Khách mua xe máy đắt tiền, cửa hàng Đức Cường (Lạng Sơn) sẽ thuê "cò" giúp làm bằng lái, tặng miễn phí và không cần phải đi thi.
> Mua nhà được tặng luôn BMW
> Dùng xăng làm hàng khuyến mại
> Xe 'đồng nát' giá hàng chục triệu đồng
Ngoài bán xe máy, cửa hàng (phố Ngô Quyền, phường Vĩnh
Trại, Lạng Sơn), còn kiêm thêm bán luôn giấy phép lái xe mô tô A1 cho
khách có nhu cầu. Giá mỗi bằng lái dao động từ 500.000 đồng đến 1,2
triệu đồng. Mức 1,2 -1,4 triệu đồng áp dụng đối với “bằng thẳng” (khách
không phải học và thi sát hạch) và 500.000 - 700.000 đồng với “bằng bao
luật” (khách không phải thi sát hạch lý thuyết, nhưng phải thi thực
hành).
Nếu khách mua xe đắt tiền, cửa hàng khuyến mại luôn
một bằng lái xe. Chỉ cần nộp chứng minh nhân dân, trong nửa tháng, người
mua có thể nhận bằng lái. Theo nhiều người dân tại đây, nhờ chiêu
khuyến mại gây sốc nói trên mà cửa hàng xe máy Đức Cường, dù mới mở cửa,
rất đông khách. Có những người sống ở các huyện miền núi xa xôi cũng
đến đây để mua xe. Trong vòng gần một năm, cửa hàng này đã làm tổng cộng
214 bằng lái cho khách, một số khác mua xe vẫn đang chờ được cấp bằng.
Chiêu khuyến mại tặng bằng lái xe mà không phải thi, lần đầu xuất hiện trên thị trường. Ảnh: K.V |
Sau khi có khách mua xe, chủ cửa hàng xe máy Đức Cường
là Phạm Minh Cường sẽ nộp tiền cho "cò", để người này làm bằng lái.
Thông thường, để hoàn thiện một bằng lái, có tất cả 4 khâu trung gian.
Đầu tiên, Cường sẽ đưa khoảng 450.000- 1 triệu đồng cho một người (tạm
gọi là B). Sau đó, B dùng số tiền này đưa cho C. C lại nhờ D làm bằng
lái cho khách.
Tại Hà Nội, nhiều điểm kinh doanh xe máy cũng có dịch
vụ làm giấy đăng ký xe môtô cho khách mua. Ngoài phí đăng ký chính thức
(5% giá trị xe), khách phải trả cho nhân viên cửa hàng 500.000- 800.000
đồng mỗi lần. Dịch vụ làm bằng lái cũng có, người sở hữu xe vẫn phải đi
thi nhưng việc thi cử sẽ có phần dễ hơn. Riêng mua xe được... khuyến mại
bằng lái như ở Lạng Sơn nói trên, gần như chưa thấy xuất hiện.
Làm việc với với cơ quan điều tra, chủ cửa hàng Đức
Cường cho biết, trước đó, tháng 8/2010, Nguyễn Văn Tuyên (ở Bảo Sơn, Lục
Nam, Bắc Giang) gặp Cường và đặt vấn đề cung cấp bằng lái xe. Giá là
450.000 - 480.000 đồng một "bằng bao luật" và 1 - 1,2 triệu đồng một
"bằng thẳng". Sau đó, Cường bán lại cho khách với giá 500.000 - 700.000
đồng với "bằng bao luật" và 1,2 - 1,4 triệu đồng "bằng thẳng". Với loại
bằng lái dùng để khuyến mại cho khách mua xe đắt tiền, Phạm Minh Cường
trả Tuyên 480.000 đồng một chiếc.
Thu được tiền từ Cường, Tuyên lại đưa 850.000 đồng cho
một người khác là Nguyễn Văn Điều (Lục Ngạn, Bắc Giang) để nhờ làm
"bằng thẳng" (không phải thi sát hạch). Điều dùng 280.000 đồng trong số
850.000 đồng này nộp cho nhân viên đào tạo trường trung cấp nghề số 01
Bắc Giang. Sau đó, Điều thuê những người lái xe ôm đi thi với giá
200.000 đồng một lần.
Số tiền cửa hàng này ăn chênh lệch từ việc bán xe và
bằng lái là 13 triệu đồng. Tuyên thu được 21 triệu đồng, Điều được 4,4
triệu đồng. Song cơ quan công an mới chỉ thu được 95 trong tổng số hơn
200 bằng lái đã cấp cho khách hàng của cửa hàng xe máy Đức Cường.
"Không biết hơn 200 người nắm giữ những bằng lái xe
kia đã đi những đâu và liệu họ sẽ gây ra hậu quả gì khi mà chưa hề được
học cách lái xe, xử lý tình huống khi điều khiển xe môtô. Đây đúng là
hiểm họa", một cán bộ công an tỉnh Lạng Sơn cho biết. Theo ông này, nếu
bị cảnh sát giao thông phát hiện, người sử dụng bằng lái kiểu đi mua này
sẽ bị xử lý hình sự.
Khánh Vân