Tự do tôn giáo - nói và làm
Khánh An, phóng viên RFA
2011-12-05
Chương trình Cafe Wifi hôm nay sẽ nói về đề tài “Tự do tôn giáo tại Việt Nam”.
Đây là một đề tài lớn và ngay trong thời điểm này có nhiều vấn đề, nhiều sự kiện đang xảy ra mà có liên quan đến lãnh vực tự do tôn giáo. Chính vì vậy mà Cafe Wifi hôm nay hân hạnh được mời 4 người, đại diện cho 4 tôn giáo – có thể nói như vậy, có một bạn không hẳn là theo một tôn giáo nhưng mà mình tạm gọi như thế nhé. Và hôm nay, để bắt đầu chương trình, Khánh An xin mời các bạn tự giới thiệu tên của mình, bạn thuộc tôn giáo nào, và bạn đang sống ở đâu, được không ạ?
Các tham dự viên cùng lên tiếng: Vâng. Dạ được ạ.
Hùng: Tôi xin tự giới thiệu với mọi người, mình tên là Hùng. Hiện tại mình theo đạo Thiên Chúa Giáo, bây giờ mình đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Thầy Chơn Minh: A Di Đà Phật! Tôi là Thích Chơn Minh, là tu sĩ của Phật Giáo, đang sinh hoạt trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và đến từ Cà Mau.
Tiến: Dạ. Em là Tiến, một học viên Pháp Luân Công. Em đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM.
Hiếu: Em tên là Hiếu. Hiện nay em đang là sinh viên của một trường Kinh Thánh bên Tin Lành. Em đang sống tại TP.HCM.
Khánh An: Vâng. Một lần nữa Khánh An rất hân hạnh được đón tiếp tất cả các bạn. Để bắt đầu chương trình, vì mình nói đến đề tài “Tự do tôn giáo ở Việt Nam”, qua tìm hiểu thì Khánh An biết được những quan điểm cơ bản về tự do tôn giáo của Đảng & Nhà Nước Việt Nam, thì họ cho rằng có những vấn đề về quan điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, Nhà Nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, theo như quy định của pháp luật.
Thứ hai là chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc.
Thứ ba là tôn trọng và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo.
Thứ tư là động viên các chức sắc, tín đồ, các tổ chức tôn giáo “sống tốt đời đẹp đạo”, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Thứ năm là quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật.
Và cuối cùng là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng trong giai đoạn mới của đất nước.
Đây là những quan điểm cơ bản mà chính phủ Việt Nam đã đưa ra trong Văn Kiện Đại Hội XI, và như thế thì có thể nói là những quan điểm mới nhất đã được Đảng & Nhà Nước Việt Nam đưa ra. Thế thì trên đây là những quan điểm về mặt lý thuyết. Bây giờ chúng ta có thể nói về tình hình thực tế. Chính các bạn là những người từ những tôn giáo khác nhau, các bạn có thể chia sẻ về thực tế mà các bạn nhìn thấy. Quan điểm trên lý thuyết của Đảng & Nhà Nước Việt Nam có được thể hiện đúng như trên thực tế hay không?
Thẳng tay đàn áp
Hiếu: Dạ. Em là Hiếu, sinh viên trường Kinh Thánh, em có ý kiến như thế này. Hiện tượng tôn giáo Việt Nam hiện nay thì chính quyền họ đang cố gắng ra sức để họ kiểm soát và khống chế cái quyền tự do tôn giáo. Chính quyền Việt Nam tuyên bố trong hiến pháp cũng như trong thực tế là họ luôn luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo nhưng họ bất chấp những dữ kiện, những điều thực tế cho thấy là họ đã vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách rất là rõ ràng, không thể phủ nhận.
Ví dụ gần đây nhất là câu chuyện giáo xứ Thái Hà mà em nghĩ là mọi người cũng đã biết rồi, đúng không ạ? Còn chính quyền thì mới hôm 15 tháng 10 vừa qua họ đã sỉ nhục cái niềm tin tôn giáo của nhân dân ở miền núi, ở miền Tây Nguyên, tức là ở huyện Sa Thầy, Kontum, ở đó họ ngang nhiên đập phá thập tự giá ở 4 nhà nguyện của những người sắc tộc ở Tây Nguyên. Đồng bào rất là bức xúc nhưng họ không biết tìm ai, không biết dựa vào đâu để đòi lại sự công bằng cho họ.
Phía chính quyền thì buộc tội họ là bị xúi giục và chính quyền mua chuộc những người giống như là xã hội đen đến quậy phá những điểm nhóm, những nhà thờ. Cụ thể là nhà thờ Con Cuông ở Nghệ An thì qua các trang báo, các trang web thì mọi người cũng đã biết. Năm ngoái thì họ đã đập phá và cướp nhà nguyện của Hội Thánh Mennonite ở Quận 2 và họ đánh đập sinh viên ở đó, kể cả mục sư ở đó là MS.
