Thanh Trúc, phóng viên RFA, Bangkok
2012-10-25
Từ năm 2000, người ta đã nghe biết đến những người Thượng vùng Tây Nguyên Việt Nam, bỏ chạy sang Kampuchia để lánh nạn sau khi tham dự biểu tình đòi đất và đòi quyền lợi, có nghĩa là đoì được tự do thờ phượng theo đức tin mà họ chọn lựa.
Phần lớn người bỏ chạy qua Kampuchia xin tị nạn là thanh niên trai tráng, đa số theo đạo Tin Lành. Tháng Sáu 2002, nhờ sự can thiệp của UNHCR Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và sự chấp thuận của chính phủ Hoa Kỳ, hơn một nghìn người Tây Nguyên được sang Hoa Kỳ định cư tại tiểu bang North Carolina, cách thủ đô Mỹ không tới một tiếng đường chim bay.
Số phận khắt khe của người Thượng tị nạn
Những năm sau đó, một số người Thượng tị nạn tiếp tục đi đến một nước thư ba, trong lúc tình trạng sách nhiễu hà khắc đối với người dân tộc Tây Nguyên của chính phủ bên nhà không thay đổi, dẫn đến chuyện thêm nhiều người tiếp tục bỏ trốn sang Kampuchia.
Họ là những người bị Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc phủ nhận qui chế tị nạn. Tiếp đó, chính phủ Kampuchia ký kết một thỏa thuận với chính phủ Việt Nam, lập chương trình cho gần tám trăm đồng bào Thượng hồi hương với cam kết không gây khó khăn trở ngại cho họ. Một số quyết định trở về, một số khác, dù đã ghi tên xin hồi hương, lại tìm đường trốn qua Thái Lan.
Đến Thái Lan, Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ở Bangkok một lần nữa từ chối cấp qui chế tị nạn cho họ.
Cùng đường, những đồng bào thiểu số này sống lẫn lút cho tới khi được những tổ chức và những người hoạt động xã hội ra tay giúp đỡ. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, ngày rộng tháng dài, hoàn cảnh của những anh chị em dân tộc miền núi này coi như hoàn toàn vô vọng.
Năm 2009, Thanh Trúc đến tỉnh Chiang Mai mạn Đông Bắc Thái Lan, gặp gỡ với một nhóm dân tộc Ê Đê mười hai anh chị em, đang được một tổ chức NGO địa phương giúp đỡ.
UN ở Kampuchia từ chối muốn trục xuất chúng em về Việt Nam. Chúng em không muốn về Việt Nam, chúng em bỏ trốn chạy sang nước láng giềng Thái Lan. Hiện nay tình trạng của chúng em rất khó khăn và rất nguy hiểmY Huch
Cách đây hai hôm, trở lên Chiang Mai, Thanh Trúc phải đi thêm bốn mươi kilômét nữa mới gặp lại được ba trong số mười mấy người khốn khổ ấy hiện đã tản mác nhiều nơi của vùng Đông Bắc
Thái Lan trong tình trạng cư trú bất hợp pháp.
Cuộc sống bấp bênh và bất trắc khiến họ già cỗi đi và khắc khổ hơn. Sống chìm khuất trong cộng đồng bản địa mà họ vẫn trơ trọi và lạc lỏng như khi từ rừng đi về phố thị ở bên nhà những ngày xưa.
Nhưng có một điều không thể lay chuyển là đức tin của họ. Gặp nhau ở đâu, lúc nào, chỉ cần hai ba người là họ cùng nhau cầu nguyện.
Tên của ba người là Y Yony, trước ở huyện Krông Pak tỉnh Daklak :
Em từ Việt Nam đến Kampuchia năm 2007, em xin tị nạn tại Kampuchia
Y Huch, trước ở xã Hoà Xuân thành phố Ban Mê Thuột tỉnh Daklak:
Em cũng thế, UN ở Kampuchia từ chối muốn trục xuất chúng em về Việt Nam. Chúng em không muốn về Việt Nam, chúng em bỏ trốn chạy sang nước láng giềng Thái Lan. Hiện nay tình trạng của chúng em rất khó khăn và rất nguy hiểm.
Và Y Djom, cũng ở Ban Mê Thuột tỉnh Daklak: Rời khỏi Việt Nam ngày 27 tháng Mười Một năm 2007, đến trại tị nạn Kampuchia, rồi sau đó thấy tình hình ở trại tị nạn Kampuchia căng thẳng đòi trục xuất về em chạy sang Thái Lan, sau đó đi kiếm việc làm tiếp ở Lamphun. Trong thời gian qua cũng đi gặp UN mà UN chưa có trả lời cho nên bây giờ là rất phức tạp, đi đâu cũng không được.
