- Hằng năm, cứ vào dịp lễ hội, nạn ăn xin lại hoành hành, gây ra sự phản cảm, nhức nhối cho công tác tổ chức lễ hội. Vậy có nên xóa bỏ nạn ăn xin? PGS. TS Hoa Hữu Lân, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội đã có cuộc trao đổi cùng KH&ĐS về nội dung này.
|
PGS.TS Hoa Hữu Lân, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội: |
Nhếch nhác, chèo kéoÔng nghĩ sao khi "đến hẹn lại nên", cứ vào dịp lễ hội thì nạn ăn xin nở rộ?Trước hết, cần phải nói rằng, nước ta có khoảng 8.000 lễ hội, trải dài từ Bắc đến Nam và tập trung chủ yếu vào mùa xuân. Những lễ hội này gắn với yếu tố văn hóa, tâm linh rất sâu sắc. Người ta đi lễ hội để cầu phúc, cầu may cho cả năm.
Tuy nhiên, đáng tiếc là lễ hội đang bộc lộ mặt trái, trong đó có nạn ăn xin. Nó làm mất đi tính thiêng của lễ hội. Mà đặc trưng của lễ hội là tính thiêng, nay mất đi rồi thì còn gì là lễ hội nữa?
Sao lại mất đi tính thiêng, thưa ông?
Về bản chất, mỗi lễ hội bao giờ cũng có hai phần lễ và hội. Mà "hội" thì phải có sự vui tươi, phấn khởi.
Đằng này, những người ăn xin với vẻ nhếch nhác, chèo kéo khách thập phương, trong đó có những kẻ cơ hội, đóng giả là người khốn khổ để cầu mong của bố thí, thậm chí là móc túi du khách đã tạo ra sự phản cảm, mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh của con người, địa phương đó trong mắt du khách thập phương, kể cả khách nước ngoài.
Chẳng lẽ các ban tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương lại không biết điều đó?
Họ biết đấy, nhưng giải quyết nó cũng khó lắm, vì nếu các ông ấy thu gom họ vào rồi thì cho họ ở đâu, ăn bằng cái gì? Nói chung, động vào họ là rách việc lắm nên cứ trả họ về cho... xã hội.
Người dân đang… tình nguyện bị lừa
Vậy theo ông, điều gì đã tạo nên sự mất đi tính thiêng của lễ hội như thế?
Thứ nhất, phần lớn những người đi ăn xin đã lợi dụng lễ hội vì đến đó con người luôn có xu hướng xởi lởi, hướng thiện, cầu phúc làm may.
Thứ hai, quan niệm dân gian vẫn cho rằng hành khất là khổ, trùng với quan niệm của nhà phật là "từ, bi, hỉ, xả". Do đó, những người đi lễ hội sẵn sàng bố thí cho người hành khất.
Nghĩa là chính người dân đã "vô tình" khiến cho nạn ăn xin trong lễ hội vẫn còn phổ biến?
Thật ra nói như thế cũng đúng. Tuy nhiên, việc bố thí cho người kém may mắn là điều nên làm. Chỉ có điều, họ đang bị một số kẻ lười lao động lợi dụng để chuộc lợi. Đôi khi, chính người dân lại... tình nguyện bị lừa, vì họ không muốn mang tiếng là không làm phúc.
Nhận dạng nhóm đối tượng lừa đảo ấy có khó không, thưa ông?
Tôi cho rằng, nó phụ thuộc vào kinh nghiệm sống của mỗi người. Còn nếu chỉ nhìn vào bề ngoài cũng khó, vì những đối tượng ăn xin trá hình bôi trát cũng giỏi lắm.
Tuy nhiên, nếu là tôi, với những người già cả đi ăn xin, tôi sẽ cho. Còn với những người trong độ tuổi lao động, còn trẻ mà đi ăn xin thì khó chấp nhận lắm!
Hãy cho họ "cần câu"!
Nói gì thì nói, dù có làm mất đi tính thiêng thì với nhiều người phải đi ăn xin là một giải pháp "chẳng đừng"?
Tất nhiên rồi. Ngoại trừ những kẻ lừa đảo thì chỉ những người cùng đường mới phải đi ăn xin, nhất là với những cụ già.
Vấn đề đặt ra là, nạn ăn xin làm cho lễ hội nhếch nhác, vậy có nên dẹp bỏ hay không?
