THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 December 2011

HÀ NỘI , KINH DOANH ĐÊM CHẶT CHÉM........

Cốc trà đá từ 2.000 đồng lên 4.000-5.000 đồng, bát phở vốn chỉ 25.000 đồng cũng tăng giá gấp đôi..., nhiều cửa hàng kinh doanh đêm đều thét giá cao hơn nhiều lần so với mức bán ban ngày.> Hàng quán vỉa hè cũng đua thổi giá
Thành, sinh viên đại học Bách Khoa, Hà Nội, trong một lần đưa người bạn từ TP HCM đi thưởng ngoạn Hà Nội đêm phải chịu mức giá "cắt cổ". Thành kể, sau khi đi dạo Bờ Hồ, các bạn ghé vào một quán nhỏ ven đường trên phố Bà Triệu. Khi đứng dậy thanh toán mới thấy ngạc nhiên.
Chiếc xúc xích rán giá 25.000 đồng, củ khoai nướng có giá 15.000 đồng, hai chai Cocacola giá 50.000 đồng... "Buổi đó là hơn 12h một chút, nhưng đó là lần đầu tiên mình đi chơi khuya như vậy nên thấy rất lạ. Thắc mắc thì họ nói sau 11h, các mặt hàng đều tăng giá", Thành tâm sự.
Trong thời gian gấp rút hoàn thành dự án, anh Phong, kiến trúc sư tại Hà Nội thường xuyên phải ở lại công ty làm đêm. Những bữa ăn đêm thường đắt gấp đôi ban ngày. Bát phở bò, tô mỳ trứng, xuất cơm rang buổi trưa ăn chỉ 25.000-30.000 đồng. Song, đến tối, vẫn chính tại những cửa hàng đó, giá đã lên 50.000- 60.000 đồng. "Giá tăng nhưng bánh phở hay lượng thịt thì vẫn vậy. Đến cốc trà đá cũng có giá 5.000 đồng. Nhiều khi, tiền thưởng dự án chỉ đủ ăn đêm", anh Phong nói.
Những hôm đi xe ôm về, anh Phong phải trả 100.000 đồng. Trong khi sớm hôm đó, đoạn đường từ nhà anh đến công ty chỉ mất nhiều nhất là 70.000 đồng. Anh Phong kể, buổi đêm không có xe bus, đi taxi còn đắt hơn, nhà xa lại không thể đi bộ về nên dù muốn hay không, anh cũng đành chấp nhận.
Không ít người cảm thấy bất bình vì điều này. "Ly trà đá 4.000 đồng, bát phở lên đến giá 35.000-40.000 đồng vào buổi đêm thì người bán cũng được bù đắp thêm công sức rồi. Nhưng nếu nâng giá một cách quá đáng đến gấp đôi, gấp ba để bắt chẹt khách thì rất khó chấp nhận", anh Phong chia sẻ.
Trong khi đó, chính các tiểu thương kinh doanh buổi đêm cũng có những lý do khiến họ đẩy giá như vậy. Chị Phượng, chủ cửa hàng cơm - phở đầu phố Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, ban đêm, mọi người được nghỉ ngơi thì chị cùng nhân viên vẫn phải làm việc. Thời gian đó bỏ sức ra mệt gấp đôi, gấp ba lần ban ngày nên tiền trả cho người phụ việc thời điểm đó cũng phải gấp đôi mức thông thường.
Nếu như bình thường, nhân viên của chị được trả 100.000 đồng một ngày, làm từ 6h sáng đến 6h tối, thì nếu làm thêm đến 2h sáng hôm sau, họ sẽ nhận thêm 150.000 đồng nữa. Tuy nhiên, chị Phượng cũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân là ban đêm ít hàng bán, ít sự cạnh tranh nên dù nâng giá cao một chút, nếu khách cần thì vẫn vào.
Còn anh Thịnh, lái xe ôm trước cổng bệnh viên Thanh Nhàn chia sẻ, đi làm đêm, anh phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm nên thu nhập gấp đôi, gấp ba mới tương xứng. Theo anh Thịnh, chuyện gặp côn đồ, người xay xỉn đi không trả tiền là không ít, thậm chí bị cướp bóc, trấn lột... Nếu không phải hoàn cảnh quá khó khăn, anh cũng không mạo hiểm ra đường sinh nhai lúc buổi đêm.
Ngoài ra, để đủ sức chạy vào cuốc xe, anh cũng phải lót dạ chiếc bánh mỳ, bát xôi, khi buồn ngủ thì nhâm nhi ly trà đặc... Tất cả những cái đó, anh đều phải mua với giá buổi đêm nên giá xe ôm cũng không thể không tăng giá.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng hàng quán kinh doanh lúc nửa đêm nâng giá so với ban ngày là do các nguyên nhân: buôn bán lúc nửa thêm thường vất vả hơn nhiều lần so với ban ngày, đêm là thời điểm cung cầu lệch nhau và số lượng cửa hàng không nhiều, sự cạnh tranh ít, dẫn đến độc quyền trong một phạm vi nhất định nên giá cao. Ông chia sẻ: "Trong khi mọi người được nghỉ ngơi thì họ phải ra ngoài đường bán bát phở, tô mỳ cũng rất vất vả".
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, các mặt hàng kinh doanh buổi đêm chỉ nên nâng giá đôi chút để người bán đủ động lực lao động người tiêu dùng cũng có thể chấp nhận được. "Tăng giá vài nghìn đồng, cùng lắm là gấp rưỡi tùy theo đối tượng phục vụ, chứ đắt quá cũng không có khách, bản thân người bán chịu vất vả cũng không thu được kết quả", ông Phong nói.
Xuân Ngọc