Chủ sở hữu toàn dân là... hư vô
Băn khoăn trước quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân được xác lập rõ trong dự luật Đất đai (sửa đổi), ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng khái niệm toàn dân làm chủ sở hữu (CSH) là hư vô, còn nhà nước đại diện CSH là mâu thuẫn vì “đã xác định CSH thì không thể có đại diện CSH áp đặt được. Cơ quan nhà nước thực hiện đại diện CSH về đất đai cũng không logic vì cơ quan nhà nước không đại diện cho toàn dân được”.
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) - Ảnh: Ngọc Thắng |
ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cũng đề nghị, đất đai sở hữu toàn dân thì phải xử lý rất kỹ quyền đại diện CSH là Nhà nước đến đâu. Nếu không dẫn đến tình trạng đại diện CSH lại sử dụng tùy tiện mà không tính đến đối tượng CSH thực sự là người dân.
Cũng cùng bức xúc này, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) chỉ ra rằng, luật Đất đai năm 2003 nếu thực hiện các quyền sở hữu của toàn dân một cách nghiêm túc thì còn mạnh hơn quyền sở hữu tư nhân về đất. Tuy nhiên, thực tế thì các quyền sở hữu của toàn dân được thực hiện một cách rất lỏng lẻo.
Chúng ta cho phép thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, mặc nhiên coi doanh nghiệp làm kinh tế sẽ tốt hơn người dân. Việc làm này là mặc định quyền định đoạt của nhà nước và phủ nhận tất cả các quyền khác của người dân. Nếu người dân chống đối các quyết định đó thì bị coi là chống đối lại chính quyền.
“Chính quyền sai mười mươi thì lại chẳng phải theo trình tự khiếu nại tố cáo nào, còn người dân làm đúng luật thì lại phải theo các trình tự khiếu kiện rất mệt mỏi, kéo dài”, ĐB Hoàng nói.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) tuy nhất trí với quan điểm quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện CSH nhưng đề nghị phải nêu rõ khái niệm sở hữu toàn dân, cơ chế để thực hiện quyền sở hữu đó như thế nào, nhà nước thực hiện nhiệm vụ đại diện CSH cụ thể ra sao.
|
“Trong dự thảo luật quy định quyền hạn, trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với đất đai nhưng chưa phân biệt rõ quyền hạn đó do CSH giao hay do chức năng vốn có của nhà nước. Vai trò của nhân dân và cơ quan dân cử thì còn chung chung, mờ nhạt và thiếu một cơ chế cụ thể để thực hiện việc giám sát một cách hữu hiệu. Thiếu cơ chế giám sát cụ thể của nhân dân sẽ dẫn tới lạm quyền, đây chính là nguyên nhân của tham nhũng, của khiếu kiện về đất đai đã không ngừng gia tăng trong thời gian vừa qua”, ông Hùng nói thẳng, và đề nghị: Toàn bộ luật sửa đổi cần được thể hiện rõ cụ thể cơ chế giám sát của nhân dân trong từng công việc thông qua cơ quan đại diện của nhân dân là QH và HĐND các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ của nhà nước với vai trò là đại diện của CSH, chứ không phải là CSH.
ĐB tỉnh Thái Bình ông Đỗ Văn Vẻ thì cho rằng, “trên thực tế người sử dụng đất ở đã có đầy đủ các quyền và chế độ sở hữu của mình nhưng chưa được pháp luật công nhận”, vì vậy, QH cần cân nhắc thêm, bổ sung vào điều 14 của dự luật sửa đổi quy định “đất ở thuộc sở hữu tư nhân, các loại đất khác thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện CSH”.
Tái định cư phải đi trước
Qua thảo luận, nhiều ĐB đề nghị nên thu hẹp các trường hợp bị thu hồi đất, thay vào đó là cơ chế trưng mua đã được Hiến định. Theo ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng), việc thực hiện cơ chế thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật hoặc trường hợp chấm dứt hợp đồng theo pháp luật, còn với việc sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội thì nên áp dụng cơ chế nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất như Hiến định và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Hải (Nghệ An), Y Thông (Phú Yên)... đều cho rằng, nếu quy định đến việc thu hồi cho phát triển kinh tế, xã hội cũng là quá rộng, chỉ nên quy định rõ nhà nước được thu hồi vì mục đích an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia. Phải quy định rõ quy trình thu hồi cũng như thủ tục minh bạch, công khai và lấy ý kiến rộng rãi của người dân trước khi thu hồi.
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cũng đề nghị, không nên dùng từ “thu hồi” mà trưng mua, trưng dụng thì hợp lý hơn.
ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị cần nghiên cứu cân nhắc kỹ quy định cơ chế thu hồi đất, “vì vừa qua việc thu hồi đất bằng các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước xem như là một hình thức kỷ luật đối với người sử dụng đất. Thực chất người sử dụng đất không vi phạm mà vẫn bị thu hồi”. Liên quan đến cơ chế đền bù khi thu hồi đất, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP.Cần Thơ) cho rằng, dự luật sửa đổi lần này phải quy định nghiêm “nếu chưa có nhà ở tái định cư (TĐC) hoặc chưa giao nền TĐC, có thời gian cho người dân xây dựng nhà ở thì không được thu hồi đất, tránh tình trạng như thời gian qua, đất thì muốn thu hồi liền trong khi chỗ ở TĐC thì hẹn hoài, không bố trí TĐC là vì lý do không có quỹ đất, không có quỹ nhà ở, gây bức xúc trong nhân dân”.
Trước thực trạng đó, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng đề nghị, nguyên tắc là hoán đổi đất, thực hiện TĐC đi trước một bước, công bố về thu hồi đất thì cũng phải công bố được kế hoạch TĐC và người dân được góp ý, giám sát ngay từ đầu.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cũng đề nghị phương án thu hồi đất TĐC phải bắt buộc tổ chức công khai trước nhân dân, giải quyết xong các vướng mắc trước khi tiến hành thu hồi đất, quy định rõ cơ chế giám sát trong từng khâu của việc thu hồi đất sẽ góp phần ngăn chặn việc lợi dụng thu hồi đất không vì mục đích chung đúng với quan điểm đất đai là sở hữu của toàn dân.
Ngoài các nội dung trên, qua thảo luận, một số ĐBQH đề nghị cần đưa ra lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi của luật Đất đai lần này, đồng thời với việc lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Bảo Cầm - Tuệ Nguyễn