17.2.2012. Đúng vào ngày này, 33 năm
trước, Trung Quốc xua quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới
đường bộ giữa hai nước. Cuộc chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt với hệ lụy
kéo dài nhiều năm sau cho phía VN cũng như những trận chiến sau đó giữa 2
bên vào những năm 1984, 1988 đã không bao giờ được nhà nước VN công khai nhắc đến.
Rất nhiều người dân bình thường nếu không
theo dõi thông tin từ các nguồn bên ngoài, đặc biệt là giới trẻ sinh ra
sau năm 1979, sẽ không biết gì về những cuộc chiến này, kể cả thực tế
một số khu vực, vủng đất dọc biên giới mà TQ vẫn còn chiếm giữ từ đó. Vụ
Hoàng Sa, Trường Sa cũng chỉ mới được công khai nói đến nhiều vài năm
gần đây, sau rất nhiều cuộc biểu tình tự phát phản đối TQ xâm lược Hoàng
Sa Trường Sa của người dân tại 2 thành phố lớn Hà Nội, Sài Gòn. Nói một
cách ngắn gọn, trong toàn bộ mối quan hệ giữa hai đảng và nhà nước cộng
sản VN-TQ từ bao nhiêu năm nay, chưa bao giờ có cái gì được công khai,
minh bạch cả. Đất nước là của chung nhưng 85 triệu người dân VN lại
không có quyền được biết những gì đã xảy ra với chính đất nước mình, dân
tộc mình. Trái ngược hẳn với cách tuyên truyền nhồi sọ nhân dân được
đảng và nhà nước VN tích cực áp dụng đối với hai “cuộc chiến tranh thần
thánh chống Pháp, chống Mỹ”-cho đến tận ngày hôm nay.
Một cuộc chiến cố tình bị lãng quên.
Những trang lịch sử như không hề tồn tại. VN từ ngày đảng và nhà nước
cộng sản lên nắm quyền có bao nhiêu ngày tháng, sự kiện lịch sử không
tồn tại như thế, hoặc tệ hơn nữa, được viết lại một cách méo mó, sai
lệch hoàn toàn?
Thiệt thòi chính là tuổi trẻ VN. Một dân
tộc chỉ thực sự mạnh khi được hiểu biết đầy đủ, chính xác về chính mình
và thế giới, về quá khứ hiện tại lẫn tương lai. Để có thể có được những
chọn lựa, những bước đi sáng suốt. Có lần một chị bạn nhà văn của tôi đã
nói một câu: bi kịch của dân tộc VN là trước phần lớn những sự lựa chọn
có liên quan đến vận mệnh đất nước, dân tộc, họ lại thường có những lựa
chọn sai. Và đã phải trả giá quá đắt cho những chọn lựa sai lầm vì
thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch đó.
Còn từ khi có đảng và nhà nước cộng sản,
đảng và nhà nước đã giành cho mình cái quyền nghĩ thay, chọn lựa, quyết
định thay cho nhân dân, nhưng lại luôn luôn dán cái nhãn nhân dân: nhân
dân chọn lựa, nhân dân đồng tình với đảng, nhân dân đứng về phía đảng,
nhân dân bất bình chuyện này chuyện kia…
Người dân không cần suy nghĩ, quan tâm gì nữa-chuyện chính trị đã có đảng và nhà nước lo.
Khi một dân tộc bị tước đi quyền suy nghĩ, chọn lựa, dân tộc ấy không thể trưởng thành.
Trước kia, đảng cộng sản VN thắng Pháp,
thắng Mỹ-hay ít ra họ tưởng là như thế, (bởi còn phải định nghĩa lại thế
nào là thắng, thua, được, mất…), đó là vì ít ra họ không sợ hãi và biết
cách tuyên truyền làm cho người dân không sợ hãi.
Chỉ riêng đối với TQ, nhà cầm quyền VN
không chỉ sợ mà còn truyền cái nỗi sợ ấy cho nhân dân, làm cho dân tộc
VN trở nên hèn yếu đi. Điều này càng nguy hiểm hơn bởi kẻ thù mà chúng
ta có thể sẽ phải đối mặt trong tương lai gần đã từng là kẻ thù nghìn
năm trước, kẻ thù của hôm qua và cả hôm nay, trong cái lớp vỏ tình anh
em hữu nghị. Một kẻ thù/người láng giềng mà người VN không thể tránh né.
Sau cuộc chiến, Pháp, Mỹ rút đi, nhưng TQ thì luôn luôn còn đó, núi
liền núi sông liền sông với VN. Và tệ hại hơn, thâm hiểm hơn gấp nhiều
lần những kẻ thù khác. Một nhà cầm quyền khinh thường mọi quy ước, luật
lệ của quốc tế và của nhân loại văn minh trong mọi lĩnh vực từ ngoại
giao, kinh tế cho đến nhân quyền, sẵn sàng tàn bạo với chính người dân
của mình thì có hy vọng gì tử tế với các dân tộc khác?
Trong khi đó thì người VN lại không được
công khai học những bài học lịch sử từ trong mối quan hệ giữa hai bên và
những cuộc chiến sai lầm trong quá khứ để chuẩn bị cho tương lai.
Trong khi đó thì người VN lại đang bị
chính nhà cầm quyền làm cho bạc nhược đi trong sự lãng quên, vô cảm với
chính số phận của đất nước.
Như sự lãng quên đang diễn ra ở VN vào đúng cái ngày 17.2 này.
Song Chi
17-02-2012