THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

20 November 2012

Hai bà Mẹ Việt Nam



Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Đọc tin cụ bà Hà Thị Nhung thiệt mạng sau khi bị công an xô đẩy, lôi kéo, xóc nách, té bịch xuống trong cuộc biểu tình kêu oan sáng ngày 12/11/2012 tại vườn hoa Lý Tự Trọng, Hà Nội, mấy ai còn chút lương tri mà chẳng động lòng... Phần hắn, đã không cầm được xúc cảm tràn ra nơi khóe mắt khi thấy khuôn mặt bà cụ trông giống hệt mẹ hắn lúc lâm chung 30 năm về trước. Bỗng dưng hắn hồi tưởng lại cuộc đời mẹ, rồi liên nghĩ đến tin tức chung quanh cái chết của cụ bà Hà Thị Nhung, và những lời bà cụ nói trước đó, hắn chợt nhận ra nơi hai bà, tuy mỗi người một vẻ, ngoài khuôn mặt sau khi trút hơi thở cuối cùng còn có điều gì vô hình khác giống nhau.

Theo thứ tự thời gian hiện hữu hai bà trên cõi đời này, người viết xin kể về bà mẹ hắn trước khi đề cập đến cụ bà Hà Thị Nhung.

Cuộc đời mẹ hắn thế nào? Sự hiểu biết của hắn cũng như mọi người con khác về mẹ đều được cấu thành bởi hai “mãng”: một phần trước khi có trí khôn được nghe kể lại, và một phần do “kinh nghiệm” sống bên mẹ với mẹ trong mẹ từ ngày biết nhận thức. Cứ theo như lời nhiều người lớn trạc tuổi mẹ hắn kể lại với suýt soa thèm thuồng: mẹ hắn khi xưa là một người con gái diễm phúc hội đủ những tiêu chuẩn mà ít người thiếu nữ dám ước mơ. Nhưng đó là một hình ảnh hoàn toàn xa lạ, lộng lẫy khi nghe kể rồi tức thời biến thành khói sương tan loãng mất hút vào cõi mơ hồ nào đó. Hắn chỉ quan tâm đến một bà mẹ mà chính hắn tai nghe mắt thấy và cảm nghiệm được. Cuộc đời mẹ trong mắt hắn hầu như phần lớn bị phủ bởi toàn một màu xám, họa hoằn lắm mới có được chút đốm sáng vụt đến vụt tắt. 

Những trang đầu ký ức về mẹ hắn là một người đàn bà dáng dấp mảnh mai ngày ngày ra đi khi trời còn tờ mờ sáng với quảng gánh thuốc lào đi họp chợ Trổ bên kia sông phía hạ nguồn cách nhà khoảng vài cây số, và khi bà trở về trời đã chập choạng tối. Về sau chợ phải họp ban đêm vì tàu bay Pháp bắn càn cả đò ngang mà nạn nhân đầu tiên trong làng là chị Thái được khiêng về trên cái võng vải nhựa ngập máu, mẹ hắn lại chuyển sang đi tối về sớm. Đi họp chợ đêm tránh được tàu bay Pháp nhưng thỉnh thoảng lại gặp “ma Tây” nhát khi đi ngang qua vườn ông Bát Ẩm là nơi trước kia đã xảy ra trận chiến ác liệt giữa Trang Hét (1) với quân Pháp, cách nhà khoảng vài trăm thước; có đôi lần bà sợ đến hoảng hồn khiếp vía, về đến nhà là vội vàng quẳng thúng gánh ngoài cửa, chạy thốc lên giường cuộn kín chiếu đắp. 

Thế rồi tiếng tàu bay Pháp không còn nghe nữa và tin chiến thắng Điện Biên được mõ làng thông báo, mẹ hắn cùng mọi người hân hoan ra khỏi sinh hoạt ban đêm, nhưng chẳng bao lâu lại phải đụng đầu quỉ dữ giữa ban ngày. Đó là đám người lạ hoắc từ đâu đến đầu nón cối chân dép râu vai mang xắc cốt đến “giáo dục” dân làng xưa nay sống với nhau an hòa thuận thảo quay ra rình mò nhau từng miếng thịt khúc cá trên mâm bàn nhà hàng xóm, để ý canh chừng nhau từng lời nói; bọn quỷ giữa ban ngày “mớm” cho dân làng những tội ác địa chủ không hề có, chọn những người cùng khổ nhất làng để dụ dỗ, hứa hẹn và tập dượt kể tội địa chủ và tiếp sau đó là những đêm du kích đến từng nhà xua mọi người đi xem đấu tố. Mẹ hắn càng kinh hoàng khi hay tin bà dì trong Hà Tịnh, người từng đóng góp không ít cho kháng chiến chống Pháp, đã bị tịch thu toàn bộ tài sản, bắt giam và mới chết trong nhà tù cách mạng.

Hắn nghĩ, ma Tây chỉ nhát “cho vui” chứ không làm hại gì mẹ hắn trong đêm tối, nhưng quỷ Việt giữa ban ngày thì lộng hành khủng khiếp, chúng chẳng những cướp của giết người, mà còn phỉ báng Trời, Phật, lật nhào đạo lý tổ tiên, xúc xiểm truyền thống dân tộc, coi khinh giềng mối gia đình... May làm sao nhờ ánh sáng Miền Nam dẫn đường cho gia đình hắn thoát thân được đến chốn đất lành. 

