THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 June 2012

Lãnh đạo cấp Vụ nghĩ "đồng tính là bệnh" thì...!!!



16/06/2012 15:52:18
 - "Mới đây chúng tôi có tổ chức Hội thảo, một vị tiến sĩ đang là lãnh đạo cấp Vụ còn nói rằng đồng tính là một "bệnh hiếm", "đặc biệt"(!). Thế thì làm sao mà trách người dân được?". Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường chia sẻ với phóng viên về người đồng tính ở Việt Nam.
Luật cũng không quy định rõ ràng
Vừa rồi, dư luận xôn xao về đám cưới giữa hai chàng trai đồng tính ở Hà Tiên, Kiên Giang. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi ủng hộ những người yêu nhau và đến với nhau. Tình yêu không có tội gì cả. Tình yêu giới nào cũng hướng thiện, người ta đều mong làm những điều tốt nhất cho nhau. Còn việc hai bạn này tổ chức đám cưới là họ muốn "chính thức hóa" tình yêu của mình, để mọi người biết mà công nhận nó. Cái đó cần được ủng hộ vì khi tình yêu và quan hệ của họ được thừa nhận thì họ sẽ sống có trách nhiệm hơn, hạnh phúc hơn và có ích hơn.

Có vẻ như, quan điểm của ông trái ngược với nhiều người, ngay cả trong luật pháp cũng chưa cho phép có những đám cưới như thế diễn ra?

Luật Hôn nhân và Gia đình chỉ quy định hai người đồng giới thì không được kết hôn, có nghĩa chính quyền địa phương không được phép cấp giấy đăng ký kết hôn cho hai người đồng giới chứ không quy định rằng hai người đồng giới không được tổ chức hoạt động dân sự. Do đó, họ được tổ chức đám cưới, báo hỉ mà không phải thông qua chính quyền. Vì vậy, nói rằng họ làm không đúng luật là không đúng.

Ông đang cổ xúy cho những đám cưới không giấy giá thú?

Tôi nghĩ người dân được phép làm những gì mà luật pháp không cấm.

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường.
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường.

Đừng lấy thuần phong, mỹ tục làm bình phong!

Nhưng nói gì thì nói, những đám cưới như thế vẫn còn là chuyện lạ, có vẻ khó chấp nhận trong xã hội ta?

Đúng thế. Nhưng nếu có 10 đám cưới của người đồng tính diễn ra thì nó sẽ dần trở thành chuyện bình thường. Vấn đề ở chỗ không thể thấy lạ, mới mà nói rằng đó là đi ngược lại thuần phong mỹ tục, làm băng hoại đạo đức được.

Vì sao, thưa ông?

Nói đến đạo đức, thuần phong mỹ tục là những cái đẹp, nhân văn, rất con người. Tình yêu thì đâu có tội gì? Việc kỳ thị, chối bỏ tình yêu của những người đồng tính, làm tăng thêm sự đau khổ và bạo lực thì có còn là nhân văn không? Đừng có lấy thuần phong mỹ tục ra mà làm bình phong! Việc phản đối mới là đi ngược lại thuần phong mỹ tục.

Lãnh đạo cấp Vụ nghĩ "đồng tính là bệnh" thì...

Nhưng người ta vẫn nhân danh "thuần phong, mỹ tục" đấy thôi?

Vì họ không hiểu sâu sắc đạo đức và thuần phong mỹ tục có cái gốc là cái thiện. Họ hiểu sai đồng tính là bệnh hoặc lệch chuẩn và sợ hãi điều đó. Đây là sự sợ hãi của những người thiếu hiểu biết.

Pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về người đồng tính. Phải chăng chính những người làm luật, những người quản lý xã hội cũng chưa hiểu rõ về người đồng tính?

Tôi nghĩ là có một bộ phận những người làm công tác điều hành, quản lý xã hội chưa hiểu thấu đáo vấn đề. Chẳng đâu xa lạ, mới đây chúng tôi có tổ chức Hội thảo, một vị tiến sĩ đang là lãnh đạo cấp Vụ còn nói rằng đồng tính là một "bệnh hiếm", "đặc biệt"(!). Thế thì làm sao mà trách người dân được? Chính vì vậy mà có nhiều người cho rằng phải chữa trị, uốn nắn, nếu không chỉnh được mới thừa nhận. Thế giới đã thừa nhận đồng tính là tự nhiên từ lâu rồi. Chính việc bắt người đồng tính thay đổi mới là phi tự nhiên, phi đạo đức.
 
Đám cưới đồng tính ở Hà Tiên là có công!

