Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012-06-22
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nhận định: Việt Nam đã đi quá đà trong quá khứ, xác lập sở hữu đất đai toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bây giờ lúng túng tìm lối ra.
Sửa Hiến pháp rồi mới sửa Luật Đất đai
Trả lời Nam Nguyên tối 21/6, TS Nguyễn Đình Lộc phát biểu:
“Vấn đề là hình thức sở hữu về đất đai, nhiều người có nguyện vọng rất chính đáng là muốn có sở hữu tư nhân, sở hữu cá nhân về đất đai. Nhưng nó vướng mắc qui định của Hiếp pháp bây giờ phải chờ Quốc hội sửa Hiến pháp, phải bắt đầu sửa từ Hiếp pháp rồi mới đi tới sửa các luật được.
Vấn đề là bây giờ xã hội có những bức xúc như thế thì sắp đến phải như thế nào. Cả xã hội đang quan tâm thì chắc Đảng cũng quan tâm chứ không phải là không, còn vấn đề có tiến tới hình thức đa sở hữu hay không thì dư luận hiện nay cũng đang có những ý kiến khác nhau, chứ không hẳn là một phía nào.”
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương vừa công bố đề án “Thực hiện dân chủ, công bằng trong thuê đất và thu hồi đất” xác định thời điểm hiện nay là cơ hội tốt nhất để Việt Nam khắc phục những khuyết tật trong hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, vừa để tránh những tranh chấp căng thẳng phát sinh, vừa để tháo gỡ mọi trở ngại và tạo động lực mới cho nền kinh tế đột phá.
Vấn đề là hình thức sở hữu về đất đai, nhiều người có nguyện vọng rất chính đáng là muốn có sở hữu tư nhân, sở hữu cá nhân về đất đai. Nhưng nó vướng mắc qui định của Hiếp pháp bây giờ phải chờ Quốc hội sửa Hiến pháp, phải bắt đầu sửa từ Hiếp pháp rồi mới đi tới sửa các luật đượcTS Nguyễn Đình Lộc
Báo Saigon Tiếp thị Online trong những ngày từ 16-20/6 đã có một loạt 4 bài báo giới thiệu những điểm quan trọng của công trình nghiên cứu “Thực hiện dân chủ, công bằng trong thuê đất và
thu hồi đất”, một vấn đề đầy tính thời sự sau hàng ngàn vụ khiếu kiện của người dân bị thu hồi đất. Nhất là những vụ gây chấn động dư luận như Tiên Lãng Hải Phòng, Văn Giang Hưng Yên.
Đề án liên quan tới đất đai của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quản lý Trung ương mà chúng tôi đọc được trên Saigon Tiếp thị Online hàm ý, tình hình quản lý đất đai mất ổn định và pháp luật đất đai phải thay đổi thường xuyên. Nguyên nhân là vì: “Việt Nam không còn dứt khoát giữa hai hệ chuẩn: hệ chuẩn kinh tế kế hoạch hóa tập trung, gắn với chế độ sở hữu toàn dân đối với tư liệu sản xuất nói chung và đất đai nói riêng; và hệ chuẩn kinh tế thị trường, gắn bó với đòi hỏi phải bảo vệ quyền tư hữu tài sản. Đây là vấn đề cốt lõi, quyết định sự ổn định của các quan hệ xã hội trong lĩnh vực đất đai.”
Đáp câu hỏi của Nam Nguyên, liệu thời điểm hiện nay đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi quan niệm về quyền tư hữu tài sản trong đó có đất đai hay chưa? TS Nguyễn Đình Lộc nhận định:
“Vấn đề không phải là ý kiến riêng, mong muốn hay không mong muốn mà là phải xuất phát từ thực tế. Thực tế bây giờ muốn đa sở hữu đất đai cũng không đơn giản, phải tính đến nó sẽ đưa tới những hậu quả gì cho xã hội, cho người dân. Không đơn giản bây giờ cứ đa sở hữu là vui vẻ với nhau đâu… không phải… Vì hiện nay dù chưa đa sở hữu thì trong tay một số người có tích tụ ruộng đất rất lớn, mà đa sở hữu thì những đất đai đó đối với xã hội sẽ như thế nào đó là vấn đề chưa tính ra được. Cho nên không đơn giản đâu, bây giờ việc phân hóa diện tích đất đai trong tay một số người thì không nhỏ, trong lúc đó nhiều người lại không có. Nếu bây giờ chúng ta tuyên bố đất đai không còn thuộc sở hữu toàn dân nữa mà là đa sở hữu thì thế nào, cách nào để mà làm, cách nào để có thể chuyển hóa điều đó, thành luật thì rất dễ nhưng bằng cách nào để làm điều đó thì
không đơn giản.”
Những bất cập và mâu thuẫn
Nghiên cứu “Thực hiện dân chủ, công bằng trong thuê đất và thu hồi đất” của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương mà Saigon Tiếp Thị Online giới thiệu, đề xuất phải làm rõ lý luận quyền sử dụng đất với quyền sở hữu đất . Pháp luật đất đai hiện hành cho người dân đến bảy quyền đối với ruộng đất như: quyền sử dụng, quyền thừa kế, quyền thế chấp, quyền cho thuê, quyền chuyển đổi, quyền tặng, quyền góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, làm cho quyền sử dụng tiến sát đến quyền sở hữu, nhưng vẫn là quyền sử dụng. Như thế ruộng đất vẫn có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào vì nhiều lý do như quốc kế dân sinh, nhưng cũng nhiều khi vì quyền lợi ý muốn của nhà đầu tư giàu có.