Nhưng rồi nơi đất lành chim đậu chưa được bao lâu thì cú vọ lại mò tới. Mẹ hắn chưa kịp mừng con vừa rời trường họ bước vào sự nghiệp trường đời đã phải vội tiễn con đi vào nơi gió cát binh đao. Chiến tranh ngày một lan ra mãi. Chiến tranh vần vũ trên đầu bà, qua những tiếng đại bác, hỏa tiển, tiếng gào thét của phản lực cơ chiến đấu, tiếng xành xạch của những máy bay trực thăng võ trang và những trực thăng sơn màu tang trắng (2).

“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại?...” Mẹ hắn cũng đã hỏi bao lần như thế đứa con biền biệt mãi ngoài trận tuyến. Và con bà đã trở về trên chiếc trực thăng sơn màu tang trắng ấy, nhưng còn may mắn chưa phải nằm trong “pông sô buồn liệm kín”(2) như bao thanh niên cùng trang lứa. Được một thời gian nhẹ gánh lo âu ngắn ngủi bên đứa con mang đầy dấu tích chiến thương, bà lại phải chịu thêm lần nữa đoạn trường, nuốt nước mắt vào trong nhìn hắn trở lại chiến trường. Rồi chiến tranh chấm dứt, nhìn con sống sót trở về, dù mang nỗi nhục nhã của phe bại trận, nhưng thôi con ơi dù sao đất nước cũng đã ra khỏi cảnh chinh chiến tương tàn điêu linh. Nhưng lại một lần nữa bà phải mỏi mòn chờ đợi và hằng đêm cầu xin Ơn Trên cho con qua khỏi ngục tù quỷ dữ...

Ơn Trên đã cho bà gặp lại đứa con trở về, nhưng hắn đã chẳng cứu giúp được mẹ trong cảnh già yếu bệnh hoạn túng quẩn. Trải qua một cuộc bể dâu, hắn chẳng còn thiết tha tiếc nuối gì, nhưng hắn chỉ tiếc giá như mẹ hắn lìa đời khi Miền Nam chưa được “giải phóng”. Để khuôn mặt mẹ thanh thản hơn sau khi nhắm mắt.

Dẫu sao, mẹ hắn cũng đã được nhắm mắt từ giả cuộc đời này dưới mái nhà tuy khiêm nhường nhưng là được “chết ở trong nhà”. Trong khi cụ bà Hà Thị Nhung đã phải nằm xuống giữa chốn lộ thiên, nơi được gọi là Vườn hoa Lý Tự Trọng nhưng thực chất khi đó là rừng Công An Nhân dân hung hăng dữ tợn tàn ác gấp bội đám “quân Giu Dêu” đi bắt Chúa Giê Su cách đây 2000 năm!

Trái ngược với mẹ hắn ‘có tội với nhân rân”, nào là “công ráo ri cư 54”, nào là có con làm ngụy quân, lại là ngụy quân thuộc diện “ngoan cố, cản trở bánh xe cách mạng đến giây phút cuối cùng trước khi Miền Nam được hoàn toàn giải phóng”, cụ bà Hà Thị Nhung đã “cống hiến cho cách mạng ròng rã 30 năm, từng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì”. Trong 30 năm ấy, biết bao là tình đồng chí, tình cách mạng vô sản, tình góp công đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào, chao ôi là tình!

Đó là chưa nói đến con bà cụ Nhung. Biết đâu dòng giống cách mạng, con bà cũng đã từng hát bài “bác cùng chúng cháu hành quân”, có mặt trong đoàn quân giải phóng Miền Nam, đã vào tận rừng tràm U Minh Thượng hợp đồng tác chiến với du kích Nguyễn Tấn Dũng bây giờ là thủ tướng nước CHXHCNVN, đã “quyết tử” cho đồng bào Rạch Giá chí tử. 

Tội nghiệp cụ bà Hà Thị Nhung, đảng của bà vẫn tốt, chỉ vì một bộ phận không nhỏ trong đảng tham nhũng tiêu cực mà bà cụ bị đẩy vào chỗ... Dân Oan để rơi vào cảnh đi xin ăn bấy lâu nay và bỗng dưng “cao máu” mà chết giữa vườn hoa Lý Tự Trọng Hà Nội.

Hai cụ bà mẹ Việt Nam đã chết. Một bà cho giẫu phải lìa đời trong hoàn cảnh bất ưng nhưng có lẽ đã được an bình bên kia thế giới. Một bà bỏ mình trên đường kêu oan nhưng chết rồi vẫn khó mà thoát khỏi lời trách móc của đồng chí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Ha Nội Nguyễn Thế Thảo rằng bà đã “làm xấu hình ảnh thủ đô và ảnh hưởng đến ngoại giao”.

Hai bà mẹ Việt Nam đã chết cách nhau 30 năm, tuy ở vị thế đối nghịch nhau, nhưng vẻ mặt hai cụ bà giống nhau ở một điều. Đó là không muốn đội trời chung với nhà cầm quyền Cộng Sản. 



________________________________

Chú thích:

(1) Trang và Hét là tên hai chiến sĩ yêu nước được Linh mục Đậu Quang Lịnh người làng Yên Phú trong huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh thời bấy giờ hoạt động ở Vĩnh Long (?) chống Thực dân Pháp phái về quê hương ngài vận động người giàu có giúp tiền của để mua khí giới cho tổ chức. 

(2) Phạm Duy- “Kỷ vật cho em”.