THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 December 2011

'CSGT đang phải đối mặt với tác động tiêu cực từ tài xế' !

Chiều 8/12, tại phiên chất vấn, Phó giám đốc Công an TP HCM thừa nhận có tiêu cực trong ngành giao thông và "xin cử tri chia sẻ vì CSGT đang phải đối mặt với tác động tiêu cực của lái xe sẵn sàng dùng tiền mua chuộc".
> 'Giữ quá 100.000 đồng, có CSGT đã bị đuổi khỏi ngành' /'Quy định CSGT không mang quá 100.000 đồng là buồn cười' /Đà Nẵng từng bỏ quy định CSGT chỉ mang 50.000 đồng

Không báo cáo hoạt động như nhiều lãnh đạo khác, khi đăng đàn trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ 3 HĐND TP HCM, ông Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an thành phố đi thẳng vào câu hỏi của các đại biểu.
Phó giám đốc Công an TP HCM Phan Anh Minh trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc Thắng.
Phó giám đốc Công an TP HCM Phan Anh Minh trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc Thắng.
Trước bức xúc của đại biểu Cao Thanh Bình về thông tin "nhũng nhiễu" của công an giao thông trên các tuyến quốc lộ, đại tá Minh thừa nhận tiêu cực là có. "Công an thành phố sẽ làm phương pháp loại trừ, tuy nhiên trước mắt chưa loại trừ được, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm. Đó là những con sâu làm rầu nồi canh", đại tá Minh nhấn mạnh.
Vị Phó giám đốc ngành công an thành phố cho biết, trong năm 2011 có hơn 3.000 cảnh sát giao thông không nhận hối lộ. "Hình ảnh đẹp này không được ghi nhận mà hình ảnh CSGT không trong sạch thì nặng nề hơn", ông Minh nói.
Ông Minh cũng cho hay, ngay trong ngày 8/12 đã tạm đình chỉ công tác 2 CSGT của đội An Lạc. "Hai cảnh sát này vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó và không loại trừ bắt tạm giam nếu chứng minh có nhận hối lộ", ông Minh nói.
Để làm trong sạch lực lượng CSGT, đại tá Minh cho biết, đã yêu cầu chỉ huy phòng, chỉ huy đội phải công khai số điện thoại và sắp tới sẽ xây dựng cổng điện tử để tiếp nhận phản ánh, góp ý của người dân về tình trạng tiêu cực.
Đồng thời, công an thành phố cũng sẽ triển khai biện pháp bí mật, phát hiện vi phạm để xử lý và tiếp tục duy trì tổ thanh tra đặc nhiệm để giám sát các hoạt động của lực lượng này. "Xin các đại biểu và cử tri thành phố chia sẻ. Lực lượng CSGT đang phải đối mặt với tác động tiêu cực của nhiều lái xe sẵn sàng dùng tiền mua chuộc để bỏ qua vi phạm của mình", đại tá Minh nói.
Đại biểu HĐND chất vấn. Ảnh: Quốc Thắng.
Đại biểu HĐND chất vấn. Ảnh: Quốc Thắng.
Liên quan đến nạn đua xe, đại biểu Phạm Hiếu Nghĩa đặt câu hỏi, tại sao năm nào cũng ra quân quyết liệt nhưng vấn nạn đua xe vẫn còn?
Trả lời chất vấn, đại tá Phan Anh Minh cho biết, về cơ bản tình trạng đua xe lạng lách công an thành phố đã làm êm. Nhưng đến cuối năm 2010, tình hình xấu đi, do có quá nhiều người tham gia, thậm chí có đoàn đua lên tới hàng trăm xe. Thời gian những thanh niên này đua xe không cố định. Đường đua khi là đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7), khi lại cầu Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), thậm chí là những con đường mới hoàn thành.
