Cả 4 đơn vị quản lý dự án đều khẳng định “không có tham nhũng, thất thoát” khi sử dụng vốn ưu đãi của Chính phủ Đan Mạch, mà có thể kiểm toán quốc tế chưa hiểu quy trình và thực tế dự án tại Việt Nam.
> Việt Nam kiểm tra vụ Đan Mạch ngừng viện trợ
> Những nghi vấn tại 3 dự án bị ngừng ODA
Phó giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm (Viện Hải dương học - Nha Trang) biết tin 3 dự án nghiên cứu biến đổi khí hậu bị ngừng cấp ODA từ hôm 29/5, hai ngày trước khi Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam công bố về vụ việc. Vừa trở về từ chuyến công tác Malaysia, Phó giáo sư tâm sự ông rất buồn và thất vọng.
“Bản thân tôi tự tin là mình không làm điều gì sai trái”, ông Lâm trần tình trong thư gửi VnExpress.net.
Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Lâm cho rằng kiểm toán đã "hiểu lầm" nhiều chi tiết tại dự án P2-08-VIE -"Biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái vùng cửa sông Việt Nam". Ảnh: DĐDN |
Ông Lâm là điều phối viên dự án P2-08-VIE - Biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái vùng cửa sông Việt Nam, dự án bị kiểm toán cho là chi sai 1,3 tỷ đồng với 5 nghi vấn về chi trả bảo hiểm, thuê tư vấn, mua thiết bị, chi phí quản lý và đặc biệt là chuyện học bổng của chính con gái ông Lâm. Chuyên gia này cho biết ông và các đồng sự muốn giải trình về cả 5 vấn đề này.
Vị phó giáo sư này cho biết tiền lương cho cán bộ dự án được trả vào tài khoản. Các cá nhân sau đó nộp lại tiền bảo hiểm cho viện, rồi viện lại chuyển lại số tiền này cho bảo hiểm qua kho bạc. Chính quy trình này đã khiến kiểm toán hiểu lầm và cho rằng ban điều hành đã thu 2 lần bảo hiểm. “Chúng tôi đã kiểm tra toàn bộ hệ thống tài chính của Viện. Kế toán trưởng cũng đã cam kết không có vấn đề khuất tất xảy ra trong quá trình này”, ông Lâm cho biết.
Về việc mua sắm thiết bị, vị phó giáo sư cho biết các hợp đồng đều được thực hiện đúng theo quy trình chuẩn của Việt Nam, với mục đích sử dụng rõ ràng (trong đó có cả các máy tính cho cán bộ đi học). Cùng với đó, việc thuê cán bộ tư vấn trong dự án (theo cách hiểu của Việt Nam là các hợp đồng thuê khoán chuyên môn hoặc hợp đồng khoa học - công nghệ) cũng được thực hiện theo pháp luật. Riêng chuyện “khai khống” chi phí quản lý, ông Lâm khẳng định là lỗi dịch thuật bởi trong văn bản của kiểm toán, từ này được diễn đạt là “overpaid” (vượt chi). “Hiện chúng tôi đang rà soát các khoản chi này nhưng số vượt chi, nếu có cũng không lớn như số liệu của kiểm toán”.
Về chuyện “nhạy cảm” là học bổng dành cho con gái mình (cũng là cựu cán bộ của Viện Hải dương học), ông Lâm khẳng định mình không phải là người phê duyệt. “Lãnh đạo viện chỉ cấp quyết định cử đi học sau khi kinh phí và nội dung sử dụng kinh phí được phê duyệt bởi phía đối tác Đan Mạch”, ông cho biết.
Riêng chuyện con gái ông không trở lại làm việc tại viện sau khi về nước, theo vị Phó giáo sư là vì lý do gia đình và hoàn toàn hợp lý. Tuy vậy, hiện cô vẫn cùng các thành viên khác của dự án hoàn thành phần việc dang dở mà không nhận thù lao.
“Không có sự tham nhũng hay thất thoát” cũng là khẳng định của một lãnh đạo Viện Địa lý, nơi quản lý dự án P1-08-VIE - Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến điều kiện tự nhiên, môi trường và phát triển kinh tế - xã hội miền Trung. Đây là dự án có số tiền nghi chi sai lớn nhất, 5,4 tỷ đồng. Ông này cho biết không tán thành đối với một số thông tin mà kiểm toán đưa ra (chủ yếu về chi lương, thù lao, học bổng... không rõ ràng, mua xe nhưng ít sử dụng) và sẽ có buổi làm việc với Bộ Khoa học & Công nghệ, Tổ kiểm toán và Sứ quán Đan Mạch giữa tuần này đề làm rõ vấn đề.
Tuy không bị dừng cấp vốn do số tiền nghi sai phạm (gần 300 triệu đồng) không đáng kể so với toàn bộ quy mô nhưng theo đại diện đơn vị điều phối dự án 09-P01-VIE - Cải thiện giống lúa thích nghi với điều kiện ngập mặn để đối với tình trạng nước biển dâng cho các vùng đồng bằng ven biển Việt Nam, cũng tỏ ra không đồng tình với kết luận của kiểm toán.
