Trước vụ ông Đoàn Văn Vươn, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng)
đã cưỡng chế 70 ha đầm tôm của ông Lê Đình Thảo, sau đó đấu giá. Tuy
nhiên, việc cưỡng chế đất của ông Nguyễn Thế Đọc lại bất thành.
> 'Không sửa luật đất đai, sẽ còn nhiều vụ Tiên Lãng'
Chiều 15/2, trong ngôi nhà mái bằng ở thôn Mỹ Lộc (xã
Tiên Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng), anh Lê Văn Tân, con trai chủ đầm Lê
Đình Thảo chia sẻ, 4 năm trước, gia đình cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự
như ông Đoàn Văn Vươn. Năm 1992, được giao 70 ha đất trong vòng 12 năm
gia đình đã vay mượn ngân hàng và nhiều nơi khác để có tiền thuê nhân
công đắp gần 3 km đê quai chống bão. Bãi đất triều ven cửa sông Văn Úc
sau nhiều năm sóng gió trở thanh một vùng đất màu mỡ.
Theo anh Tân, sau 12 năm, UBND huyện đã ra quyết định
thu hồi toàn bộ diện tích trên, không bồi thường cho gia đình. Gia đình
đã có nguyện vọng được giao lại để tiếp tục canh tác nhưng không được
chấp nhận. "Thu hồi đất về, xã đã giao cho một số người quản lý trong
vòng 3 năm rồi tổ chức đấu thầu. Lúc đó gia đình cũng bỏ thầu nhưng bị
thua", anh Tân rầu rĩ.
Anh Tân (con trai ông Thảo, ngồi giữa) cùng những người thân nhớ lại vụ cưỡng chế 4 năm trước. Ảnh: Thái Thịnh. |
Ông Lê Quang Vinh, chú của anh Tân cho biết: "Nếu nhà
nước lấy diện tích trên làm các công trình quốc gia thì gia đình sẵn
sàng trả lại. Nhưng họ lấy lại để đi đấu thầu mà không ưu tiên cho gia
đình chúng tôi, những người đi khai phá khu đầm này đầu tiên thì không
hợp lý", ông Vinh nói.
Sau nhiều lần làm đơn khiếu nại các cấp, năm 2006, Phó
giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Hải Phòng lúc đó là ông Nguyễn Quan
Hoài đã có văn bản kiến nghị lên UBND thành phố với nội dung: "Khi hết
thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, thuê đất
nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai
trong quá trình sử dụng và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
đai đã được duyệt..", nên ưu tiên giao đất, thuê đất cho ông Lê Đình
Thảo nếu có nhu cầu sử dụng tiếp. Tuy nhiên, văn bản này không được UBND
huyện Tiên Lãng thực hiện.
Trước quyết định thu hồi của
huyện, gia đình ông Lê Đình Thảo đã kiện ra tòa hành chính từ cấp huyện
lên cấp tối cao. Theo đại diện gia đình, đáng nhẽ ra, sau khi Luật đất
đai 1993 ra đời, huyện Tiên Lãng phải điều chỉnh thời hạn giao đất lên
20 năm như quy định, song huyện đã không thực hiện. Đây là căn cứ để gia
đình chủ đầm này khởi kiện.
Theo ông Đặng Hùng Võ, Luật đất đai năm 1993 quy định thời hạn giao đất là 20 năm, còn Luật đất đai 1987 không quy định thời hạn này. Vì vậy, nếu UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho người dân trước khi Luật đất đai 1993 có hiệu lực thì sau đó cần phải điều chỉnh thời hạn giao đất lên 20 năm như luật định. |
Theo ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện
Tiên Lãng, cả 3 cấp xét xử đều khẳng định quyết định thu hồi đất không
bồi thường của huyện là đúng. Viện KSND Tối cao từng có văn bản kháng
nghị đối với bản án phúc thẩm nhưng bị bác bỏ
Ròng rã vác đơn đi kiện, một thời gian ngắn sau khi
khu đầm bị thu hồi, ông Thảo qua đời. Anh Tân phân trần, không chỉ bị
thu hồi 70 ha đất bãi triều ven sông khu vực Gảnh Chè, gia đình đã đầu
tư nuôi thả thủy sản trên vùng này nhưng đến khi cưỡng chế chưa kịp thu
hoạch. "Bố tôi giờ cũng đã mất rồi. Giờ gia đình chỉ có nguyện vọng là
chính quyền giao lại đất để tiếp tục sản xuất để trả nợ. Ngoài ra việc
đền bù trong quá trình cưỡng chế cũng phải được tính toán cho phù hợp",
anh Tân nói.
Theo lời anh Tân, vài ngày trước đó, một số công an
thành phố và huyện đã tới nhà anh. Họ đặt ra các câu hỏi việc thu hồi
của huyện gia đình có nhận được bồi thường không? Tài sản của gia đình
bị mất mát sau buổi cưỡng chế là gì và khi xã tổ chức đấu thầu, gia đình
có tham gia bỏ thầu không?
Trao đổi với VnExpress
ông Lương Văn Trong, Phó chủ tịch Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước
lợ huyện Tiên Lãng cho biết, 4 năm trước, khi diễn ra vụ cưỡng chế khu
đầm của gia đình ông Thảo, số lượng người kéo đến đầm hôm đó đông không
kém so với lượng kéo đến nhà ông Vươn sáng 5/1. "Tuy nhiên, gia đình ông
Thảo đã tuân theo những bản án đã kết luận của tòa trước đó và không có
bất cứ sự chống đối hay phản kháng nào", ông Trong nhớ lại.
