‘Vi phạm nghiêm trọng trong vụ xử 3 thanh niên án hiếp dâm’
08/12/2011
Anh Thư
Theo: VnExpress
“Những sai sót, vi phạm là do việc nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ của những người được phân công trực tiếp xử vụ án”, ông Lê Hữu Thể, Viện phó VKSND Tối cao trả lời VnExpress.net về vụ 3 thanh niên được ‘giải oan’ sau 10 năm tù vì tội hiếp dâm.
3 thanh niên được ‘giải oan’ sau 10 năm tù vì tội hiếp dâm
Nữ bác sĩ đi tìm công lý cho 3 thanh niên bị án hiếp dâm
- Nhìn lại vụ án 3 thanh niên bị kết án hiếp dâm và cướp tài sản ở Hà Đông, VKSND Tối cao đã vạch ra 9 sai sót trong quá trình tố tụng. Theo ông, đâu là sai sót nghiêm trọng nhất?
- Vụ án này xảy ra cách đây 10 năm, đã được truy tố, xét xử qua 2 cấp và bản án có hiệu lực pháp luật, các bị án đã thi hành án được gần 10 năm.
Vừa qua VKSND Tối cao đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, theo hướng đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tuyên các bị cáo không phạm tội hiếp dâm và cướp tài sản.
Kháng nghị của VKS Tối cao đã nêu ra 9 sai sót trong quá trình tố tụng. Các sai sót nêu ra đều rất quan trọng, là cơ sở để VKS Tối cao kháng nghị. Điều cần nhấn mạnh là quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc và quy định cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự.
- Nhiều người cho rằng đây không phải là vụ án quá khó, có nhiều tình tiết phức tạp để có thể dẫn đến sai sót trong quá trình điều tra. Ông nhận xét gì về ý kiến này?
- Đây không phải là vụ án quá khó, vì người bị hại đã nhận diện được đặc điểm của những kẻ gây án. Hung khí gây án cũng được xác định.
Người bị hại đã giữ lại được vật chứng mà thủ phạm bỏ lại hiện trường, trình báo và giao nộp ngay cho cơ quan điều tra. Dấu vết của tội phạm (dấu vết sinh học) đang còn để lại trên người nạn nhân bị hiếp dâm. Có nhiều nhân chứng xác định sự ngoại phạm của các bị cáo…
Nếu quá trình điều tra tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khám nghiệm hiện trường, thu giữ và nhận dạng vật chứng, nhận dạng người, lấy lời khai các nhân chứng thì sẽ không có những sai phạm như kháng nghị đã nêu.
Ông Lê Hữu Thể, Viện phó VKSND Tối cao. Ảnh: Anh Thư
- Trong bản kháng nghị đã nêu rõ 3 thanh niên không phạm tội hiếp dâm, cướp tài sản, tuy nhiên, nhưng trong hồ sơ vụ án, họ lại nhận tội. Ông đánh giá thế nào về tố cáo của 3 thanh niên rằng họ bị cảnh sát ép cung?
- Trong quá trình điều tra, lời nhận tội của các bị cáo có nhiều mâu thuẫn với các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, nhất là với lời khai của người bị hại về hiện trường vụ án, hung khí, diễn biến hành vi phạm tội của từng bị cáo, nhận dạng bị cáo…
Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo có khai việc bị cán bộ điều tra ép cung trong quá trình điều tra, nhưng không được xem xét, xác minh, kết luận. Việc các bị cáo có bị ép cung, nhục hình hay không, VKSND Tối cao sẽ tiếp tục xác minh làm rõ và có kết luận cụ thể.
- Tại phiên tòa, nhiều nhân chứng đã xác nhận bằng chứng ngoại phạm của 3 thanh niên. Ông đánh giá thế nào về việc cơ quan xét xử không quan tâm đến những lời khai của các nhân chứng?
- Tại các phiên tòa xét xử, những bằng chứng ngoại phạm của các bị cáo chưa được Hội đồng xét xử quan tâm xem xét đúng mức là vi phạm nguyên tắc xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Trong Bộ luật nêu rõ, việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phải toàn diện, đầy đủ và khách quan, phải xem xét các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội. Chính vì vậy, hai cấp tòa án đã ra bản án chưa phản ánh đúng diễn biến khách quan của vụ án.
- Hiện nay, sau khi lật lại hồ sơ, nhiều sai sót trong quá trình điều tra của cảnh sát đã được làm rõ. Việc 2 cấp xét xử không nhận ra được những sai sót của cơ quan điều tra cho thấy điều gì?
- Trong vụ án này, các sai sót xảy ra ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố. Khi xét xử, tòa án đã không xem xét, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng, toàn diện, khách quan các tài liệu có trong hồ sơ vụ án dẫn tới việc ra một bản án không phù hợp với diễn biến khách quan của vụ án.
Những sai sót, vi phạm trên là do việc nghiên cứu hồ sơ vụ án chưa kỹ của những người được phân công trực tiếp xử lý vụ án này.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của đại diện VKS tại 2 phiên tòa?
- Trách nhiệm của kiểm sát viên không chỉ tại phiên tòa mà ngay trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án. Suốt quá trình điều tra, kiểm sát viên đã không phát hiện những vi phạm, thiếu sót của cơ quan điều tra trong việc thu giữ, nhận dạng vật chứng, khám nghiệm hiện trường để yêu cầu khắc phục.
Tại cả hai phiên tòa xét xử, những vi phạm, thiếu sót của hội đồng xét xử cũng có trách nhiệm của kiểm sát viên, vì đã không thực hiện hết trách nhiệm mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định.
Nguyễn Đình Tình (áo trắng, bên trái), Nguyễn Đình Kiên (Lợi), Nguyễn Đình Kiên đang kể cho phóng viên về diễn biến vụ việc. Ảnh: Anh Thư.
- Với những diễn biến vụ án như hiện nay, các cơ quan chức năng cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi về kinh tế, nhân phẩm cho 3 thanh niên nói trên?
- Việc cần thiết làm ngay lúc này là nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử để có cơ sở pháp lý phục hồi các quyền công dân cho 3 thanh niên và giải quyết các quyền lợi hợp pháp cho họ theo đúng quy định của pháp luật.
- Thưa ông, trong trường hợp Tòa tối cáo bác kháng nghị giám đốc thẩm, không tuyên vô tội đối với 3 thanh niên trên, VKS Tối cao sẽ có những động thái gì tiếp theo?
- Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm và sự công tâm, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm sẽ có quyết định đúng đắn, khách quan, công bằng và thuyết phục.
Anh Thư thực hiện