Với khoản chênh gần 157 triệu đồng do mua xe ôtô, đại diện này cho biết, tại thời điểm đó, phí trước bạ đã tăng từ 6% lên 12%. Thêm đó, tỷ giá đôla năm 2009 là 17.000 đồng, sang đến năm 2010 là 19.500 đồng. "Xe mua bằng USD, kiểm toán phía Đan Mạch lại so sánh với mức giá trong một dự án khác nên có những hiểu nhầm”, ông nói.
Vị này cho biết thêm, kiểm toán Đan Mạch thắc mắc về trường hợp một kế toán được tham dự hội thảo tại Áo khiến số tiền thực hiện dự án chênh lệch. Theo ông, kế toán có quyền và trách nhiệm theo dõi xuyên suốt dự án nên việc tham dự trên là không sai. Thêm vào đó, khoản tiền chênh lên chỉ là 60 triệu đồng, không phải 115 triệu đồng như kiểm toán công bố.
Vị này cho biết thêm, kiểm toán Đan Mạch thắc mắc về trường hợp một kế toán được tham dự hội thảo tại Áo khiến số tiền thực hiện dự án chênh lệch. Theo ông, kế toán có quyền và trách nhiệm theo dõi xuyên suốt dự án nên việc tham dự trên là không sai. Thêm vào đó, khoản tiền chênh lên chỉ là 60 triệu đồng, không phải 115 triệu đồng như kiểm toán công bố.
Trước đó, theo trao đổi của đại diện cơ quan quản lý dự án 09-P03-VIE - Tác động của biến đổi khí hậu đến biến đổi sử dụng đất và sinh kế cộng đòng ở đồng bằng sông Hồng với Tuổi trẻ, nhiều điểm khác biệt trong tính toán của 2 bên cũng đã được chỉ ra. “Chúng tôi đã hoàn thành xong báo cáo giải trình. Trong phiên đối chất giữa tuần tới, chúng tôi muốn nhấn mạnh những điểm này”. Ngoài ra, đại diện này cũng cho biết dự án sẽ tiếp tục được hoàn thành cho dù phía đối tác có tiếp tục cấp vốn hay không.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 4/6, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Chính phủ đang tích cực theo dõi và tìm hiểu vụ việc, với tinh thần sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Ông Minh cũng cho biết bên cạnh con đường ngoại giao, đại diện của Bộ Khoa học & Công nghệ cũng đã có cuộc tiếp xúc với Sứ quán Đan Mạch để yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết hơn.
Trao đổi với VnExpress.net sáng 4/6, một lãnh đạo của Bộ Khoa học & Công nghệ cũng xác nhận thông tin này. “Bộ Khoa học & Công nghệ đã trao đổi với Đại sứ quán Đan Mạch. Hai bên đã thống nhất là sẽ làm rõ tất cả các vấn đề mà phía Đan Mạch nêu ra và công khai với công luận”, lãnh đạo này cho biết.
Theo kế hoạch, ngày 6/6 tới, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các cơ quan liên quan sẽ họp bàn với Đại sứ quán Đan Mạch và đơn vị kiểm toán để làm rõ những vấn đề mà kiểm toán nêu ra.
Đại sứ quán Đan Mạch công bố quyết định ngừng 3 dự án nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Việt Nam hôm 1/6, sau khi cơ quan kiểm toán quốc tế phát hiện nhiều nghi vấn về sử dụng vốn viện trợ không đúng mục đích. Kết quả kiểm toán này được các cơ quan của Việt Nam cho rằng chưa có sự tham vấn giữa các bên trước khi công khai.
Tổng vốn viện trợ cho 4 dự án thuộc diện kiểm toán là 19,9 triệu kroner Đan Mạch, tương đương 69 tỷ đồng (ước tính theo tỷ giá hạch toán tháng 6 do Bộ Tài chính mới công bố, 1 kroner Đan Mạch tương đương 3.494 đồng). Trong đó, số tiền rót cho các đối tác phía Việt Nam thực hiện là 14,12 triệu kroner (tương đương 49,1 tỷ đồng) và phần nghi chi sai hoàn toàn thuộc về phía đối tác Việt Nam, chiếm hơn 23% vốn rót xuống, tức 3,3 triệu kroner (tương đương 11,4 tỷ đồng).
Đan Mạch là nhà tài trợ song phương thứ hai công bố tạm ngừng viện trợ ưu đãi cho các dự án Việt Nam trong vòng 3 năm rưỡi trở lại đây. Cuối năm 2008, ngay trước thềm Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), Nhật Bản cũng đưa ra quyết định tương tự vì nghi án Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) hối lộ để tham gia vào dự án Đại lộ Đông Tây (TP HCM). 4 tháng sau, Việt Nam và Nhật Bản ký thỏa thuận nối lại ODA.
Nhóm phóng viên