Theo ông Khôi, Hòa Bình là nhà thầu tổng hợp có tiếng khắp cả nước với doanh thu mỗi năm hơn 4.000 tỷ đồng nhưng phần lớn nguồn vốn vẫn phải phụ thuộc vào ngân hàng.
Vì vậy cho nên khi chính sách tiền tệ thay đổi, lãi suất vay tăng cao thì việc kinh doanh của Hòa Bình đã nhanh chóng bị ảnh hưởng.
Yếu vốn nên nhà thầu trong nước thường làm thầu phụ tại các dự án |
Đơn cử như khi tham gia một dự án lớn, do tài chính yếu nên Hòa Bình rất khó thắng thầu mà phải nhường cho nhà thầu nước ngoài và Hòa Bình phải chấp nhận làm thuê cho chủ đầu tư này.
"Nguồn vốn có hạn và lãi suất quá cao khiến nhà thầu trong nước rất thiệt thòi dù có năng lực. Nhiều dự án lớn ở TP.HCM treo biển do nhà thầu nước ngoài thực hiện nhưng trong đó có tới 70-80% lượng công việc do nhà thầu trong nước làm", ông Khôi nói.
Tại hội thảo, GS-TS Đoàn Thị Hồng Vân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho hay câu chuyện "doanh nghiệp chết hàng loạt" đã được đưa ra từ giữa năm 2011 và có nhiều hội nghị, hội thảo của Chính phủ, cơ quan nhà nước đem ra mổ xẻ nhưng lượng doanh nghiệp gặp khó khăn không giảm.
Theo bà Vân, hiện đang tồn tại một thực trạng không bình thường ở Việt Nam là việc thành lập doanh nghiệp dường như quá dễ còn quá trình hậu kiểm lại có nhiều lỗ hổng. Do đó, cơ quan có thẩm quyền không nắm chắc được doanh nghiệp do mình quản lý, dẫn tới "bắt bệnh" và "chữa bệnh" không đúng.
Tin; ảnh: Trung Hiếu