Thủ tướng và dân chủ
Posted on 11/12/2011
Nguyễn Phương Anh - Sự lớn mạnh về quyền lực của thủ tướng trong thời gian gần đây là không phải bàn cãi. Những lúc khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề như bauxite, thuê rừng đầu nguồn hay các cuộc biểu tình vừa qua đều được thủ tưởng trực tiếp làm dịu tình hình như việc trao huy hiệu 70 năm tuổi đảng cho ông Đồng Sỹ Nguyên mà đáng lẽ tổ chức đảng nên làm; thủ tướng cũng đề nghị làm luật biểu tình và phát biểu về việc Trung quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng sa của nước nhà. Những việc làm đó nhằm củng cố thanh thế trong đảng và cũng một phần làm mất khả năng phản ứng của dân trước những chính sách không được đồng thuận. Đây cũng coi như sự thay đổi trong cách hành xử mà đảng thường làm; chỗ nào không có sự phủ sóng của đảng thì vẫn coi là thù địch nhưng nay có khác hơn chút ít, đó là hợp thức hóa chỗ ngoài vòng phủ sóng hợp lý như là ý kiến của thủ tướng.
Những người kỳ vọng về sự thay đổi theo hướng dân chủ lại được dịp hy vọng vào thủ tướng một lần nữa. Trước đây họ coi thủ tướng như lãnh đạo của phe thân Mỹ trong đảng và nay với những phát biểu tích cực thì kỳ vọng một Gorbachev cho Việt nam lại đang thức giấc trở lại. Liệu thủ tướng có mong muốn như vậy hay không và nếu đi theo con đường đó sẽ có khó khăn gì.
Thủ tướng hiện nay chưa phải là tổng thống, tổng bí thư như ông Gorbachev nên không thể dùng quyền hiến định cho mình để làm được việc giống trước. Cho dù thủ tướng có sự hậu thuẫn của quân đội, công an và cả quốc hội nữa thì hành động để đạt được ý định như của Gorbachev vẫn mang tính chất đảo chính. Và "cuộc chơi" coi như chưa chắc chắn. Vả lại quyền lực hiện nay của thủ tướng có thể coi như khuynh loát được chính trường và nên áp dụng câu "giữ chùa thờ Phật thì ăn oản" là kế sách hay; không nên xáo trộn làm gì khi quyền lực giống các chúa Trịnh xưa. Còn những sai sót nếu có thì vẫn có thể đổ lỗi cho cơ chế.
Những tiếng nói bất đồng của các công thần hay con cháu của họ thì chính ông cũng đã có các cách giải quyết như trong vụ Cù Huy Hà Vũ; răn đe và trừng phạt dựa trên sự chuyên chính vô sản sẵn có. Vốn thủ tướng xuất thân từ miền Nam nên các vụ việc mà giới sỹ phu đất bắc sẽ gây áp lực còn xảy ra; vụ việc trên là một đòn giáng vào ý chí của những người muốn thử sức với “bộ máy” của thủ tướng. Chuyện “đàn áp” ai đó sẽ trở thành đơn giản như một tiếng thở dài khi thủ tướng trót "đánh vỡ đồ quý" mà thôi.
Có thể coi đối thủ chính trị tiềm năng của thủ tướng chính là ông Trương Tấn Sang - chủ tịch nước; đồng niên với thủ tướng. Khi đồng nhất chức vụ chủ tịch nước và tổng bí thư làm một thì ông Sang sẽ được chính danh hơn vì đang giữ chủ tịch nước. Ông Trọng đương kim Tổng bí thư thì tuổi đã cao và hết nhiệm kỳ này là làm xong trách nhiệm trước đảng. Động thái vừa qua chủ tịch nước trao quyết định thăng hàm thượng tướng cho nhiều người cũng là cách "đánh dấu lãnh thổ" như hiến pháp quy định. Một phần của những hành động lấn sân thủ tướng. Việc chủ tịch đi thăm thác bản Giốc cũng nhằm đóng đinh chủ quyền chính trị trước đối thủ. Rút kinh nghiệm bài học của Liên xô nên ngay trong đảng cũng có khối quyền lực không mong muốn thủ tướng lại được kiêm cả chức tổng bí thư và chủ tịch nước. Sự hậu thuẫn ngầm cho ông Sang là rất lớn vì khi thủ tướng đạt được như vậy thì quyền lực là vô biên.
Nếu ông Sang giữ hai chức vụ thì chế độ sẽ vẫn như bên Trung quốc hiện nay; còn nếu thủ tướng giữ hai chức vụ quan trọng đó thì sẽ có nguy cơ giống Liên xô vì chức vụ chủ tịch quốc hội hiện nay như là quân xanh của thủ tướng rồi. Nếu vượt qua được ông Sang thì có thể suy đoán được những việc tiếp theo; mô hình Putin sẽ thay thế mô hình Hồ Cẩm Đào.
Sinh năm 1949 đến năm thủ tướng 65 tuổi sẽ là đại hội 12, ông lên chức chủ tịch nước và kiêm tổng bí thư; sau vài năm sửa đổi hiến pháp đến cỡ 66-67 tuổi sẽ làm tổng thống và gì chứ 2 nhiệm kỳ ông sẽ vẫn đảm đương được. Nước nhà lúc đó có thể được hưởng dân chủ như kiểu cộng hòa Nga bây giờ. Đến năm 78 tuổi ông sẽ "truyền ngôi". Nếu ông Sang thắng thì cuộc đua sẽ chấm hết với thủ tướng; ở lại tiếp hay sang quốc hội đều không phải lựa chọn hay. Phần thưởng cũng chỉ có thể là 1-2 nhiệm kỳ vẫn ở trong Bộ chính trị.
Giả sử những tình huống xảy ra như vậy thì đó không phải là cách mà nhiều người yêu thích dân chủ mong muốn. Kỳ vọng "Gorbachev Việt nam" dù có xảy ra cũng không giải quyết được vấn đề dân chủ hóa đất nước. Đảng cộng sản thì cương quyết không chấp nhận đa nguyên. Kinh tế đất nước đang có những biểu hiện không tốt, môi trường bị hủy hoại từng ngày, văn hóa cũng đang xuống cấp, lãnh thổ bị xâm chiếm…. Thế giới văn minh đang có những sức ép đòi hỏi thay đổi. Những người đấu tranh cho dân chủ sẽ làm gì trong tình huống này.
Hà nội, 10/12/2011.
Kỹ sư Nguyễn Phương Anh
gửi Dân Làm Báo
danlambaovn.blogspot.com