Tương lai mù mịt
Đã năm năm qua, bây giờ không còn tổ chức thiện nguyện nào ở Thái có thể đứng ra cứu mang hay giúp đỡ về lâu về dài cho những anh em dân tộc Ê Đê này nữa. Nguồn bảo trợ duy nhất họ có được, nhiều nhất về
mặt tinh thần, là một nhà thờ ở Lamphun, còn lại là sự tử tế của người dân chung quanh.
Y Djom thuật lại hoàn cảnh ngặt nghèo của mình:
Em bị đau chân, bị mổ, lúc đó thì đi vô nhà thờ. Nhà thờ cho đi khám bịnh, bệnh viện nói với chủ người này không có giấy tờ, ở bất hợp pháp như vậy có thể đi vào tù với phạt tiền. Chủ nói với bệnh viện mình không khám cho nó là không được, bây giờ nó đau tôi không bỏ rơi tôi sẽ giúp đỡ anh ta. Sau đó là em ở bên đó.
Em bị đau chân, bị mổ, lúc đó thì đi vô nhà thờ. Nhà thờ cho đi khám bịnh, bệnh viện nói với chủ người này không có giấy tờ, ở bất hợp pháp như vậy có thể đi vào tù với phạt tiềnY Djom
Công việc mà ba người được thuê mướn đi làm là gặt lúa và cắt cỏ, làm ngày nào trả tiền ngày đó, một trăm rưỡi Baht Thái tiền công chạy gần năm đô la. Những người chủ Thái mướn người Thượng làm việc trong rẫy của họ một phần là muốn giúp đỡ, phần khác tiền công trả rẻ hơn người bản xứ.
Để những người này có thể đi làm nơi khác khi rẫy nhà không có việc mà không gặp rắc rối, người gọi là chủ Thái có thể giới thiệu và bảo lãnh cho họ ra ngoài đi làm thuê bằng cách xin giấy tờ đi làm tạm thời và ngắn hạn cho họ:
Y Yonny: Em bây giờ kiếm sống lai rai, không có nghề nghiệp, ai kêu tụi em đi làm một ngày họ trả một trăm rưỡi thì tiền đó sống hàng ngày. Hiện giờ tụi em đi cắt lúa đi cắt cỏ ở rẫy nhà người ta, thuê tụi em một ngày hai trăm cơm nước họ bao hết.
Y Huch: Lúc có việc làm thì họ gọi, không có việc làm thì mình ở nhà, một tuần khoảng chừng hai ngày hay ba ngày gì đó. Tại vì mình không có giấy tờ hợp pháp cho nên họ không dám kêu mình làm trực tiếp với họ. Bây giờ ở đây mùa này chưa có việc làm nên chúng em không kiếm được tiền nữa.
Phần Y Djom thì từ tháng Hai đến giờ không có việc làm:
Thì em suốt thời gian trong nhà thờ, không được đi lại, với lại cái chân còn đau nên được nhà thờ giúp đỡ cơm ăn này nọ thôi.
Hoàn cảnh chung của nhóm người Thượng Tây Nguyên ở Chiang Mai là như thế, không ai may mắn hơn ai, không ai ở chung với nhau, không biết mình sẽ đi đâu về đâu. Không được UNHCR Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cấp giấy chứng nhận thì tương lai của những người dân tộc hiền lành ít chữ này là khoảng không và sự lãng quên của mọi người:
Không dám trở về Việt Nam
Y Yonny: Em không có thể quay về Việt Nam, nếu quay về Việt Nam thì tụi em phải vô tù năm năm đến hai mươi năm vì tụi em đã cam kết với chính quyền tại Kampuchia rồi .
Đó là cam kết không được phản động không được chống phá và không được nghe kẻ khác xúi dục làm mất an ninh trật tự mà Y Yonny , Y Huch cũng như Y Djom đã ký vào đơn xin hồi hương lúc có đợt cưỡng bách người Thượng trở về Việt Nam khoảng năm 2003, 2005 ở Kampuchia. Đã ký rồi mà chính họ cũng không ý thức tầm hệ trọng của sự cam kết đó, rồi đổi ý bỏ chạy sang Thái Lan nên mới lâm hoàn cảnh bất hợp lệ hiện giờ:
Y Huch: Tại vì hồi trước em ở trong tù em đã cam kết với họ rất nhiều lần là không phản động không vượt biên , đi đâu làm gì phải xin phép chính quyền, nếu tự đi một mình họ phát hiện thì họ bắt giam từ năm đến hai mưới năm tù. Cho nên em không dám quay về tại vì em đã từng cam kết với chính quyền Hà Nội như vậy.
