Thứ sáu 26/10/2012 06:00
ANTĐ - Dù mới hình thành, nhưng bão số 8 có tốc độ di chuyển rất nhanh, từ 25-30km/h. Bởi vậy, vào khoảng 12h trưa qua 25-10, bão Sơn Tinh đã đi vào khu vực Biển Đông, trở thành cơn bão số 8 hoạt động trong vùng biển này kể từ đầu năm đến nay.
Đường đi và vị trí cơn bão số 8 (Nguồn: Trung tâm DBKTTV Trung ương)
Hiện, bão số 8 có quỹ đạo di chuyển rất phức tạp, vùng được dự báo nằm trong khu vực ảnh hưởng từ Quảng Nam - Đà Nẵng ra đến tận Nam đồng bằng Bắc bộ như Nam Định. Trong đó, đài khí tượng Nhật Bản và Hồng Kông dự báo, bão số 8 sẽ đổ bộ vào khu vực Quảng Bình- Quảng Trị, còn đài khí tượng Hoa Kỳ và Anh dự báo, bão đổ bộ vào Thanh Hóa - Nghệ An, sau đó di chuyển vòng ra ngoài Bắc bộ. Ông Tăng cho rằng, dự báo đường đi của bão còn rất phân tán, nên chưa thể khẳng định được trọng tâm sẽ vào khu vực tỉnh nào. Bởi vậy, thời điểm bão đổ bộ vào bờ cũng chưa xác định được cụ thể, có thể vào đêm 27-10 hoặc kéo dài sang ngày 28-10, tùy thuộc vào đường đi của bão.
So sánh với cơn bão Lekima năm 2007 gây mưa rất to sau bão, ông Tăng cho biết, bão số 8 có nhiều điểm tương đồng. “Sau khi bão Sơn Tinh đổ bộ, không khí lạnh sẽ tràn xuống, kết hợp với gió Đông Nam mạnh, do vậy, gây mưa rất lớn, vùng mưa mở rộng ra tận khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ”. Mưa sẽ xuất hiện từ ngày 27, kéo dài đến 30-10, với lượng mưa phổ biến ở khu vực Trung bộ là 300mm, nhiều nơi lên đến 400-500mm. Cần đề phòng lũ lớn trên khu vực sông Hoàng Long. Còn, khu vực Nam đồng bằng Bắc bộ, lượng mưa phổ biến từ 200-300mm.
Do di chuyển với tốc độ rất nhanh, gấp đôi vận tốc của tàu cá, bằng tốc độ tàu Hải quân khoảng 25-30km/h, bởi vậy, đáng lo ngại nhất hiện nay ở khu vực quần đảo Hoàng Sa còn khoảng 270 tàu cá/2.600 ngư dân. Đại diện Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng cho rằng, tình hình khá căng thẳng, vì bão di chuyển quá nhanh. Bởi vậy, đề nghị các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và Khánh Hòa đang có tàu cá hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa phải chỉ đạo quyết liệt với số tàu cá này.
Đáng lo ngại là tại khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, vào đầu tháng 9 tại đây đã xảy ra mưa lớn, gây lũ lụt và ngập úng, nhiều tuyến đê, hồ đập đã bị sạt lở lớn, đang trong quá trình sửa chữa. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lo ngại mưa lớn gây ngập úng tại các tỉnh khu IV và đồng bằng sông Hồng, vì khu vực này vừa xuống giống cây rau màu vụ Đông. Bởi vậy, ông Phát đề nghị các địa phương phải có những giải pháp tiêu thoát úng, tìm mọi cách bảo vệ vụ Đông. Đối với những khu vực dễ bị chia cắt như Tây Quảng Bình, Nghệ An… cần kiểm tra và bổ sung dự phòng về lương thực, nước uống, thuốc men…
Đối với 270 tàu cá đang hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa phải tìm mọi cách liên lạc, hướng dẫn tàu chạy vào bờ nơi gần nhất, vùng nguy hiểm được xác định từ Vĩ tuyến 13 tới 20. “Tình hình chống bão rất khẩn trương vì bão di chuyển rất nhanh, cường độ mạnh, trong khi lượng lớn tàu thuyền, ngư dân còn hoạt động trong vùng nguy hiểm. Do vậy, các địa phương phải chỉ đạo nghiêm túc, không chủ quan”, ông Phát nhấn mạnh. Cũng trong chiều tối qua, BCĐ PCLB Trung ương đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành được xác định nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 8 cần lên ngay phương án đối phó sớm nhất.