Nguyễn Hồng Quang bị bọn chúng đánh ngất xỉu và quăng lên xe y như quăng một con thú. Ở Việt Nam hiện nay họ cho những tôn giáo dạng quốc doanh có lợi cho họ về nhiều mặt, như mặt ngoại giao quốc tế, thì họ cho tồn tại nhưng họ kiềm hãm, không cho phát triển. Nhưng họ thẳng tay đàn áp, thậm chí san bằng những nhóm tôn giáo nào mà họ nghi là có thể chống lại họ.
Ước nguyện của chúng tôi là người dân Việt Nam có theo tôn giáo mong muốn những tổ chức quốc tế hay là các nước trên thế giới có một động thái hay tiếng nói nào đó để chính quyền Việt Nam trả lại cho chúng tôi những quyền tự do căn bản của con người, trong đó có tự do tín ngưỡng tôn giáo và quyền tự do mưu cầu hạnh phúc giống như Điều 70 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và Điều 43 của Bộ Luật Dân Sự, cũng như là Chỉ thị 01/205 của TT/CP.
Khánh An: Vâng. Còn những bạn thì sao? Bạn có cảm thấy là quan điểm của chính phủ, của nhà nước Việt Nam có được thể hiện đúng như trên thực tế mà trong sinh hoạt tôn giáo của bạn, bạn thấy hay không?
Tiến: Dạ vâng. Em là Tiến. Em có một số lời chia sẻ.
Khánh An: Vâng. Mời Tiến.
Tiến: Như em thấy bạn Hiếu chia sẻ như vậy thì phải nói thật rất là cảm thông với hoàn cảnh của những tôn giáo khác. Hồi nãy lúc đầu chị Khánh An có nói là có một bạn không hẳn nằm trong một tôn giáo thì em đây em cũng muốn nói với mọi người rằng em là một học viên Pháp Luân Công. Pháp Luân Công chỉ là một môn khí công tu luyện thôi. Môn này không có tôn giáo, không tổ chức, phi chính trị. Nói chung đây không phải là một tôn giáo gì cả, chỉ là một môn khí công tu luyện. Đối với môn tập của chúng em, vì môn này là một môn tu luyện cả trong lẫn ngoài, chủ yếu mình tu theo Chân-Thiện-Nhẫn và tập luyện động tác để cho cơ thể khỏe mạnh, rất nhiều người trên toàn thế giới người ta tập môn này nhiều lắm, bởi vì nó mang lại cho người ta cả trong lẫn ngoài trạng thái an hòa vui vẻ.
Những tôn giáo dạng quốc doanh có lợi cho họ về nhiều mặt thì họ cho tồn tại nhưng không cho phát triển, và họ thẳng tay đàn áp, thậm chí san bằng những nhóm tôn giáo nào mà họ nghi là có thể chống lại họ.
Đối với các học viên Pháp Luân Công ở Việt Nam, tình huống có khó khăn hơn so với nước ngoài một chút, đó là bởi vì Pháp Luân Công tuy rằng phổ biến trên 100 quốc gia nhưng lại bị đàn áp ở chính quê hương của Pháp Luân Công, đó chính là Trung Quốc. Chỉ trong vòng 7 năm, từ 1992 đến 1999, có trên 100 triệu người tập, con số này lớn quá. Và do thể chế đảng của Trung Quốc rất đặc thù cho nên họ mở chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công theo tư duy của họ, khi họ nghĩ rằng Pháp Luân Công “giành dân với đảng”. Bởi vì các học viên Pháp Luân Công với nhau cho nên là toàn thể các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới muốn nói rõ ra sự thật là cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc cho mọi người dân trên thế giới được biết, từ đó nhằm chung tay lên tiếng nói để cho Trung Quốc chấm dứt việc đàn áp Pháp Luân Công.
Nhưng ở Việt Nam thì Việt Nam với Trung Quốc vốn là hai nước khá thân thiết với nhau từ xưa tới nay, cho nên chính phủ Trung Quốc muốn gây áp lực với chính phủ Việt Nam là không nên phổ biến Pháp Luân Công ở Việt Nam. Vì thế khi học viên Pháp Luân Công ở Việt Nam nói rõ sự thật cho mọi người dân thì chính quyền Việt Nam họ bắt bớ, họ gây áp lực đối với các học viên Việt Nam rất nhiều. Giả sử trước đây một nhóm học viên Pháp Luân Công ra công viên tập thì họ (chính quyền) lấy cớ không được phép tụ tập quá 5 người để rồi họ giải tán. Họ không cho mặc áo Pháp Luân Công để tập luyện. Nói chung là họ tìm đủ mọi cách để cho các học viên Pháp Luân Công không có cớ hội nói rõ sự thật về tình hình bị đàn áp ở Trung Quốc.
