THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 June 2012

Dân Làm Báo vì Dân Cần Báo!!!



Danlambao - Báo chí Lề Đảng đại diện cho cái nhìn “đồng phục” của các cấp lãnh đạo, truyền bá những tin tức “đồng bộ” theo lệnh cấp trên, xem quần chúng như độc giả vô tri và không cho phép tiếng nói độc lập, phản biện, được cơ hội cất tiếng. Dân Làm Báo sẽ cùng các trang mạng Lề Dân trám vào khoảng trống thiếu sót cơ bản của rào cản truyền thông Lề Đảng, cung cấp thông tin và quan điểm đa chiều của mọi thành phần nhân dân, tạo diễn đàn để chính dân “độc giả” chúng ta tự làm tin, tự thông tin, tự đại diện cho cái nhìn, quan điểm của chính mình, tự cất tiếng nói về những vấn đề chúng ta quan tâm trong đời sống. Là độc giả và cũng là biên tập viên quần chúng, chúng ta không tiếp tục cho phép ý kiến và suy nghĩ của chính mình bị “gạn lọc”, “bóp méo”, “thay thế”, “nhỏ giọt” hay “chận đứng” bởi những “cái loa”, “cái phễu”, “cái lưới”, và “cái lưỡi” của đảng...

*

Ở thế kỷ 15 và 16, các chế độ phong kiến ở Âu châu đã xem báo chí là công cụ hữu ích cho việc điều hành và kiểm soát xã hội.

Vào thế kỷ 21, các chế độ độc tài vẫn siết chặt truyền thông để độc quyền kiểm soát tư tưởng xã hội nhằm toàn trị.

I. Nhìn Lui:

Cuối thế kỷ 15 khi kỹ nghệ in ấn được phát minh thì không riêng gì các quốc vương triều Tudor ở Anh mà cả chế độ giáo hoàng La Mã cũng nhận ra rằng báo chí có khả năng trở thành vũ khí nguy hiểm, có thể làm suy giảm quyền lực và ảnh hưởng tiêu cực đến cơ chế độc quyền lãnh đạo. Đến thế kỷ 16 thì luật đầu tiên về “tội phỉ báng trên báo chí” đã được ban hành song song với những điều khoản về giấy phép in ấn, luật bản quyền v.v... nhằm ngăn chận và vô hiệu hóa phần nào những ảnh hưởng của báo chí khả dĩ làm lung lay quyền lực của cơ chế độc tài phong kiến. Nguyên văn của điều luật đầu tiên của Anh quốc đã ghi thẳng thừng rằng, bất kỳ báo chí hay dưới hình thức ngôn luận công khai nào, những dữ kiện, tin tức có khả năng “xúi giục nổi loạn, mưu phản không chỉ là sự xúc phạm đến Thượng Đế mà còn là sự khuyến khích nhằm bất tuân phục các hoàng tộc và quốc vương”. Cũng trong mục tiêu “bưng bít thông tin” (thường thấy ở các chế độ độc tài), năm 1632 các báo chí ngoại quốc bị cấm không được phát hành ở Anh quốc với lý do “không thích hợp với quan điểm công chúng và đáng để nghị luận”. (Déja-vu/ nghe thấy hơi quen) !!!

II. Nhìn Tới:

Nền tảng sơ khởi của truyền thông chính trị hiện đại có thể nói khởi thuỷ bắt đầu từ cuộc tranh đấu giữa chế độ quân chủ và thể chế nghị viện ở thế kỷ 17, đưa đến cuộc nội chiến ở Anh với kết qủa là những cải cách tiến bộ hướng dần đến việc hình thành chế độ dân chủ. Trên tổng thể, một chính quyền dân chủ lý tưởng là khi người dân được cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác để có những chọn lựa bầu phiếu sáng suốt, thuần lý, dựa trên dữ kiện, giữa những ứng cử viên tranh cử. Tuy nhiên, trong thực tế, quần chúng bỏ phiếu chọn người đại diện cho họ vì nhiều lý do, (đấy cũng là quyền tự do của họ) và không phải lúc nào cũng là những chọn lựa dựa trên sự hiểu biết hay lý trí. Đây là yếu tố khiến vai trò của truyền thông trở nên quan trọng trong sinh hoạt chính trị dân chủ. Những người làm truyền thông tìm hiểu, săn tin, cung cấp dữ kiện chính xác để quần chúng có thể dựa vào những thông tin ấy hầu chọn lựa giữa những ứng cử viên đa dạng và giữa những đảng phái đối lập đa nguyên.

