Lượng người đến giao dịch hôm nay đông hơn tại Hội sở chính của Ngân hàng cổ phần Sài Gòn, một trong ba ngân hàng đầu tiên được hợp nhất. Tuy nhiên, các yêu cầu rút tiền mặt đều được đáp ứng. |
Rất đông khách hàng đến giao dịch tại hội sở SCB lúc 10h30 sáng nay. Ảnh: Lệ Thanh |
Do số lượng người đến rút tiền nhiều nên thời gian chờ đợi lâu. Bà Thanh, một khách hàng đến rút tiền cho biết đến từ lúc 8h sáng nhưng 2 tiếng sau mới đến lượt. Bà cho biết, tuy cũng tin rằng tại Việt Nam sẽ không có chuyện ngân hàng bị đổ bể, song vì gửi hơn một tỷ đồng nên vẫn hơi hoang mang. "Nay sẵn dịp đến hạn, tôi quyết định rút tiền gửi sang nơi khác cho yên tâm. Chờ thời gian ba nhà băng hợp nhất này đi vào ổn định sẽ gửi lại", bà nói.
Trong khi đó, anh Thanh, một khách hàng cũng đến rút tiền chia sẻ: "Tuy chúng tôi biết ba ngân hàng này hợp nhất có sự hỗ trợ của BIDV để phát triển mạnh lên. Nhưng điều tôi băn khăn là khi họ hợp nhất thành một ngân hàng mới thì tất cả sổ tiết kiệm của chúng tôi sẽ được giải quyết ra sao? Tên sẽ là của ngân hàng nào? Nếu có khiếu nại gì thì ai sẽ chịu trách nhiệm?...". Vì những lý do này, anh chấp nhận chịu lãi không kỳ hạn, rút trước hạn.
Trong dòng người đến rút tiền sáng nay tại SCB, một số sau khi được nhân viên giải thích về quyền lợi khách hàng sẽ được đảm bảo đã quyết định ra về và không rút tiền nữa. "Tôi gửi 200 triệu đồng tại SCB, kỳ hạn một tháng. Hôm qua nghe tin hợp nhất cũng hơi lo nên sáng nay đến xem sao. Nhưng sau khi nghe nhân viên giải thích, tôi cảm thấy yên tâm hơn nên không rút nữa", bà Mai nhà quận 3 nói.
* Clip: Hoạt động ngân hàng chiều ngày 7/12 |
Một số trường hợp đến đáo hạn nhưng tiếp tục gửi tiền lại ngân hàng. Chị Mỹ Dung, một khách hàng tại quận 1, TP HCM cho biết, hôm nay số tiền 2 tỷ đồng của chị đến hạn tất toán và chị quyết định gửi lại SCB số tiền này. "Ngân hàng đã cam kết quyền lợi của người gửi tiền vẫn được đảm bảo. Hơn nữa ba nhà băng này có BIDV hỗ trợ toàn diện để phát triển thì không có lý do gì để phải lo. Do đó, tôi quyết định gửi lại số tiền này", chị Dung nói.
Sự "đông đúc" khách hàng đến giao dịch chủ yếu chỉ diễn ra tại hội sở SCB, còn các chi nhánh và phòng giao dịch khác của nhà băng này trong buổi sáng khá vắng. Các ngân hàng như Đệ Nhất, Tín Nghĩa cũng chung tình trạng. Lúc 9h, khách đến chi nhánh Tín Nghĩa Bank tại đường 3/2 chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Người dân đến giao dịch tại SCB Hà Nội vào đầu giờ chiều. Theo nhân viên giao dịch, có một số khách đến rút trước hạn, nhưng không có chuyện "ồ ạt" như tin đồn. Ảnh: Tuệ Minh. |
Tại Hà Nội, ghi nhận chung tại phòng giao dịch của 3 ngân hàng nói trên, lượng khách có phần vắng hơn so với hôm qua. Tại Tín Nghĩa Bank trên phố Cầu Giấy, lúc hơn 15h, không có khách, ba nhân viên ngồi nói chuyện với nhau. Một trong số này tiết lộ, buổi sáng, chỉ lác đác vài khách hàng đến làm lại sổ gửi tiền. Còn ở Ficombank trên phố Đội Cấn, lúc hơn 14h, nhân viên đang ngồi hướng dẫn khách đến làm lại sổ tiết kiệm. Không có cảnh người dân ùn ùn đến rút tiền về như một số tin đồn.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở chi nhánh Hà Nội SCB trên phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Nhân viên cho hay, buổi sáng, mọi giao dịch vẫn diễn ra bình thường. "Cũng có một số khách đến rút tiền, song hầu hết đúng hạn. Vài khách đến rút trước hạn, nhưng số tiền không lớn, cao nhất cũng chỉ hơn 100 triệu đồng", một nhân viên tiết lộ. Đến đầu giờ chiều, có lác đác khách đến giao dịch tại đây. Những người đến tất toán sổ đều được thanh toán đầy đủ gốc, lãi. "Có thể là cuối năm, nhu cầu chi tiêu mạnh hơn, nên có một số người không gửi tiền nữa", nhân viên SCB cho biết.