Nói một đằng làm một nẻo
Khánh An: Vâng. Cảm ơn Tiến đã chia sẻ về tình hình của những học viên Pháp Luân Công. Bây giờ không biết hai bạn còn lại có ý kiến gì không ạ?
Tu sĩ và giáo dân giáo xứ Thái Hà biểu tình trước UBND TP. Hà Nội sáng 18/11/2011. RFA photo
Hùng: Vâng. Con xin phép thầy nhé. Con xin phép thầy cho con có đôi lời trước thầy nhé.
Qua những lời của bạn Tiến và Hiếu ở hai tôn giáo khác nhau, đấy là Tin Lành và một bên không phải là tôn giáo mà có một phần là tôn giáo – tức là Pháp Luân Công, thì em rất là đồng cảm với những khó khăn đó. Còn bên em thì là một người theo đạo Thiên Chúa Giáo, về mặt lý thuyết thì các điều khoản về pháp luật thì rõ ràng tôn giáo ở Việt Nam được tôn trọng, được bảo hộ bởi pháp luật, cụ thể là Điều 70 của Hiến Pháp, của Pháp Lệnh về Tự Do Tín Ngưỡng Tôn Giáo, nhưng trên thực tế em thấy thì thực sự ở Việt Nam chưa hoàn toàn có tự do tôn giáo.
Các sự kiện điển hình thực tế trong thời gian vừa qua với các vụ việc xảy ra từ năm 2008 với vụ Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Đồng Chiêm, đến Tam Tòa, hay là gần đây nhất là vụ việc ở Thái Hà và gần hơn nữa là vụ việc vừa xảy ra ở giáo xứ Mỹ Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh), thì rõ ràng em thấy là ở đây có nhiều vấn đề về việc tự do tôn giáo, tự do sinh hoạt tôn giáo.
Mọi người đều biết vụ việc vừa rồi có một người dân phòng xông vào bàn thánh lễ ở Thái Hà lúc bấy giờ đang diễn ra một thánh lễ cho thiếu nhi vào chiều Chủ Nhật đấy. Việc một dân phòng xông lên như thế có sự bảo kê của lực lượng an ninh ở phía ngoài, cái hành vi phạm thánh như thế thì bản thân em là một người theo đạo thì em không thể chấp nhận việc đấy. Kết hợp với nhiều vụ việc vừa xảy ra thì em nghĩ là cái quyền tự do tôn giáo ờ Việt Nam còn bị hạn chế rất nhiều.
Khánh An: Vâng. Bây giờ thì chắc là Khánh An sẽ hỏi ý kiến của thầy Chơn Minh nhé. Không biết là ở phía bên Phật Giáo của thầy có những điều nào mà thấy thấy là nó không đúng với lý thuyết mà nhà nước – chính phủ Việt Nam đưa ra hay không?
Thầy Chơn Minh: Vâng. Đối với Phật Giáo thì có một số vấn đề, nhưng tại sao có một số người vẫn hỏi tại sao Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong thời gian gần đây khá im ắng trong vấn đề nói lên tiếng nói. Xin thưa rằng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ xưa tới giờ là giáo hội truyền thống mang tính cách truyền bá Phật Giáo, có lịch sử trên 2500 năm, đã mang Phật Giáo đi vào lòng từng dân tộc, từng quốc gia mà Phật Giáo đến.
Họ cho tôn giáo là thuốc phiện, nhưng họ đâu biết rằng chính tôn giáo là tinh thần dân tộc, là ngọn đuốc để giữ ấm tâm hồn của người con Việt đang còn bị giá lạnh ở bên ngoài bởi những chính sách hà khắc của chế độ.
Nhưng vì chế độ hà khắc của cộng sản mà Phật Giáo tại Trung Quốc, hoặc Phật Giáo tại Bắc Triều Tiên, hoặc Phật Giáo tại những nước độc tài ví dụ như Miến Điện và hiện giờ tại Việt Nam đây, là có một chính sách đàn áp dã man, nó mang tính chất vô thần dị biệt. Tôi có thể gọi như thế vì sao? Vì chính sách của đảng chỉ biết “còn đảng còn mình”, không cần biết đến các tôn giáo, vì sao? Vì họ cho tôn giáo là thuốc phiện, nhưng mà họ đâu biết rằng chính tôn giáo là tinh thần dân tộc, là sự chia sẻ, là ngọn đuốc để giữ ấm tâm hồn của người con Việt cũng như những con người đang còn bị giá lạnh ở bên ngoài bởi những chính sách hà khắc của các chế độ.
Khánh An: Vừa rồi là ý kiến của thầy Thích Chơn Minh, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Đã đến lúc chương trình Café Wifi phải tạm dừng rồi, Khánh An và các vị khách mời hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ sau để tiếp tục thảo luận về nguyên nhân tại sao lại có sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tế tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Khánh An mong nhận được sự tham gia và đóng góp ý kiến của quý vị qua email khanhan@rfa.org