- Shin-Etsu Chemical, công ty hóa chất lớn nhất Nhật Bản sẽ đầu tư 2 tỷ yên để xây dựng nhà máy phân loại và tinh chế đất hiếm trên diện tích 80.000m2 tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng).
Nhà máy này sẽ thu hồi và tái chế kim loại đất hiếm lấy từ nam châm đã qua sử dụng và tinh lọc các thành phần kim loại đất hiếm có trong bột thải ra từ quá trình sản xuất nam châm. Tiến tới, nhà máy sẽ phân loại và tinh chế đất hiếm từ nguồn nguyên liệu thô được khai thác tại các mỏ đất hiếm trên khắp thế giới.
Công suất ban đầu khi nhà máy đi vào hoạt động (tháng 2/2013) là 1.000 tấn/năm.
Shin-Etsu cũng đầu tư 3 tỷ yên để xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu silicon dùng trong sản xuất đèn LED trên diện tích đất 50.000m2 tại Khu công nghiệp Thăng Long 2 (Hưng Yên). Nhà máy này dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 3/2013.
Quyết định đầu tư của Shin-Etsu là một bước hiện thực hóa mối quan tâm của chính phủ và các công ty Nhật Bản đối với nguồn tài nguyên đất hiếm và thị trường lao động ở Việt Nam. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan trong chuyến thăm của người đứng đầu Chính phủ Nhật tới Việt Nam, tháng 10/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị hai nước thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực, trong đó có khai thác đất hiếm.
Cuối tháng 10/2011, báo Nikkei đưa tin hai tập đoàn Toyota Tsusho và Sojitz của Nhật sẽ thành lập liên doanh với công ty Lavreco (Việt Nam) để khai thác đất hiếm ở Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí và Kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) có thể sẽ đầu tư vào liên doanh này.
Bài báo cũng cho biết việc sản xuất đất hiếm dự kiến được triển khai vào năm 2013, với sản lượng ban đầu 3.000 tấn và tăng lên 4.000 tấn vào năm 2014. Liên doanh này đặt mục tiêu cung cấp 20% nhu cầu đất hiếm cho Nhật Bản.
Đất hiếm là nguồn nguyên liệu cho nhiều ngành công nghệ cao. Theo dự báo của Sojitz, nhu cầu đất hiếm của Nhật Bản tăng khoảng 10%/năm.
H.T (Tổng hợp)