THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

05 June 2012

Các vụ sạt lở bờ sông ở An Giang



2012-06-03
Trong vòng 3 ngày, Ủy ban tỉnh An Giang 2 lần quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp do sạt lở đất ven bờ sông Tiền và sông Hậu.
Photo courtesy of www.angiang.gov.vn
Bờ Đông sông Hậu bị sạt lở.
Diễn biến đang theo chiều hướng ngày một xấu hơn. Một khi chưa xác định được biện pháp xử lý triệt để thì đâu là điểm dừng của hiện tượng thiên tai này, vẫn là một câu hỏi để ngỏ.
Sau quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp chống sạt lở ở bờ sông Hậu, bên thành phố Long Xuyên; tỉnh An Giang đã tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực xã Phú An, nằm cặp bờ sông Tiền. Khu vực này hiện rất nguy hiểm do nước liên tục đánh mạnh vào đất không chân nằm cặp sát bờ sông. Tính từ tháng 3 năm nay, đây là trong số gần chục vụ sạt lở bờ sông mà Sở Tài nguyên Môi trường An Giang ghi nhận được.

Chuyện tự nhiên của sông?

Mặc dù các vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng tình trạng bờ sông bị sụp đổ đến nay trở thành một diễn biến không gượng lại được. Về nguyên nhân dẫn đến sạt lở, chúng tôi được ông Trần Anh Thư, phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường An Giang cho biết:
“Thực ra là chỗ này có sự lệch dòng, do cái bãi bồi phía bên cồn Mỹ Hòa Hưng. Cho nên dòng sông bị đẩy lệch dòng ở đây, tạo thành một cái lạch. Lạch sâu tới 20m thì thành hố xoáy làm phát sinh sự việc.
Mình ở đây trong nhiều năm thì cũng không để ý chuyện đó, cứ nghĩ bồi lắng là chuyện tự nhiên của sông.
PGĐ Sở TNMT An Giang Trần Anh Thư
Vấn đề nói là hố lớn hố nhỏ là không phải, mà tùy thuộc vào vị trí hố xoáy sâu nằm gần hay xa bờ. Rồi dòng chảy chỗ đó, nước mạnh hay là chậm. Cấu trúc nền tại khu vực có địa chất cường độ mạnh hay yếu. Nhiều yếu tố mới quyết định được sạt lở.
Các nước tiên tiến thường người ta sẽ chỉnh trị dòng chảy, cân bằng nước các nhánh sông cho bằng nhau. Các dòng chảy tương xứng thì bờ sông mới không lở, vì nước sẽ chảy trong lòng sông. Mình ở đây trong nhiều năm thì cũng không để ý chuyện đó, cứ nghĩ bồi lắng là chuyện tự nhiên của sông.”
Dọc theo đoạn sông Hậu hơn 4 cây số, với 13 hố xoáy có khả năng gây sạt lở bất cứ lúc nào, quốc lộ 91 và thành phố Long Xuyên bị đe dọa là một tình huống thực tế.

Không đơn giản như vậy

ghe-cho-cat-250.jpg
Một ghe chở cát khai thác ở Hội An, Việt Nam. Ảnh có tính minh họa. AFP photo.
Nguyên nhân gây sạt lở bờ sông hiện nay tạm xác định là xuất phát từ các hố xoáy sâu dưới lòng sông. Có ý kiến cho rằng, dãy bè cá dài hàng cây số trên nhánh sông Long Xuyên, đoạn đối diện với quốc lộ 91 là thủ phạm khiến quá trình bồi lắng lòng sông diễn ra nhanh hơn, dẫn đến tình trạng sạt lở ở bờ đối diện. Thoạt nhìn, trận sạt lở như là kết quả tất yếu của quá trình diễn tiến bồi lở tự nhiên của các dòng sông.
Nhưng thực chất vấn đề có lẽ không đơn giản như vậy. Bởi chúng tôi có nghe một người dân địa phương phản ánh như sau:
“Do khai thác cát ở sông Cửu Long. Bên An Giang khai thác cát ở các nguồn trong lòng sông từ xa, làm cho các mạch nước bị rút, gây ra ảnh hưởng. Đất do lâu ngày tác động nên tự tụt xuống.
Khai thác cát có từng vùng do nhà nước quy định, chỗ nào được khai thác, chỗ nào không. Chỗ nào được khai thác thì người ta khai thác, chỗ nào không được khai thác thì có khi người dân khai thác trộm. Lâu ngày nên bị ảnh hưởng.”
Việc thường xuyên khai thác cát với khối lượng lớn, đã vượt mức tái tạo từ thượng lưu đổ về. Kiểu ăn làm tắc trách này đã làm tăng độ dốc sườn bờ, dẫn đến thay đổi dần đáy sông và lòng dẫn cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng sạt lở. Hiện tượng thiên tai sạt lở tại An Giang như một hệ lụy đã được dự báo trước.