Cho rằng việc bắt đua xe làm tổn hao lực lượng và chế tài chưa đủ mạnh, đại tá Minh cho biết sẽ thay đổi một số biện pháp. Thay vì bắt nhiều người một lúc thì công an thành phố sẽ chia cắt thành nhiều tốp, hóa trang đeo bám những tên cầm đầu, kích động đua xe; bắt tiệm sửa xe làm cam kết và triệt phá một số lò độ xe. "Chúng ta sử dụng nhiều giải pháp, nhưng không nghiêm. Công an đang lãng phí công sức, đêm nào cũng túc trực thâu đêm để canh đua xe", đại tá Minh nói.
Liên quan đến nạn rải đinh, nhiều đại biểu đặt vấn đề, tại sao Bình Dương và một số tỉnh thành bắt được và đưa ra xử lý hình sự nhưng TP HCM thì không làm được. "Ở Bình Dương có khác gì TP HCM mà thành phố không làm được như họ?", Trần Văn Thiện chất vấn.
Đại tá Phan Anh Minh cho biết đã trao đổi với công an Bình Dương để học hỏi kinh nghiệm xử lý. "Luật không quy định lấy tiền lệ phạt là cơ sở căn cứ để ra bản án. Không thể vì Bình Dương có một bản án như vậy mà tòa TP HCM căn cứ theo tỉnh bạn để xử theo", ông Minh nhấn mạnh.
Cũng theo đại tá Phan Anh Minh, trong năm 2011, mới phát hiện 3 vụ rải đinh trên địa bàn quận Thủ Đức. Tuy nhiên, chỉ có một vụ phạt hành chính, còn 2 vụ khác chưa đủ căn cứ để khởi tố tạm giam. "Công an thành phố chỉ đạo tạm thời để cho gia đình bảo lãnh chứ không phải cho qua. Chúng tôi sẽ để tiếp tục củng cố chứng cứ để xử lý hình sự. Chúng tôi chưa hề nói là không thể xử lý", ông Minh nhấn mạnh.
Đại biểu Quế Trân chất vấn. Ảnh: Quốc Thắng.
Đại biểu Quế Trân chất vấn. Ảnh: Quốc Thắng.
Theo ông, hiện nay các tuyến đường có nguy cơ rải đinh nằm trên địa bàn quận 2, quận 9, quận 12, Thủ Đức và Hóc Môn, ghi nhận có 316 điểm sửa chữa xe, nhưng chỉ có 19 điểm có đăng ký kinh doanh. "Những điểm còn lại hoạt động có tích chất thời vụ, lưu động. Người hành nghề cũng không phải là người địa phương. Một thời gian dài chúng ta không quản lý được và đó là nguy cơ gây ra đinh tặc", ông Minh nhận định.
Ngoài những vấn đề "nóng" mãi lộ, đua xe, đinh tặc... nhiều đại biểu HĐND còn chất vấn vị Phó giám đốc Công an thành phố về những tệ nạn xã hội khác. "Tình trạng cướp giật đang diễn ra khá phổ biến, trong đó có nhiều nạn nhân là khách du lịch, công an thành phố có biện pháp gì khắc phục?", đại biểu Từ Minh Thiện hỏi.
Đại tá Minh cho biết, trong thời gian qua xảy ra 67 vụ xâm hại tài sản người nước ngoài, trong đó hơn 50% là ở quận 1. Qua điều tra, hiện nay có nhiều băng nhóm người Philippines chuyên dụ dỗ khách du lịch đến Việt Nam đánh bạc gian lận rồi lừa đảo, cướp giật. Công an thành phố đã triệt phá 2 băng nhóm và trục xuất về nước.
Công an thành phố sẽ tổ chức một đội đặc biệt để xử lý những vụ gây án với người nước ngoài. Lực lượng này sẽ đóng chốt ở những giao lộ, những quán có nhiều du khách ăn uống, qua đường và sẽ tăng cường tuần tra ban đêm.
Tá Lâm - Hữu Công