...bây giờ việc phân hóa diện tích đất đai trong tay một số người thì không nhỏ, trong lúc đó nhiều người lại không có. Nếu bây giờ chúng ta tuyên bố đất đai không còn thuộc sở hữu toàn dân nữa mà là đa sở hữu thì thế nào, cách nào để mà làm...thành luật thì rất dễ nhưng bằng cách nào để làm điều đó thì không đơn giảnTS. Nguyễn Đình Lộc
Đề án nghiên cứu cũng nhận định rằng, thời hạn sử dụng đất làm giảm quyền sử dụng đất và hạn điền mâu thuẫn với xu hướng tích tụ và tập trung.
Về những vấn đề liên quan, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nhận định:
“Bây giờ đang giao đất đai cho người dân có quyền sử dụng nhưng thời hạn nào? Và nói đến người dân tức là nói thế hệ này tiếp nối thế hệ khác. Bây giờ những người đang sống được giao quyền sử dụng đất, nhưng mà nay mai con họ cháu họ thì sao? Thì đó là vấn đề mà xã hội chúng tôi đang rất quan tâm. Bởi vậy đang có ý là phải kéo dài thời hạn sử dụng, hay là rút ngắn lại co lại hay, định kỳ phân chia lại như thế nào là cả một vấn đề không đơn giản.”
Một người trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, mở rộng hạn điền hay tăng thời hạn sử dụng đất vẫn chưa là điều kiện đủ để nông dân có thể yên tâm đầu tư tích tụ đất đai mở rộng sản xuất:
“ Tôi có tiền thì cũng không dám mở rộng nhiều, thí dụ cho 20 năm hay 50 năm thì người chủ vẫn không phải là mình. Nếu tôi có mở rộng thì cũng giới hạn phần nào thôi. Nếu 50 năm mình
không còn, nhưng đời con đời cháu của mình, tôi vẫn không thể là chủ tài sản của tôi, tôi đã xuất tiền ra mua nhưng tôi lại không được làm chủ. Cái khó là ở chỗ này.Tôi có tiền thì cũng không dám mở rộng nhiều, thí dụ cho 20 năm hay 50 năm thì người chủ vẫn không phải là mình. Nếu tôi có mở rộng thì cũng giới hạn phần nào thôi. Nếu 50 năm mình không còn, nhưng đời con đời cháu của mình, tôi vẫn không thể là chủ tài sản của tôi, tôi đã xuất tiền ra mua nhưng tôi lại không được làm chủNgười nông dân
Trước đây thời hạn giao đất cho tôi có 15 năm, có một lần hết hạn sử dụng tôi gặp khó khăn lắm, ngân hàng không cho vay. Mỗi lần đi điều chỉnh lại cũng hết 7-8 ngày, còn phải cho tiền bên địa chính nữa, nghĩa là tiền lót tay để họ làm nhanh cho mình, phiền phức lắm. Sắp tới đây có thể kéo dài 50 năm thì dù sao cũng đỡ cho mình.”
Trong nghiên cứu “Thực hiện dân chủ, công bằng trong thuê đất và thu hồi đất” các tác giả ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã tổng kết được 6 loại bất cập, trong đó qui trình thu hồi đất chưa cụ thể chặt chẽ nhiều vướng mắc. cơ quan tổ chức thu hồi đất không thực hiện đúng luật và luôn thiếu công khai dân chủ trong xây dựng và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Ngoài ra còn nhiều bất cập về giá đền bù đối với đất được thu hồi, cũng như việc hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi việc làm chưa được quan tâm đúng mức. Một điểm quan trọng được nêu lên là pháp luật đất đai hiện hành chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa các bên tham gia trong quá trình thu hồi đất, giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư có công trình. Điểm bất cập thứ sáu được nêu lên là còn nhiều thiếu sót trong qui định giải quyết khiếu nại thu hồi đất, đặc biệt chưa có qui định về cơ chế giải quyết khiếu nại công khai, minh bạch về giá đất để người bị thu hồi đất có thể bảo vệ lợi ích của mình.
Trong nghiên cứu “Thực hiện dân chủ, công bằng trong thuê đất và thu hồi đất” Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra hai đề xuất, đó là xây dựng một bộ luật riêng về thu hồi đất, trong đó qui định chi tiết quyền, nghĩa vụ các bên liên quan, trong thu hồi đất cần tính đến việc sử dụng đất đã thu hồi như thế nào. Đồng thời thiết lập tòa án riêng trong lĩnh vực đất đai để giải quyết triệt để các tranh chấp liên quan.
Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương được cho là cơ quan tham mưu chính sách cho Nhà nước. Cho đến nay gút thắt sở hữu đất đai toàn dân thực chất là sở hữu Nhà nước vẫn chưa được tháo gỡ. Có lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa thể dứt khoát giữa hai hệ chuẩn kinh tế kế hoạch hóa tập trung và hệ chuẩn kinh tế thị trường gắn với đòi hỏi phải bảo vệ quyền tư hữu tài sản.