Vẫn chưa xác định được biện pháp xử lý triệt để

Xem ra, biện pháp nhanh chóng san lấp các hố xoáy nhằm chặn đứng được tình trạng sạt lở vẫn còn là một nghi vấn lớn. Trên 40 ngàn m3 cát đã được thả xuống, kế hoạch dự định sử dụng thêm gần 200 ngàn m3 cát để lấp các miệng hố xoáy dưới đáy sông chưa nhận được sự đồng thuận cao. Bởi theo nhiều chuyên gia, bản chất của biện pháp chữa cháy này chỉ đơn giản là dịch chuyển địa điểm sạt lở từ vị trí này sang vị trí khác trong lòng một dòng sông. Ngoài ra, phương án san lấp cơ giới trên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường các dòng sông vẫn còn là điều cần bàn.
Theo ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường An Giang, công tác dự báo sạt lở chủ yếu dựa vào việc thấy lòng sông biến dạng thì mới công bố, nên thời gian cảnh báo rất ngắn. Rốt cuộc, khó mà đưa ra được một giải pháp xử lý triệt để được vấn nạn này. Vì vậy, xác định đâu là điểm dừng của hiện tượng thiên tai trên vẫn là câu hỏi để ngỏ. Về kinh phí và phương án thực hiện, chúng tôi được ông Trần Anh Thư cho biết:
Hiện nay phương án tổng thể, tức là sẽ nạo vét bãi ngòi phía bờ sông bên kia, thông dòng; rồi dùng cát lấp cho phía bên này, gia cố nó lại…
PGĐ Sở TNMT An Giang Trần Anh Thư
“Hiện nay phương án tổng thể, tức là sẽ nạo vét bãi ngòi phía bờ sông bên kia, thông dòng; rồi dùng cát lấp cho phía bên này, gia cố nó lại… Kế hoạch này đang được trình cho Chính phủ để xin tiền.
Kinh phí dự kiến hiện nay đang làm dự án tổng thể bảo vệ cho toàn bộ khu vực khoảng là 2.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 120 triệu USD. Dự án này thực hiện để chỉnh trị dòng chảy, sẽ bảo vệ được thành phố Long Xuyên này.”
Kèm theo những kế hoạch ứng cứu thiên tai, vấn đề an sinh của người dân An Giang được đặt ra. Đi cùng với việc nâng phạm vi cảnh báo sạt lở, thì số hộ dân cần di dời cũng tăng lên. Việc tìm mặt bằng bố trí chỗ ở tạm cho hàng trăm hộ dân trong vùng thiên tai là chuyện không đơn giản. Sau Long Xuyên và Phú Tân, theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường An Giang, nhiều khu vực cặp sông huyện Chợ Mới đã và cũng đang sạt lở.
Kéo dài vài trăm cây số, tình trạng sụp đổ dọc theo các con sông Tiền và sông Hậu đang nóng dần lên. Xuyên qua các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, hàng ngàn hộ dân cũng cần được di dời. Không thể cứ mãi tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, những gì đang diễn ra tại An Giang chính là thực trạng sạt lở trong công tác bảo vệ môi trường của một địa phương. Đất là nguồn tài nguyên hữu hạn của quốc gia. Nếu nhận thức về quản lý không chuẩn xác, hậu quả sẽ phát sinh khôn lường.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.