Nằm ở độ cao khoảng 300 đến 600 m so với mực nước biển nên mùa đông tại huyện miền núi Bắc Trà My trở nên khắc nghiệt, giá rét hơn nơi khác trong tỉnh. Thế nhưng, đến Bắc Trà My những ngày này, sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh các học sinh mặc mỗi chiếc áo sơ mi mỏng mảnh đến lớp. Có em, để chống chọi với cái rét đã mang chồng nhiều áo, cái trong dài hơn cái ngoài cứ thế đi học. Em Hồ Văn Lim, học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Hồng Phong, buồn bã: “Năm trước một người quen cho em cái áo, mặc mãi đến nay đã cũ và cũng chật quá rồi. Cả nhà hứa năm nay cho em thêm áo nhưng em chờ mãi mà không thấy đâu”. Không riêng gì em Lim, nhiều học sinh khác sinh sống tại các khu tái định cư thuộc xã Trà Đốc, Trà Bui cũng đang mong mỏi có áo ấm để mặc trong mùa đông. Nhưng với nhiều em tấm áo ấm vẫn là niềm ước mơ. Trong chiếc áo trắng học sinh mỏng tanh, em Hồ Thị Lành, học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Hồng Phong run lên bần bật, giọng nói xen lẫn tiếng hai hàm răng va vào nhau vì quá lạnh: “Biết nhà mình nghèo nên em không dám xin mua áo ấm. Mà xin cũng chưa chắc đã có vì ba mẹ không có tiền. Tết năm nay không có áo mới, chắc em không đi chơi với các bạn được...”.
Nhiều trẻ em trong vùng động đất đang thiếu áo ấm để mặc trong mùa đông |
Các em học sinh mặc phong phanh đến trường trong giá rét - Ảnh: Hoàng Sơn |
Khi nơi này chưa xảy ra rung chấn, với nhiều phụ huynh việc mua cho con em mình một tấm áo ấm đã khó, vì họ đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số như Cor, Ca Dong, Xê Đăng… có đời sống hết sức khó khăn. Nay động đất không chỉ tác động đến tâm lý người dân mà còn khiến nhiều người bỏ bê nương rẫy. Nhiều bậc cha mẹ không đủ tiền cho các con mặc đủ ấm là điều dễ hiểu. “Đất trồng không có, nước cũng thiếu, sống ở đây quá khổ rồi. Hằng ngày lo cái ăn đã mệt nói chi mua cái áo ấm cho con. Từ khi xảy ra động đất đến nay, tôi không dám đi đâu xa vì sợ nếu có xảy động đất mà không có người lớn lại nguy hiểm cho các con. Có lên rẫy thì nửa buổi cũng chạy về vì sợ động đất. Không làm gì được, cũng không có tiền, tôi hứa mua áo ấm mới cho các con nhưng mãi không làm được”, bà Hồ Thị Đương, một trong những hộ dân sống tại khu tái định cư (thuộc thôn 3, xã Trà Đốc), nói.
Cái đói rình rập
Theo chính quyền địa phương, từ khi xảy ra động đất đã có hơn 75 đợt rung chấn lớn nhỏ xảy ra. Năm 2012 cũng là năm Bắc Trà My “oằn lưng” gánh chịu hàng loạt trận động đất mạnh, đỉnh điểm có trận mạnh đến 4,9 độ Richter. Huyện miền núi này đã gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao thì nay càng khó hơn khi không ít nhà đầu tư bỏ đi, công ăn việc làm ít hẳn. Đó là chưa kể, nhiều khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 đang thiếu đất sản xuất trầm trọng, đẩy người dân vào nguy cơ thiếu lương thực dài ngày.
Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết: “Nhiều hộ dân trong xã thuộc diện hộ nghèo nên mỗi mùa đông về con em của họ thường ăn mặc không đủ ấm để đến lớp. Năm nay, động đất lại liên tục xảy ra, hoạt động sản xuất của bà con bị gián đoạn, nhiều hộ dân đã bỏ đi nơi khác sinh sống. Trước động đất đời sống bà con đã lắm chật vật, nay càng thêm túng thiếu vì làm ăn bê trễ”.
Trong một cuộc họp gần đây, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My đã đề xuất Tập đoàn Điện lực (EVN) hỗ trợ thêm 24 tháng lương thực cho người dân vùng động đất cũng vì hiện địa phương này đang gặp rất nhiều khó khăn vào thời điểm giáp hạt. Khi trao đổi về việc nhiều học sinh đang thiếu áo ấm để mặc, ông Phong nói, hơn lúc nào, chiếc áo ấm đang rất có ý nghĩa với các em nên sẽ rất quý nếu áo ấm đến với các em lúc này.
Mong những tấm lòng hảo tâm chia sẻ
Nhìn cảnh học sinh phong phanh áo mỏng đến trường trong mùa đông rét buốt, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Giáo dục H.Bắc Trà My, chia sẻ: “Đời sống người dân tại các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của động đất như: Trà Tân, Trà Bui, Trà Đốc... vốn đã thiếu đủ bề nay lại thêm khốn khó. Hằng ngày, chứng kiến cảnh các học sinh đến lớp mặc không đủ ấm, chúng tôi không khỏi xót xa. Nhưng biết làm sao hơn vì người dân quá nghèo. Chỉ mong tấm lòng của các nhà hảo tâm đến với các em lúc này”.
|
Hoàng Sơn