Y Djom: Còn em thì hồi ở Kampuchia họ cho làm lại cái đơn mà em biết ít tiếng Việt, làm phỏng vấn không được nữa rồi em sợ quá , họ nói rớt thì trở về Việt Nam được không em nói là em không trở về Việt Nam được. Sau đó mình thấy nó lạ quá rồi chạy trốn sang Thái Lan. Nếu mà trở về Việt Nam cũng không được bởi vì sợ công an nhốt vào tù em rất sợ. Em chưa từng trải qua ba cái đánh đập nhưng em thấy trong thời gian qua gia đình của em bị công an mời rồi đầu độc rồi chết. Anh rể bị nhốt tám năm tù, anh họ cũng tám năm tù. Em rất sợ phải quay về, nếu không có giấy tờ thì em cũng cố gắng lén lút như vậy thôi, không có cách nào khác, ẩn nấp trong nhà thờ thôi. Vợ con ở Việt Nam em cũng không gọi điện thoại sợ họ biết họ làm khó khăn cho vợ con.
Em không có thể quay về Việt Nam, nếu quay về Việt Nam thì tụi em phải vô tù năm năm đến hai mươi năm vì tụi em đã cam kết với chính quyền tại Kampuchia rồiY Yonny
Khu vực Y Djom đang cư trú là nơi sóng điện thoại rất yếu, anh cũng không có tiền để gọi về cho người nhà bên Việt Nam. Còn Y Huch thì noí nguoi chung quanh tử tế vì anh không dấu hoàn cảnh của mình đối với họ:
Họ biết mình người tị nạn họ cũng không làm gì mình, họ cũng thương mình. Hoàn cảnh của mình thì mình đã kể hết với họ họ mới thương mình.
Gian khổ thì đã đành nhưng cái khó của ba anh em người Ê Đê chơn chất này là nỗi nhớ nhà canh cánh bên lòng:
Y Huch: Em nhớ nhà lắm, ở nhà theo như mùa này thì làm ruộng làm cà phê. Ngoài làm ruộng là không có việc làm gì nữa. Mỗi lần em nhớ nhà thì em không làm gì được hết, em chỉ cầu nguyện. Em muốn làm nhiều thứ nhưng với điều kiện hoàn cảnh như vậy em không làm gì được. Em cũng ước ao được về nhà nhưng không biết được chừng nào Chúa cho mình về nhà được, chẳng làm gì được chị à.
U Djom: Cái chỗ mà em ở bây giờ là điện thoại không có sóng. Mỗi lần nhớ nhà chỉ có ngồi khóc thôi chứ không làm gì được hết. Nhớ ở nhà mùa này coi như đang chuẩn bị thu hoạch lúa, thu hoạch xong là lễ hội là ăn mừng cái ngày thu hoạch xong xuôi, vui lắm và rất nhớ.
Bây giờ thì ở đây cũng muốn đi chơi nhưng không thể nào đi được bởi vì cảnh sát nhiều quá rồi đi cũng không được dễ dàng đâu. Nhớ Việt Nam quá không làm thế nào giữ được. ,
Bao giờ trở lại quê nhà là câu hỏi mà cả Y Yonny, Y Huch và YDjom luôn nghĩ tới nhưng không bao giờ dám hỏi nhau vì hỏi không có câu trả lời. Họ chỉ cố gắng vững lòng tin và cầu nguyện, cầu nguyện… trong lúc bản thân thì chừng như bị rơi vào quên lãng, thậm chí không một chỗ đứng trong cuộc sống lưu đày trên đất Thái.
Mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi tối nay, đi thăm những người Thượng còn sót lại ở Thái Lan, tạm kết thúc ở đây. Thanh Trúc hẹn tái ngộ quí vị tối thứ Năm tuần tới.
Theo dòng thời sự:
- Đóng cửa trại tị nạn người Thượng ở Campuchia
- Chính phủ VN vi phạm quyền căn bản người Thượng một cách hệ thống
- Trại tỵ nạn của LHQ tại Phom Penh chính thức đóng cửa
- UNHCR Campuchia: 10 người Thượng sẽ bị trục xuất về VN
- Người Thượng Tây Nguyên ở Campuchia mong gì trong ngày Tết?
- Nhiều người Thượng tị nạn ở Campuchia được định cư nước thứ ba