Trong một xã hội dân chủ đích thực, giới truyền thông cố gắng giữ đặc tính khách quan, trung lập, không thiên lệch, hoạt động độc lập và không lệ thuộc đảng phái, mặc dù họ vẫn được quyền có tư kiến chính trị. Cũng như bao người dân khác trong xã hội, giới phóng viên, nhà báo cũng có quyền tham gia, trở thành đảng viên của các đảng chính trị, nhưng khi làm sứ mạng thông tin về tình hình thực tế chính trị, họ không được che giấu hay cố ý tạo ấn tượng sai lạc rằng những thông tin, nhận định của họ là vô tư, khách quan, và họ cũng không được quyền cố ý loại trừ hay gạt ra ngoài những quan điểm chính trị trái ngược, bất đồng với họ của quần chúng. Do đó, ở những xã hội dân chủ, thường thấy tổng biên tập của một tờ báo hay cơ quan truyền thông đứng đắn đều cho đăng những lá thư phản hồi gửi đến toà soạn, những phản biện nhận được từ độc giả hay của những tác giả có quan điểm đối nghịch về cùng một vấn đề nhằm rộng đường dư luận. Trong một nước, nếu ngành truyền thông được quyền độc lập trong việc thông tin, cung cấp dữ kiện chính xác và chọn lọc, mang sự thật đến cho quần chúng, phân tích những sự kiện thời sự quan trọng có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, thì sự đóng góp của giới truyền thông có thể khẳng định là tối quan trọng, góp phần phát triển tập thể quần chúng giác ngộ, tỉnh thức có khả năng tham gia đầy ý nghĩa cho sự nghiệp phát triển xã hội và đất nước.

Một sứ mệnh hữu cơ khác của truyền thông là vai trò kiểm tra, xem xét các thành phần nắm quyền lực trong xã hội. Những thành phần này có thể là những người lãnh đạo đang cầm quyền, một công ty kinh doanh hay bất kỳ một thực thể nào có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội. Ở những nước dân chủ phương tây, vai trò này của các phóng viên, báo giới được gọi là “watchdog”, và đây cũng là một trong những “đệ tứ quyền” của giới truyền thông. Nhằm ngăn chận sự lạm dụng quyền lực của giới cầm quyền như kinh nghiệm đã cho thấy trong thời kỳ phong kiến, giới truyền thông có trách nhiệm giám sát việc sử dụng quyền lực của các cấp lãnh đạo. Liệu chính phủ có khả năng cầm quyền chăng? có hữu hiệu chăng? có thành thật chăng? Liệu các cấp lãnh đạo có chu toàn những trách nhiệm mà quần chúng đã giao phó cho họ khi bầu họ vào quốc hội chăng? Liệu các dự án phát triển, các chính sách ban hành đã được dựa trên những dữ kiện chính xác chưa, những suy xét có cơ sở và nhằm phục vụ cho lợi ích chung của đất nước không? hay nhằm mưu đồ thủ lợi cho một thiểu số quyền lực nào? Trong vai trò “watchdog” này, giới truyền thông hoạt động độc lập nhằm giám thị và quan sát các hành vi, việc làm của các nhà lãnh đạo thay cho người dân và với sự cho phép của người dân. Ở vị trí này, giới truyền thông là “trung gian” giữa giai cấp lãnh đạo và quần chúng, và có sứ mệnh đảm bảo cho tiếng nói của quần chúng được phản ảnh đến tai những người cầm quyền.

