gác tranh chấp, cùng khai thác hòa bình. Ví dụ như giữa Việt Nam và Malaysia cùng khai thác ở vùng chồng lấn. Việc hợp tác giữa Tập Đoàn Dầu Khi Quốc Gia Việt Nam và Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Malaysia tức Petronas, là mẫu mực để giải quyết những tranh chấp trong nôi bộ.
... nhưng tránh vùng biển chủ quyền VN
Muốn cùng khai thác cùng hợp tác ở những khu vực gọi là tranh chấp với Trung Quốc thì tôi nghĩ chỉ có khu vực ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ mà thôi. Hiệp Định Vịnh Bắc Bộ đã ký với Trung Quốc năm 2000 thì đã giải quyết biên giới vùng biển, chỉ còn khu vực ở ngoài Vịnh Bắc Bộ. Vấn đề, có hay chăng, là Trung Quốc có dám cùng với Việt Nam khai thác hòa bình ở khu vực này hay không? Còn các khu vực khác trên biển Đông thì Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền.
Còn Đài Loan, khi còn thời Tưởng Giới Thạch, năm 1946, đã đưa quân chiếm một số đảo ở phía Tây Hoàng Sa, cụ thể là Ba Bình cho đến ngày hôm nay. Trong quan hệ Đài Loan Việt Nam hiện nay, chính sách nhất quán của đối ngoại Việt Nam là chỉ công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, mọi quan hệ với Đài Loan là quan hệ phi chính phủ. Do đó không có lý do gì mà Đài Loan có thể tuyên bố Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Đài Loan để khai thác những vùng chồng lấn. Tôi nghĩ như thế này là không ổn về mặt pháp lý cũng không ổn về mặt quan hệ.
Nói một cách khác, nhà nghiên cứu biển Đông Đinh Kim Phúc giải thích tiếp, sự kiện Việt Nam tuyên bố sẵn sàng hợp tác khai thác hòa bình ở những khu vực có tranh chấp thì hợp lý hơn cả là trong nội bộ ASEAN chứ không thể với Đài Loan hay với Trung Quốc:
Rõ ràng ý tưởng tạm gác tranh chấp cùng nhau khai thác cũng là ý tưởng của Bắc Kinh từ thời Đặng Tiểu Bình. Một khi họ không có chủ quyền, một khi họ tạo cớ để tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền của họ trên biển Đông, mà chúng ta tạm gác tranh chấp cùng nhau khai thác tức có nghĩa rằng chúng ta biến những vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam thành một khu vực có tranh chấp.
Đó là cái bẫy sập mà Trung Quốc tạo ra, thạc sĩ Đinh Kim Phúc khẳng định. Thứ hai, vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền và được công nhận bởi luật pháp quốc tế nhưng nếu biến thành khu vực gác tranh chấp cùng nhau khai thác thì chẳng khác nào rước hổ vào nhà .
Tất cả mọi hợp tác đó, ông kết luận, với Đài Loan hay với Trung Quốc, không sớm thì muộn sẽ khiến Việt Nam mất thêm biển đảo và mất tất cả quyền lợi của mình trên biển Đông.