Ba mẫu chuột dương tính với virus Hanta là chuột cống nâu trong số 25 con chuột (chuột cống nâu và chuột lắt) được cơ quan chức năng bẫy bắt tại khu vực phường 9, Q.3, TP.HCM.
Được biết, trước đó (ngày 17.10), bệnh nhân N.V.T. (55 tuổi, ngụ tại khu vực trên) phải nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong tình trạng sốt cao kéo dài, nghi ngờ sốt xuất huyết. Một ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân T. chuyển biến suy thận.
Cơ quan chức năng bẫy bắt chuột tại khu vực phường 9, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Nguyên Mi |
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã làm các xét nghiệm và phát hiện bệnh nhân T. nhiễm virus Hanta có từ chuột. Theo lời khai của bệnh nhân thì trước đó ông đã bị chuột cống cắn ở chân lúc đang ngủ.
Bác sĩ Võ Minh Quang, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, bệnh viện thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân bị nhiễm virus Hanta.
Tiến sĩ - bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu (Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM) cho biết, virus Hanta có trong nước bọt và nước tiểu của chuột, ngay cả khi chết xác chuột vẫn còn phóng thích virus này. Virus Hanta lây từ chuột sang người theo hai đường là hít phải khí của nước tiểu chuột hoặc bị chuột nhiễm virus cắn.
Thời gian từ khi người bị nhiễm virus Hanta đến khi phát bệnh khoảng 9 - 35 ngày (đa số từ 9 - 24 ngày). Bệnh nhân nhiễm virus Hanta phát bệnh có các triệu chứng: Sốt cao (từ 3 - 5 ngày, có khi sốt kéo dài 4 - 6 tuần), khó thở, đau cơ, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau bụng (tăng dần), tiêu chảy, suy gan, suy thận cấp.
Bệnh có thể khỏi sau 7 - 10 ngày điều trị nhưng nguy hiểm là vì chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị và có thể tử vong trong trường hợp suy gan, suy thận cấp.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể bị nhiễm virus Hanta mà tùy vào cơ địa của từng người. Virus Hanta cũng không truyền bệnh từ người sang người.
Các bác sĩ khuyên người dân nên giữ vệ sinh chỗ ở, không đổ thức ăn bừa bãi để tránh tạo điều kiện cho chuột sinh sống và đặc biệt là không để chuột cắn.
Nguyên Mi