III. Nhìn Quanh:

Sự khác biệt giữa truyền thông trong một nước tự do dân chủ và ở một chế độ độc tài là một bên hoạt động độc lập, nhằm giúp giám sát, đảm bảo nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm về những quyết định của họ trước quần chúng, và một bên là công cụ tuyên truyền với vai trò gieo rắc những “ảo tưởng cần thiết” cho quần chúng, theo đúng mệnh lệnh và chủ trương của cấp lãnh đạo toàn quyền cai trị.

Dĩ nhiên, khi nói như thế không có nghĩa rằng truyền thông ở các quốc gia văn minh, dân chủ hiện nay ở phương Tây là hoàn hảo. Đã và vẫn đang có những chỉ trích về vai trò của truyền thông tại Hoa Kỳ hay Anh quốc trong việc “lèo lái dư luận” như trong cuộc chiến Iraq, trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine (giới truyền thông đã đi tin "thiên vị" cho Palestine), và trong vụ ký giả Andrew Gilligan năm 2003 đã vu cáo Thủ Tướng Anh, Tony Blair, và nội các của ông tội lừa mị dân chúng về khả năng vũ khí của Irag để dân chúng Anh ủng hộ quyết định của chính phủ trong việc tấn công và thanh trừng đồ tể Saddam Hussein v.v và v.v... Dù rằng truyền thông ở các quốc gia tự do dân chủ vẫn còn vô vàn khuyết điểm nhưng có thể nói rằng, nhiệm vụ hàng đầu của họ vẫn là nhằm thông tin về những vấn đề có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống người dân, truyền bá, cổ vũ và tạo điều kiện cho quần chúng suy gẫm, tranh luận, và hành động trên những vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế của nước họ. Và cơ chế dân chủ của những quốc gia này sẵn sàng bảo vệ những tiếng nói đối lập không bị trù dập, qua đó người dân có thể tìm hiểu được sự thật. Các cơ quan điều tra độc lập với chính phủ cũng dựa vào những lời lên tiếng này mà có thể truy tố đưa ra trước pháp luật những viên chức chính phủ từ dưới lên trên đã vi phạm trong việc ngụy tạo tin tức...

VI. Nhìn Mình:

Nhìn lui, nhìn tới, nhìn quanh thì cũng phải đến lúc ngẩng đầu nhìn lên. Trong một lá thư năm 1787, cố tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson, viết gửi cho vị dân biểu vùng Virginia: “nền tảng của chính phủ chúng ta là ý kiến của quần chúng, mục tiêu tiên quyết phải là bảo vệ quyền tự do báo chí; và nếu tôi có được quyền quyết định để chúng ta nên có một chính phủ không có báo chí hay có báo chí mà không có chính phủ, tôi sẽ không do dự một chút nào để chọn điều sau”. Đối với vị cố tổng thống là tác giả của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, báo chí cần được bảo vệ vì mục tiêu của báo chí là phản ảnh và đại diện cho tiếng nói của quần chúng, và tiếng nói của quần chúng là quan trọng cho nền dân chủ. Thêm vào đó, báo chí còn có thể đẩy mạnh cho tính toàn bộ của quần chúng, nếu báo chí truyền bá tất cả mọi ý kiến của nhiều thành phần khác nhau; điều này tương tự như mỗi một người dân có tiếng nói chính trị bình đẳng trong một thể chế dân chủ.

Tóm lại, vai trò của truyền thông không chỉ nhằm cung cấp cho quần chúng những dữ kiện được yêu cầu hầu có những quyết định sáng suốt mà còn đáp ứng vai trò kiểm sát viên, kềm hãm bớt quyền lực của chính phủ, kiểm lại những gì đã được chính phủ công bố và tạo điều kiện cho sự thông tin giữa người dân với nhau. Nhờ có báo chí truyền thông, người dân có diễn đàn đối thoại cùng nhau và để công khai tranh luận những vấn đề quan tâm chung và góp phần định lấy con đường mà dân chúng muốn xã hội theo đuổi.

