THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 June 2012

Nữ sinh giết người: Mù quáng hay thủ đoạn?



Sự xuất hiện của một “thế hệ sát thủ” mới là những nữ sinh khiến người lớn không khỏi bàng hoàng, nghi ngại. Vậy ẩn sâu trong đó là những nguyên nhân nào, nữ sinh tha hóa hay xã hội có “vấn đề”?

Giới trẻ đang lấn sâu vào phim ảnh, thần tượng
Thượng tá Nguyễn Minh Đức, PGĐ TT Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân khẳng định hiện tượng nữ sinh giết người cách đây 5 năm về trước là hầu như không có.
“Trong khảo sát thực trạng thực thi thực hiện pháp luật, phòng chống người chưa thành niên phạm tội tại các trường THPT ở Đồng Nai, TP.HCM và một số trường ở Hà Nội theo phương pháp định lượng, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều các nhóm học sinh bị ảnh hưởng bởi thần tượng từ các nhóm nhạc, phim ảnh rất nhiều”, thượng tá Đức cho hay.
Liên tiếp xảy ra những vụ nữ sinh giết người khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, lo lắng
Liên tiếp xảy ra những vụ nữ sinh giết người khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, lo lắng
Khi thần tượng, các em tự khoanh vùng, tự cho mình có quyền ăn mặc giống y chang thần tượng từ đầu tóc tới quần áo… Khi nhóm này đã hâm mộ thần tượng này thì nhóm khác không được giống như vậy nữa.
Một khi “lãnh thổ” có dấu hiệu bị xâm phạm, giữa các em rất dễ xảy ra xô xát, dẫn tới bạo lực học đường. Trong khi hầu hết các vụ bạo lực đều được các em lén giải quyết ngoài hành lang, ngoài trường học nên thầy cô khó nắm bắt.
Ngoài ra, kết quả khảo sát còn phát hiện một nhóm các học sinh bị nghiện phim hành động và game bạo lực. Những hình ảnh giết người rùng rợn trên phim, trên game vô tình tạc vào tâm trí các em mà trường hợp cậu bé Dương Phương Thuấn ở Bắc Ninh giết bạn cướp xe đạp là một ví dụ điển hình.
Theo thượng tá Nguyễn Minh Đức, trong những vụ việc thanh thiếu niên giết người, báo chí cũng là một phần nguyên nhân. Trong lúc bấn loạn, bực tức muốn tìm cách để trả thù, các em vô tình đọc được những bài báo miêu tả tỉ mỉ hành vi giết người như mua dao, mua kiếm ở đâu rồi quá trình hành động thế nào… nên học theo.
Tuy nhiên đánh giá tổng quát, thượng tá Đức cho rằng, hầu hết các vụ việc trẻ chưa thành niên giết người đều chỉ là vung dao giải quyết mâu thuẫn tức thời chứ không hề lập kế hoạch hay lên phương án từ trước. Hay nói đúng hơn các em không có ý định giết người trong tư tưởng.
Đứng trên góc độ tâm lý khi nói về hành vi giết người của các nữ sinh, thượng tá Nguyễn Minh Đức cho rằng trong độ tuổi từ 14-16, tâm lý giữa các em nam và nữ có sự khác biệt rất lớn.
Trong khi các em nam mới lớn, mới trưởng thành, chỉ chú trọng lo làm sao cho thật bảnh bao, thật nam tính, giống như con gà muốn gáy thật to thì các nữ sinh tính toán hơn, vụ lợi hơn nên dễ nảy sinh ích kỷ, ghen tuông. Tâm lý thất thường, rồi bắt đầu yêu đương đã dẫn đến những vụ đánh ghen, như hàng loạt clip báo chí phản ánh.
Sự phân hóa này thể hiện rõ nét và rất nhanh cộng thêm những yếu tố tác động bên ngoài như đã nói bên trên là nguyên nhân xuất hiện thêm nhiều vụ nữ sinh giết người.
Giáo dục gia đình và sự vô cảm
Theo chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn, khi đánh giá về tình hình tội phạm, chúng ta không nên tách biệt các em nam và nữ ra khỏi tình trạng phạm tội trẻ. Nếu chúng ta chỉ “giật mình” khi các em gái phạm tội, cho đó là bất bình thường, nghĩa là các em trai phạm tội thì bình thường sao? Cứ là con gái thì nhỏ nhẹ, yếu đuối? Đó là những cái nhìn định kiến, cần phải thay đổi.
Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn
Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn
Chuyên gia Đinh Đoàn phân tích, được đi học và giáo dục không phải là hai khái niệm đồng nhất. Giáo dục mang nghĩa rộng, bắt đầu ngay từ khi đứa trẻ ra đời. Những hành động rất nhỏ của cha mẹ chính là đang dạy con giá trị sống yêu thương, chia sẻ, tôn trọng. Lòng nhân ái phải được khơi gợi từng ngày, củng cố dần dần.
Hiện nay, nhiều người có thói quen đổ lỗi cho xã hội. Con ngoan, học giỏi, thành đạt thì tự nhận là do “giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, nhưng khi con hư, phạm tội, lại nói “tôi không dạy nó điều xấu, tôi không bảo nó giết người, tại xã hội tác động…”.
“Đúng là không ai dạy con cái làm điều xấu, điều ác, nhưng không dạy con làm điều tốt, điều thiện cũng đồng nghĩa với việc thả nổi phần con, phần bản năng, tạo cơ hội cho cái xấu phát triển. Ở nhiều nước, con cái phạm tội, cha mẹ chịu một phần trách nhiệm”, chuyên gia Đinh Đoàn nhấn mạnh.
Giáo dục nhà trường là sự kế tiếp và bổ sung cho quá trình hình thành nhân cách. Nhưng hiện nay giáo dục nhà trường nghiêng về phía “dạy học”, về cung cấp kiến thức chứ ít chú trọng giáo dục giá trị sống cốt lõi.
Các em được dạy nhận ra hậu quả của động đất, thiên tai, nhưng ít dừng lại để lắng đọng cảm xúc với những mất mát do lũ lụt, sóng thần khiến hàng nghìn người chết. Các em học lịch sử, thuộc làu rằng trong trận đánh này, trận chiến nọ có bao nhiêu người hy sinh nhưng lại không được dạy chuyện gì sẽ xảy ra sau mỗi người hy sinh. Lớp trẻ ngày nay hiểu biết nhiều, nhưng lại vô cảm là vậy.
Nói về các biện pháp phòng ngừa tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội nói chung, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng chúng ta cùng lúc cần tiến hành nhiều hình thức.
Bên cạnh việc thay đổi nhận thức về giáo dục gia đình, điều chỉnh chương trình giáo dục nhà trường, lành mạnh hóa đời sống xã hội, tăng cường giáo dục giá trị sống còn cần phải có nhiều sân chơi cho giới trẻ, nhiều hoạt động lành mạnh cho các em tham gia.
Ngoài ra, pháp luật khi xét xử các vụ trọng án liên quan tới trẻ em và vị thành niên, nếu coi các em là “trẻ người non dạ”, chưa phải là người tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình thì phải có ai chịu trách nhiệm, chứ cứ đổ lỗi loanh quanh khó giải quyết vấn đề này.
Theo Minh Anh
Vietnamnet