HÀ NỘI (NV) - Vụ việc cưỡng chế ở huyện Văn
Giang, Hưng Yên, vừa mới chỉ xong giai đoạn đàn áp được hai ngày thì tại
Hà Nội, vụ xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng vẫn còn nguyên đó, cả ngàn
người dân của một xã ở huyện Liên Hiệp, Hà Nội đã vây trụ sở xã, nấu
cháo ăn ngủ ngay tại đó để đòi nhà cầm quyền trả lời các nghi vấn.
Họ nghi ngờ các viên chức cầm đầu xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ đã
tước đoạt đất của dân rồi “dùng sai mục đích”. Ðúng ra, các quan đã kinh
doanh kiếm ăn ngay trên số đất đó trong sự thiệt thòi của người dân.
Xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ trước kia thuộc tỉnh Sơn Tây, nay trở thành một phần Hà Nội mở rộng.
Vụ này diễn ra cũng chưa hề thấy có tiền lệ trong tất cả các vụ chống
đối sự lạm dụng quyền hành của nhà cầm quyền để chấm mút tham nhũng,
gây thiệt hại cho người dân.
Theo bản tin báo Dân Việt hôm Thứ Sáu, thay vì tới chất vấn hay biểu
tình chống đối rồi về nhà, dân địa phương “biến sân của UBND xã thành
bếp nấu hàng chục nồi cháo, khói lửa nghi ngút”.
Họ nấu cháo ăn rồi “bám trụ” ở đó “để được chính quyền quan tâm trả
lời thắc mắc việc quản lý và sử dụng đất đai của chính quyền xã có dấu
hiệu bất thường hàng chục năm nay”. Dân Việt dẫn lời một người dân tên
Nguyễn Văn Khâm cho biết.
Theo nguồn tin, ông Nguyễn Chí Trọng, đại diện dân địa phương, cho
hay, “Sở dĩ dân bức xúc là do có bằng chứng chính quyền xã sử dụng đất
đai của dân sai mục đích. Năm 1998, xã chủ động dồn điền đổi thửa đã tự ý
cắt đất canh tác của dân. Mỗi khẩu bị cắt đi khoảng 24m2, tổng cộng cả
xã được 36,066m2, sau đó cho 14 hộ làm nghề mạ kẽm thuê làm nhà xưởng.”
Dẫn chứng, họ cho biết nhà cầm quyền đã “cấp hơn 5,000 m2 cho ông
Ðinh Thế Thắng làm xưởng cơ khí, cấp 5,634 m2 cho ông Lê Hiền Khanh để
làm dự án, nhưng ông này lại bán để kiếm lời. Ðến năm 2008, vẫn bài chia
lại diện tích đất, xã ‘cắt’ mỗi khẩu thêm 15m2 đất ven sông Ðáy rồi cho
thuê và người dân không được hưởng lợi gì từ tiền thuê đất này”.
Báo Ðất Việt nói buổi trưa 26 tháng 4 năm 2012, “Khoảng 400 người dân
vây kín hội trường xã yêu cầu chủ tịch xã Từ Tất Tuấn trả lời. Phải vô
cùng khó khăn chúng tôi mới đưa được ông Tuấn sang phòng ông Ðỗ Hữu Tích
– bí thư kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân xã, nhưng vẫn bị người dân ùa
theo. Họ yêu cầu phải mở cửa để họ được nghe cuộc làm việc giữa phóng
viên và đại diện chính quyền ở đây.”
Nguồn tin kể theo lời ông Tuấn cho biết, “14 hộ dân mạ kẽm đưa dây
chuyền mạ kẽm vào hoạt động nhưng không xử lý hóa chất độc hại mà thải
ra môi trường. Người dân bức xúc vì có khoảng 4ha đã bị nước thải tàn
phá, không thể canh tác được”.
Nhà cầm quyền xã “hầu như tê liệt không làm được việc gì vì bà con
tập trung ở trụ sở quá đông”. Tờ Dân Việt nói “Việc bà con tập trung nấu
cháo rồi ăn nghỉ luôn ở trụ sở ủy ban, ông Tuấn đã báo cáo trực tiếp
đến chủ tịch huyện Phúc Thọ là ông Hoàng Mạnh Phú nhưng chưa nhận được
bất cứ sự chỉ đạo nào”.
Ðến chiều tối 26 tháng 4 năm 2012, nguồn tin cho biết hàng trăm người dân vẫn tụ tập, “vây” trụ sở xã. (T.N.)