Chính vì vai trò quan trọng kể trên của truyền thông trong tiến trình dân chủ mà ở những nước độc tài độc đảng như Việt Nam, Cuba, Trung Quốc…, truyền thông vẫn phải là công cụ được kềm tỏa tối đa như dưới thời phong kiến của thế kỷ 15 với mục đích bưng bít thông tin nhằm kiểm soát xã hội. Nhiệm vụ hàng đầu của giới truyền thông chính quy là phục vụ lãnh đạo, thông tin một chiều để rộng một đường… hẹp theo đúng chính sách nhà nước, hoạt động lệ thuộc hoàn toàn vào sự chỉ đạo xuyên suốt của đảng. Sự thật của mọi vấn đề hệ trọng đến đời sống người dân bị bưng bít, thực tại bị dấu nhẹm và tương lai đất nước chỉ do một thiểu số lãnh đạo toàn quyền định đoạt. Mọi tiếng nói phản biện từ quần chúng đều bị xem là phản động và không báo, đài nào được tiếp tay thông tin. Khi diễn đàn công luận và tiếng nói của người dân bị tước đoạt thì liệu chúng ta có thể làm gì?

Năm 2010, Danlambao ra đời, tiếp nối sứ mạng của freelecongdinh.wordpress.com đã bị phá hoại. Trải qua gần hai năm nỗ lực hoạt động, sau hàng chục lần bị tấn công tin tặc, những cuộc đánh phá quy chụp, và gần đây nhất là đợt kiểm duyệt chặn tường lửa gắt gao... Chúng ta - Dân Làm Báo vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển.

Báo chí Lề Đảng đại diện cho cái nhìn “đồng phục” của các cấp lãnh đạo, truyền bá những tin tức “đồng bộ” theo lệnh cấp trên, xem quần chúng như độc giả vô tri và không cho phép tiếng nói độc lập, phản biện, được cơ hội cất tiếng. Dân Làm Báo sẽ cùng các trang mạng Lề Dân trám vào khoảng trống thiếu sót cơ bản của rào cản truyền thông Lề Đảng, cung cấp thông tin và quan điểm đa chiều của mọi thành phần nhân dân, tạo diễn đàn để chính dân “độc giả” chúng ta tự làm tin, tự thông tin, tự đại diện cho cái nhìn, quan điểm của chính mình, tự cất tiếng nói về những vấn đề chúng ta quan tâm trong đời sống. Là độc giả và cũng là biên tập viên quần chúng, chúng ta không tiếp tục cho phép ý kiến và suy nghĩ của chính mình bị “gạn lọc”, “bóp méo”, “thay thế”, “nhỏ giọt” hay “chận đứng” bởi những “cái loa”, “cái phễu”, “cái lưới”, và “cái lưỡi” của đảng.

Dân Làm Báo hãnh diện được cùng các bạn bloggers dầy dạn kinh nghiệm đi trước, cung cấp diễn đàn cho những tiếng nói chính thống của những người dân làm chủ đất nước được cất cao nguyện vọng. Dân Làm Báo xin đến với các bạn trong niềm hy vọng tạo cơ hội cho mỗi chúng ta, những người dân “bình thường”, “tầm thường” nhưng là đa số trên đất nước này, phản ánh suy nghĩ của chính mình.

Năm 1800, trong cuộc xung đột gay go của đảng Cộng Hoà ở Mỹ, Thomas Jefferson đã viết trong một lá thư riêng: “Tôi đã thề trước án thờ Thượng Đế: một thái độ thù địch vĩnh viễn chống lại mọi hình thức chuyên chế, bạo ngược nào đối với tư tưởng con người !!!”.

Năm 2010, 2011, 2012, trước sự bắt bớ bloggers, giam cầm ký giả, chặn tường lửa và phá hoại các trang mạng…, vang lên tiếng hô xung trận của Dân Làm Báo - Những Nhà Báo Công Dân:“Mỗi người chúng ta là một chiến sỹ thông tin!!!”