Còn tại phòng giao dịch Cầu Giấy, nơi một vị khách nằng nặc đòi rút 420 triệu đồng vào chiều qua, nhân viên thông tin, tin đồn người dân ồ ạt rút tiền ở SCB là ác ý. Chị cho hay, thực tế, từ sáng 6/12 đến hôm nay, có rất nhiều khách đến hỏi về việc ngân hàng hợp nhất. Cũng có một số đề cập chuyện rút tiền, song không có chuyện "ồ ạt", chị nói. "Những người rút tiền, hầu hết là đến hạn, chỉ có 1 - 2 trường hợp rút trước hạn vì có việc cần, chứ không phải do nghe thông tin hợp nhất mà lo sợ", chị này khẳng định.
Bà Chính, một khách hàng đến rút tiền tại đây lúc 14h chiều 7/12 cho biết, chấp nhận lãi suất không kỳ hạn, bà phải rút về vì nhà có việc cần dùng. "Tôi cũng có nghe thông tin về hợp nhất 3 ngân hàng làm một, nhưng cụ thể thế nào, tôi không biết. Cần tiền tiêu nên tôi đến rút, chứ không phải do lo lắng về chuyện này", khách hàng này bày tỏ. Cũng như bà Chính, chị Hồng, một khách hàng đến tất toán sổ đến hạn vào buổi chiều hôm nay chia sẻ, định gửi tiếp, nhưng định mua xe máy cho cô con gái, nên chị rút 100 triệu đang gửi tại nhà băng này.
Trước những băn khoăn của người gửi tiền về quyền lợi "hậu" hợp nhất ngân hàng, đại diện SCB cũng nhấn mạnh, quyền lợi của khách gửi tiền tại SCB sẽ không có thay đổi gì so với hiện tại. Tất cả sổ tiết kiệm của người gửi tiền tại nhà băng sẽ được chuyển sang tên của nhà băng hợp nhất. Khi đó, mọi vướng mắc, phát sinh, quyền lợi... vẫn được ngân hàng hợp nhất đảm bảo như cũ.
"Chúng ta hãy hình dung việc này như chuyện đang sở hữu một căn nhà. Khi nhà của mình thay đổi từ số nhà mới sang số nhà cũ thì nó vẫn là nhà của mình. Tất cả quyền lợi đều không có gì thay đổi cả", vị đại diện SCB ví von.
Trong buổi trao đổi báo chí hôm qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn cũng giải thích rõ, khi hợp nhất, ba ngân hàng này sẽ có một tên mới. Tên mới sẽ có sau khi ban trù bị của các nhà băng chọn lựa và đưa ra trước ngày 25/12 năm nay để báo cáo Ngân hàng Nhà nước và tiến hành xây dựng điều lệ hợp nhất. Sau đó, Thống đốc sẽ chuẩn y điều lệ và công nhận tên gọi mới.
Các văn tự, tài liệu liên quan đến 3 ngân hàng này đều được thực hiện nghĩa vụ nợ, nghĩa vụ có tại ngân hàng hợp nhất. Trong vòng 3 năm, ngân hàng hợp nhất sẽ hoạt động bình thường và phát triển cạnh tranh với các ngân hàng khác.
Lệ Thanh - Tuệ Minh