Nói là dẹp bỏ hay không thì cũng khó. Nhưng tôi nghĩ, cần phải dần dần giảm nạn này đi, tiến tới xóa hẳn.
Nhưng nếu cấm thì những người "cùng đường" ấy sẽ phải sống như thế nào, vì lễ hội với họ là dịp để có thêm một khoản thu nhập?
Đó là một bài toán cần có nhiều phép giải đồng bộ. Trên thực tế, chúng ta đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ người nghèo, người khuyết tật.
Tuy nhiên, số đó quá nhiều trong khi ngân sách có hạn, do đó họ phải tranh thủ dịp lễ hội để "kiếm thêm". Vấn đề ở chỗ cần phải cho họ thấy rằng, đi ăn xin là sự bần cùng bất đắc dĩ, để họ phải cảm thấy xấu hổ vì nó liên quan đến nhân cách.
Và đây chỉ là dịp để xã hội chia sẻ phần nào với họ chứ không phải là chỉ chăm chăm vào lễ hội mong kiếm chác cho cả năm.
Ông có ảo tưởng quá không khi cho rằng cần phải để người ăn xin cảm thấy xấu hổ? Họ bị dồn vào bước đường cùng của sự đói nghèo, bệnh tật mới phải làm thế chứ? Và sự xấu hổ thì không thể mang lại cơm áo để họ sống qua ngày!
Tôi cho rằng mình không ảo tưởng, bởi làm cái gì cũng phải bắt nguồn từ nhận thức. Song, nhận thức thì chưa đủ mà cần phải kết hợp với hành động. Nghĩa là, Nhà nước phải thật sự tạo ra cái cần câu cho chính họ.
Nhà nước đã tạo "cần câu" cho họ rồi đấy chứ?
Có, nhưng kết quả ra sao? Nó có đảm bảo phủ sóng ra toàn xã hội? Ngay như chuyện tạo việc làm cho người khuyết tật. Nhiều doanh nghiệp vẫn không dám nhận người khuyết tật vào làm, vì họ đặt hiệu quả kinh tế lên trên hiệu quả xã hội với nhóm này.
Vậy phải có những chế độ đãi ngộ cho doanh nghiệp khi họ sử dụng lao động là người khuyết tật như giảm thuế, tạo điều kiện về vốn vay để khuyến khích họ.
Các trung tâm bảo trợ xã hội cũng đã xây dựng song có phải ai cũng được sống ở đó đâu, cũng phải xét lên xét xuống đấy chứ. Đấy, những vấn đề đó chưa giải quyết được thì làm sao đòi tính đến những chuyện sâu xa hơn?
Sẽ xóa được nạn ăn xin, nếu…
Theo ông, để giảm, tiến tới cấm hoàn toàn nạn ăn xin trong lễ hội có khó không?
Tôi cho là khó song không phải không làm được. Nhưng làm bằng cách nào?
Trước hết, các ban tổ chức lễ hội nên vận động để khách thập phương gửi tiền vào hòm công đức chứ không chia cho người ăn xin như hiện tại.
Thứ hai, chính quyền phải làm thật tốt công tác quản lý hộ khẩu để người ăn xin không di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Công khai danh tính của những người ăn xin trá hình để du khách nắm rõ.
Khi đã ban hành quy chế rồi thì người ăn xin ở lễ hội phải bị xử lý thật nghiêm, cả về hành chính và thậm chí là hình sự đối với những kẻ lừa đảo. Bên cạnh đó, phải phân loại đối tượng nghèo khổ.
Người không có khả năng lao động sẽ được sống trong các trung tâm bảo trợ. Người có khả năng lao động sẽ được hỗ trợ về vốn, việc làm. Về sâu xa thì phải để công tác xóa đói giảm nghèo, từ thiện là việc xã hội hóa và phải làm thường xuyên.
Tôi cũng hy vọng nạn ăn xin trong lễ hội sẽ dần được xóa bỏ.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
"Hiện nay, nếu có muốn xử lý, dẹp bỏ nạn ăn xin trong các lễ hội cũng khó, vì việc phân cấp, phân quyền chưa rõ ràng. Thế nên, cần phải xác định đây là việc cần làm để lập lại trật tự xã hội, đồng thời để lễ hội trở về với nguyên nghĩa của nó, bằng cách quy trách nhiệm cụ thể cho một đơn vị trong khối cơ quan công quyền". PGS. TS Hoa Hữu Lân |