Theo ông Trong sau khi xảy ra vụ cưỡng chế, tài sản
trên diện tích 70 ha của ông Thảo đã bị nhiều người đến "hôi của". Sau
đó chính quyền giao cho một số hộ dân quản lý vài năm thì mảnh đất trên
cũng được đưa ra đấu giá.
Anh Tân chỉ về cánh đồng rộng 70 ha mà gia đình đã làm nhiều năm trước đó. Ảnh: Thái Thịnh. |
Vị Phó chủ tịch Liên chi hội đại
diện cho hàng chục hộ đầm đang nuôi thủy sản ở huyện Tiên Lãng cho
rằng, nếu đúng 70ha của gia đình ông Thảo thuộc diện đất nông nghiệp
(nếu đóng thuế đất nông nghiệp) thì các cơ quan chức năng khi lấy lại
phải bồi thường. Quan trọng hơn khi chủ đầm đã bỏ nhiều công sức ra để
khai hóa đầm trên thì khi hết hạn thì phải ưu tiên cho họ tiếp tục canh
tác.
"Xét về Luật đất đai nếu là đất nông nghiệp thì phải 20 năm chứ không như ký kết 12 năm", ông Trong nhận định.
Trong khi đó, với trường hợp đầm tôm của chủ đầm Nguyễn Thế Đọc
(trú xã Nam Hưng), vụ cưỡng chế của huyện Tiên Lãng đã bất thành. Đầu
năm 1998, UBND huyện ký quyết định cho hộ ông Đọc thuê 30 ha đất đầm bãi
nuôi trồng thủy sản tại khu vực xã Đông Hưng - Tây Hưng.
Thời hạn cho thuê đất của ông Đọc là tới hết 2005
nhưng huyện đã thu hồi trước hạn bằng quyết định thu hồi toàn bộ diện
tích đầm bãi này của gia đình ông. Do thời hạn thuê chưa hết, quyết định
thu hồi ghi rõ "không đền bù", ông Đọc không bàn giao. Ngay sau đó, ông
Đọc viết đơn kiến nghị đề nghị huyện tiếp tục cho thuê đất khi chưa hết
hạn sử dụng, đơn xin được nộp thuế để được giao đất...
Tuy nhiên, UBND huyện vẫn không đồng tình. Sau rất
nhiều đơn thư kiến nghị ông Đọc gửi lên nhưng không được huyện giải
quyết. Đến ngày 18/7/2008, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ông Lê Văn
Hiền mời ông Đọc lên trụ sở huyện làm việc và khẳng định sẽ thực hiện
cưỡng chế nếu gia đình không bàn giao đầm.
"Sáng 22/8/2008, tôi thấy đài truyền thanh của xã đọc
nội dung thông báo huyện sắp cưỡng chế thu hồi đất của gia đình mình.
Một ngày sau, cả trăm dân quân, tự vệ, công an viên, lực lượng liên
ngành của bốn xã và từ huyện kéo xuống đầm nhà tôi", ông Đọc nhớ lại.
Tuy nhiên, theo chủ đầm này, khi máy xúc được điều đến
để phá đầm, gia đình ông đã huy động gần 50 người ra, quyết làm làm
căng, yêu cầu lập biên bản về việc tại sao phá đầm. "Biên bản lập xong,
có chữ ký của đầy đủ các ban ngành. Sau khi lập, lực lượng thực hiện
cưỡng chế cũng tự rút", ông Đọc nói. Song, cũng từ đó đến nay, 30 ha đầm
bãi của gia đình ông chỉ sản xuất ở dạng cầm chừng, huyện không thu hồi
và gia đình ông cũng không dám đầu tư nuôi trồng thủy sản.
Nhiều năm nay, sản xuất tại các đầm bãi vốn màu mỡ bị đình trệ vì các quyết định thu hồi và dừng đầu tư của huyện Tiên Lãng. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Hơn chục chủ đầm cũng thuộc diện bị thu hồi như gia
đình ông Đọc (tại xã Đông Hưng và Tây Hưng). Tất cả luôn sống trong tâm
lý hoang mang, lo lắng và chỉ biết viết đơn kiến nghị tập thể xin gia
hạn cho thuê đầm bãi. Khi UBND huyện bác đơn, các chủ đầm viết đơn kiện
vụ án hành chính ra TAND huyện Tiên Lãng.
"Chúng tôi xin thuê tiếp, xin được nộp thuế nhưng
không được huyện giải quyết. Huyện thu hồi nhưng không đền bù", ông Đọc
kiên quyết.
Trước khi có kết luận của Thủ tướng ngày 10/2, trao đổi với VnExpress,
ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng huyện Tiên Lãng luôn nhắc đến câu
chuyện về việc thu hồi đất của gia đình ông Lê Đình Thảo như một ví dụ
điển hình về chính sách "đúng đắn" của huyện. Ông Khánh cho rằng, đó là
chính sách mang lại hiệu quả, vì sau khi thu hồi diện tích đất trên của
ông Thảo, xã đã tổ chức đấu giá cho các hộ dân, thu được nguồn ngân sách
rất lớn cho xã.
Thái Thịnh - Nguyễn Hưng