Ngày 16/5, tại phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đã diễn ra đám cưới của cặp đôi đồng giới là Trương Văn Hên (sinh năm 1990 - cô dâu) và Nguyễn Hoàng Bảo Quốc (chú rể) trước sự chứng kiến của cha mẹ cùng họ hàng hai bên. Đám cưới này đã bị chính quyền lập biên bản, xử phạt. Trước đó, năm 2010, tại Hà Nội cũng diễn ra đám cưới của cặp đôi đồng tính nữ là sinh viên Trường Đại học Raffles.
Theo ông, người ta đã không hiểu về người đồng tính là do dâu?

Một phần là do đồng tính chưa được dạy ở nhà trường và chưa được thảo luận nghiêm túc trong xã hội. Cộng với những định kiến xã hội, hiểu sai khi cho rằng đồng tính là xấu xa, là một thứ bệnh. Cái này ăn sâu trong nếp nghĩ của một bộ phận người dân rồi nên cần có thời gian để thay đổi.

Lúc nãy ông có nói, nếu như có 10 đám cưới đồng tính thì người ta sẽ thấy không còn lạ nữa. Phải chăng để xã hội nhận thức rõ hơn về người đồng tính thì chính họ hãy... cưới nhau thật nhiều?

Tôi tin, đó cũng là một trong nhiều giải pháp để tăng sự hiện diện của cộng đồng đồng tính trong xã hội. Chính đám cưới của đôi bạn trẻ ở Hà Tiên vừa rồi cũng có một tác dụng nhất định nếu không muốn nói là họ có công rất lớn. Bởi nhờ đám cưới đó mà người ta bàn về đồng tính nhiều hơn, đã có thêm những bài báo, những cuộc hội thảo về đồng tính. Đây chính là cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Pháp luật cũng phải hoàn thiện hơn để có quy chế bảo vệ người đồng tính.

Người đồng tính cần phải lên tiếng

Trên thực tế, người đồng tính ở Việt Nam đang phải sống nép mình. Ông có cho rằng chính họ cũng có một phần lỗi khi khiến cho xã hội chưa hiểu về mình?

Cái đó cũng không sai. Nhưng vì sao người đồng tính không dám sống thật là mình? Bởi vì họ đang bị phân biệt đối xử, sợ mất việc làm, sợ bị kỳ thị, xa lánh. Bên cạnh áp lực lên bản thân, áp lực còn dồn lên vai cha mẹ, anh chị em, chồng (vợ), con cái của họ. Vì thế, họ buộc phải im lặng. Chính sự im lặng ấy lại càng khiến cho định kiến xã hội về họ không được dỡ bỏ hoặc dỡ bỏ rất chậm.

Người đồng tính buộc phải im lặng. Hệ quả xã hội của nó là gì?

Nhìn chung có khoảng 3% dân số là người đồng tính, tính ra số người trong độ tuổi hoạt động tình dục lên tới hàng trăm nghìn người. Vì xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm nên họ buộc phải sống giả dối, kết hôn với những người khác giới để cho giống với đại bộ phận dân chúng còn lại. Việc kết hôn vì cái tấm bình phong chứ không phải tình yêu thì chắc chắn gia đình sẽ không hạnh phúc. Sẽ có hàng nghìn gia đình rạn vỡ khi người chồng (vợ) phát hiện bạn đời lừa dối mình, đồng nghĩa với việc sẽ có hàng nghìn đứa trẻ sống trong cảnh có mẹ vắng cha và ngược lại. Nếu chúng ta nhìn nhận cởi mở hơn về người đồng tính, chấp nhận họ đi thì đã không xảy ra chuyện đó.

Trong lúc chờ xã hội thay đổi nhận thức, pháp luật có những điều chỉnh để bảo vệ quyền lợi người đồng tính thì theo ông, bản thân họ cần phải làm gì để bảo vệ mình?

Cái quan trọng nhất là họ phải tự tin để sống thật với mình. Họ cần phải lên tiếng và vận động bạn bè, gia đình cùng những người hiểu biết lên tiếng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

“Trước năm 1973, ở Mỹ người ta coi đồng tính là một bệnh, nhưng sau năm đó, cái nhìn về người đồng tính đã cởi mở hơn. Hiện trên thế giới có khoảng 10 nước công nhận đám cưới đồng tính, những nước khác chưa công nhận loại hình đám cưới này song cũng có những điều khoản bảo vệ người đồng tính. Việt Nam cũng sẽ có những thay đổi. Nhất định thế!”.
Ông Lê Quang Bình

Vũ Thủy
 (Thực hiện)