Quốc Việt, thông tín viên RFA
2012-11-19
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc và ASEAN+3 đã tập trung thảo luận để đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa các bên tranh chấp ở biển Đông, nhưng đã không đem lại kết quả mà lại bùng phát căng thẳng.
Không đồng thuận
Tháng 7 vừa qua, Hội nghị Ngọai trưởng của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 45 đã không ra được bản thông cáo chung do bất đồng nội bộ. Campuchia là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN bị các nước thành viên coi nằm dưới tác động của Trung Quốc, đã không chấp nhận yêu cầu của Philippines và Việt Nam đưa vào bản thông cáo chung về tranh chấp bãi đá Scarborough và biển Đông.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần 15 và ASEAN+3 (ASEAN-Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) diễn ra tại thủ đô Phnom Penh vào ngày 19/11 lại không thể tìm được sự thống nhất các thành tố của Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính chất pháp lý ràng buộc cao hơn Tuyên bố về ứng xử (DOC) của các bên ở biển Đông.
Biển Đông, vẫn là đề tài được quan tâm nhiều nhất. Lãnh đạo các nước đã và đang cố gắng chuẩn bị và thiết lập cơ chế pháp lý ở khu vực để giải quyết tranh chấp.Surin Pitsuwan
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói với báo giới:“Biển Đông, vẫn là đề tài được quan tâm nhiều nhất. Lãnh đạo các nước đã và đang cố gắng chuẩn bị và thiết lập cơ chế pháp lý ở khu vực để giải quyết tranh chấp.
Hoa Kỳ đã ủng hộ và thúc giục ASEAN tiếp tục làm việc trong vấn đề này. Hoa Kỳ hy vọng sẽ có một cơ chế pháp lý đầy đủ để có thể giải quyết tranh chấp của các bên liên quan.”
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Kao Kim Hourn phát biểu tại buổi họp báo rằng các nhà lãnh đạo ASEAN đã quyết định sẽ không quốc tế hoá các tranh chấp ở biển Đông và ASEAN chỉ đàm phán với Trung Quốc. Ông nói tiếp:
“Các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông. Trong khi chờ đợi đàm phán, xây dựng COC thì các nước liên quan tranh chấp cũng phải thực hiện DOC, luật biển và các Công ước quốc tế.”
Sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Trung Quốc, Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngay lập tức ra tuyên bố phản đối. Ông khẳng định rằng tại cuộc họp giữa ASEAN với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo ASEAN không có thỏa thuận nào là không quốc tế hoá tranh chấp biển Đông.
Còn Nhật Bản cảnh báo rằng một tranh cãi về biển Đông có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình và ổn định ở Châu Á. Đặc biệt, khi Việt Nam và Philippines công khai không đồng ý với Campuchia tại một Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 21.
Thủ tướng Yoshihiko Noda viết trong tuyên bố ra ngày 19/11 rằng Thủ tướng đã đề cập đến mối quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất đối với Nhật Bản. Ông nói thêm, mặc dù quan hệ song phương hiện nay đang ở trong tình trạng khó khăn, Nhật Bản vẫn cam kết đối phó với bất kỳ vấn đề còn tồn tại một cách bình tĩnh và hòa bình, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ đôi bên cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung từ một góc nhìn rộng, dựa trên 4 tài liệu chính trị quan trọng được thực hiện bởi hai nước kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1972.
Quốc tế quan tâm
Theo quan điểm của tôi, nhiều nhà lãnh đạo ASEAN đã nỗ lực thảo luận, đặc biệt là các nước liên quan tranh chấp để tìm lối thoát.Teuku Faizasyah
Đối với vấn đề biển Đông, Nhật Bản coi đây là mối quan tâm chung cho cộng đồng quốc tế, trong đó sẽ có tác động trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mặc dù COC không phải là nguyên lý để giải quyết tranh chấp về chủ quyền hoặc về một hòn đảo nào nhưng các nguyên tắc thành tố của COC lại dựa trên cơ sở Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông đã có. Do đó, COC phải đưa ra những biện pháp pháp lý ràng buộc cao hơn, để đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, để các bên cùng cam kết không gây ra xung đột.
Vì đây là sự thỏa thuận giữa ASEAN với Trung Quốc nên cuộc thảo luận về vấn đề biển Đông cần phải nằm trong khuôn khổ quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Nhưng khi COC bị trì hoãn thì sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của tất các bên.
Ông Teuku Faizasyah, Phát ngôn viên, đồng thời là Cố vấn đặc biệt về đối ngoại của Tổng thống Indonesia, nói với phóng viên Quốc Việt rằng ngoài vấn tranh chấp được đem ra thảo luận còn có rất nhiều đề tài khác nhằm thúc giục hợp tác phát triển và thu hiệp khoảng cách giữa các nước ASEAN. Trong khi đó, các nước có liên quan tranh chấp đã nổ lực đưa ra những vấn đề khó khăn của họ, tuy nhiên cũng có lãnh đạo một số nước đã cố gắng tránh né thảo luận về tranh chấp biển Đông.
Ông cho biết nếu các nước đã nhất trí tạo thêm động lực cho các cuộc thảo luận thẳng thắn về vấn đề này, thì 3 năm tới sẽ hoàn thành COC.
Báo Tiền Phong Online, dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 21 rằng biển Đông đã trở thành vấn đề quan tâm chung. Tình hình khu vực này trong thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp.
Do đó, ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò và tiếng nói của mình trong vấn đề này trên cơ sở quan điểm chung đã có đồng thuận là nhấn mạnh hòa bình, ổn định ở biển Đông, trong đó có vấn đề an ninh, an toàn hàng hải; tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982. Các quy định của Công ước về việc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC và thúc đẩy việc sớm xây dựng COC.
Về COC, ông Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh ASEAN đã thống nhất được các thành tố cơ bản của COC để làm cơ sở trao đổi với Trung Quốc và đề nghị ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy sớm đàm phán chính thức ASEAN-Trung Quốc về xây dựng COC.
Đánh giá về những nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp, các nhà nghiên cứu biển Đông cho rằng các nước liên quan cần phải bàn thảo chi tiết những yếu tố cần thiết của COC. ASEAN cần giữ vai trò trung tâm trong khu vực trong khi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ đang tăng cường can dự vào Châu Á.
Như vậy, nếu ASEAN thảo luận các thành tố COC trên các diễn đàn khác thì sẽ ảnh hưởng tới hướng hợp tác trong khu vực.
Đồng ý với ý kiến trên, ông Teuku Faizasyah nói: “Chúng ta hãy để ASEAN tự đàm phán và thỏa thuận. Nó còn quá sớm để quốc tế hóa vấn đề này. Chúng ta đã biết, hết 10 năm mới ASEAN có DOC.”
Năm 2002, các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký một Bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, đồng ý tiến tới một Bộ quy ứng xử để tránh xung đột ở khu vực. Từ đó đến nay, các nước nhỏ liên quan tranh chấp như Việt Nam chỉ biết kêu gọi thực hiện DOC mặc dù bị Trung Quốc lấn lước nhiều lần.
Được biết, DOC được coi là một tuyên bố chính trị, không có sự ràng buộc nên ASEAN và Trung Quốc đã mất hết 10 năm mới ra được các nguyên tắc hướng dẫn. Còn COC thì một số nước liên quan không muốn lập lại.