Chưa tìm được giải pháp khả quan hơn!
Chuẩn bị cho đợt tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học mới, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu ngành giáo dục tuyệt đối không để phụ huynh xếp hàng qua đêm. “Đối với công tác tuyển sinh đầu cấp, quan điểm của TP là các cháu trong độ tuổi phải có nơi học. Trách nhiệm này thuộc về cả các quận, huyện. Nếu vẫn để người dân phải xếp hàng ban đêm để xin học cho con thì trách nhiệm thuộc về phòng GD-ĐT và UBND các quận huyện, vì vậy cần chuẩn bị phương án đảm bảo phân tuyến, phân luồng hợp lý”. Thế nhưng vì số lượng trường lớp không có chuyển biến đáng kể nên năm nay hầu hết các trường MN ở những quận nội thành của Hà Nội đều tiến hành bốc thăm để nhận trẻ vào trường!
Thay vì xếp hàng qua đêm mua đơn, năm nay các trường mầm non ở Hà Nội tổ chức cho phụ huynh bốc thăm xem trẻ nào may mắn có chỗ học - Ảnh: Ngọc Thắng |
Trước khi đến bốc thăm, phụ huynh phải nộp sổ hộ khẩu, giấy khai sinh... để chứng minh con em mình có hộ khẩu đúng tuyến tuyển sinh. Việc bốc thăm được tiến hành lần lượt trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, lực lượng an ninh trật tự... Nếu phụ huynh bốc được thăm mang dòng chữ “có đơn” thì đồng nghĩa với việc chắc chắn có một chỗ học trong trường. Nếu thăm có dòng chữ “không có đơn”, phụ huynh sẽ phải tìm chỗ trong trường ngoài công lập hoặc cho con... ở nhà.
|
Lãnh đạo các trường giải thích rằng phải tiến hành bốc thăm vì “không còn cách nào khác”. Q.Ba Đình là một trong những điểm nóng, năm 2011 có Trường MN Thành Công A buộc hàng trăm phụ huynh phải xếp hàng trắng đêm để xin học cho con. Bà Lưu Thị Tường Vân - Phó trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết: “Giải pháp tình thế là vẫn phải tuyển sinh theo hình thức gắp thăm ở đa số các trường MN công lập trên địa bàn quận, đặc biệt là ở một số điểm nóng như: Thành Công A, Tuổi Thơ, Hoa Hướng Dương, Trường 1.6...”. Bà Vân cũng thừa nhận: “Việc bốc thăm này hoàn toàn không phải là phương án giải quyết tận gốc vấn đề, nhưng dù sao cũng sẽ làm cho việc xin học được đảm bảo khách quan”!
Hàng loạt các quận khác như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân cũng chọn hình thức tuyển sinh bằng cách bốc thăm. Bà Đinh Thanh Hằng - Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàng Mai cho biết: “Từ 3 năm nay đã phải áp dụng hình thức gắp thăm mỗi mùa tuyển sinh vào trường MN. Năm nay sẽ tiếp tục duy trì hình thức này ở 16/18 trường trên địa bàn quận”.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết cũng rất băn khoăn về việc phụ huynh phải bốc thăm để có chỗ gửi con, nhưng chưa tìm được giải pháp nào khả quan hơn. Có thể xem đây là giải pháp tình thế để tránh chuyện phụ huynh tụ tập, xếp hàng một cách ồn ào.
Điệp khúc quá tải - thiếu trường
Bà Lưu Thị Tường Vân cho rằng số trường MN công lập trên địa bàn quận hiện nay chỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu gửi trẻ của người dân, nếu tính cả trường ngoài công lập cũng mới đạt khoảng 75%. Còn bà Đinh Thu Hằng thì khẳng định: “Trường công lập của toàn Q.Hoàng Mai chỉ đủ chỗ học cho khoảng hơn 50% cháu so với nhu cầu thực tế, nếu cứ để tuyển sinh theo cách mạnh ai nấy làm thì sẽ rất lộn xộn”. Cũng cho rằng nguyên nhân do quá tải, bà Lê Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường MN Ngọc Thụy, Q.Long Biên, dẫn chứng: Theo điều tra của trường thì số trẻ trong độ tuổi đi học là 1.585 cháu trong khi trường chỉ đủ sức nhận 865 trẻ. Như vậy, sẽ có hơn 700 trẻ không có chỗ trong trường công lập.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết cố gắng đến năm 2015 sẽ giảm bớt căng thẳng trong việc tuyển sinh cho các trường MN bằng cách xây thêm trường. Theo tính toán, đến 2030, TP cần xây thêm 1.014 trường MN.
Giải pháp đảm bảo chỗ học cho trẻ
TP.HCM cũng là địa phương thiếu trầm trọng trường, lớp cho trẻ MN. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện cơ sở vật chất cũng như số trẻ mà mỗi quận huyện có những phương thức tuyển sinh riêng tránh gây căng thẳng cho phụ huynh.
Tân Phú là quận có số trẻ MN đông nhất tại TP.HCM. Với hơn 34.000 trẻ nhưng quận chỉ có 10 trường và còn đến 3 phường “trắng” trường. Do đó, số trẻ học MN cả công lập và tư thục cũng chỉ hơn 50%. Bà Chung Bích Phượng - Phó phòng GD Q.Tân Phú, cho biết: “Chủ trương của quận là phân bổ hết học sinh, nhiệm vụ của các trường là phải tận dụng mọi điều kiện về phòng học, phòng chức năng để đáp ứng nhu cầu này. Do đó, phòng GD mượn tạm nhà văn hóa phường, sau đó chỉnh trang lại cho phù hợp làm phân hiệu các trường mầm non”.
Giải pháp của Phòng GD Q.9 là trường xét duyệt dựa trên các tiêu chí ưu tiên lần lượt như: Học sinh có hộ khẩu chính thức, cha mẹ là cán bộ công nhân viên nhà nước, là công nhân các cơ quan xí nghiệp... Sau đó mới xét đến học sinh có cha mẹ không đi làm và thuộc diện tạm trú. Ngoài ra, trẻ 5 tuổi thuộc các gia đình hưởng chính sách giảm hộ nghèo tăng hộ khá, nếu không được vào học công lập mà phải học tư thục, dân lập thì quận vẫn đảm bảo hỗ trợ tiền ăn theo quy định.
Ông Đinh Thiện Căn - Trưởng phòng GD Q.1 cũng nói: “Nếu trường nào có số trẻ cao hơn số chỗ học, trước tiên đề nghị trường vẫn dạy 2 buổi nhưng không tổ chức bán trú. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả chính là sự nắm bắt thông tin về nơi cư trú cụ thể của từng trẻ tại mỗi phường để khi phân tuyến học sinh cho phù hợp. Nếu trường A quá đông, hết khả năng thu nhận thì có thể sắp xếp trẻ cùng phường đó vào những trường MN ở phường lân cận sao cho gần nhất”.
B.Thanh
|
Tuệ Nguyễn