THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 December 2011

Biển báo 'đánh đố' tại hầm Thủ Thiêm


Biển báo dài cả trăm chữ, biển khác lại gây khó hiểu cho người đi đường, chỗ cần thì chưa gắn biển báo... là những bất cập mà người dân phản ánh khi đi qua hầm hiện đại nhất Đông Nam Á. 
Không bật đèn trong hầm Thủ Thiêm bị phạt tới 2 triệu đồngGiao thông hỗn loạn ở hầm Thủ ThiêmThông xe hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á

Theo quy định, biển báo là một dạng ngôn ngữ đặc biệt, phải đảm bảo tính chuẩn xác và chỉ có một cách hiểu duy nhất, không được gây khó hoặc hiểu nhầm cho người đi đường.

Biển báo dưới chân cầu Thủ Thiêm, hướng đi Đại lộ Đông Tây với rất nhiều chữ khiến người đi đường khó có thể đọc hết nếu không dừng lại. Ảnh: H.C.

Tuy nhiên, tại 3 hướng lưu thông qua hầm Thủ Thiêm là đại lộ Võ Văn Kiệt phía quận 1, đường dưới chân cầu Thủ Thiêm đến đại lộ Đông Tây phía quận 2 và từ cầu Calmette dẫn vào hầm đều có bảng thông báo rất lớn với nội dung "Các đối tượng không được phép lưu thông qua hầm Thủ Thiêm". Theo người dân, biển báo cấm này có quá nhiều chữ trong khi chữ viết lại khá nhỏ nên người đi đường nếu muốn đọc hết nội dung thì phải dừng lại ít nhất một phút.

"Sao không thay bảng báo này bằng hệ thống các ký hiệu? Nếu người nước ngoài không biết tiếng Việt thì sao?", anh Tiến nhà ở Thủ Đức thắc mắc.

Tương tự, biển báo "Bật đèn chiếu gần" trước cổng hầm cũng có thể gây hiểu nhầm vì không rõ nghĩa. "Tôi nghĩ điều này tương đương với 'không bật đèn chiếu xa'. Không hề thấy biển báo bắt buộc phải bật đèn. Sao giống đánh đố người dân quá", anh Hải, nhà ở quận 3 bức xúc.

Cũng với tấm biển báo này, một bạn đọc tên Nam chia sẻ: "Nó không thuộc nhóm biển cấm hay biển hiệu lệnh mà là biển chỉ dẫn. Thế mà lại vẽ chiếc xe hơi bật đèn? Điều này có nghĩa là xe máy thì không cần bật đèn? Và hình như lại là đang bật đèn chiếu xa".

Một biển báo sử dụng ký hiệu nhưng có cùng nội dung với biển báo "cấm" ở trên được thành viên của một diễn đàn chia sẻ trên Internet.

Tại khu vực hầm Thủ Thiêm có nhiều biển báo quá nhỏ và bị che khuất. Ở hai cửa hầm còn thiếu một số biển báo gây lúng túng cho người dân khi đi qua hầm. Vì vậy sau nửa tháng lưu thông vẫn còn rất nhiều người chưa biết hầm này sẽ dẫn đến đâu? Khi qua hầm phải tiếp tục đi như thế nào nên liên tục vi phạm cấm rẽ trải, rẽ phải.

"Khi vừa ra khỏi hầm nên có biển báo chỗ quay đầu xe cách miệng hầm bao nhiêu mét để người dân khỏi lúng túng", ông Tư một người lái xe ôm ở quận 2 cho biết.

Anh Thành, nhân viên một công ty truyền thông ở quận 3 cho rằng, nếu Sở Giao thông Vận tải TP HCM bố trí bảng chỉ dẫn và xử lý không khéo thì sẽ có cảnh ùn tắc trên đại lộ Võ Văn Kiệt và ùn tắc bên trong hầm Thủ Thiêm. Vì vậy cần phải có bảng báo chữ to, ghi rõ "Ngã rẽ cuối cùng: Ký Con" đặt ở 3 vị trí: trước đường Ký Con 2.000 m, 1.000 m, và 200 m theo chiều từ quận 1 qua quận 2. Và ở tại ngã rẽ Ký Con phải có bảng ghi rõ "Rẽ trái: Ký Con. Đi thẳng: Vào hầm", kèm bảng báo "Bắt đầu vào hầm".

Một biển báo bị che khuất và theo nhiều người biển này còn dễ gây hiểu nhầm cho người điều khiển phương tiên giao thông khi qua hầm Thủ Thiêm. Ảnh: H.C.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng quản lý giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP HCM) cho biết, hệ thống biển báo giao thông ở khu vực hầm Thủ Thiêm đã đầy đủ theo quy định của Luật giao thông đường bộ. Do Thủ Thiêm là hầm đầu tiên ở TP HCM nên nhiều người vẫn chưa quen và còn lúng túng trong việc lưu thông. Vì vậy sắp tới Sở sẽ rà soát lại và bổ sung một số biển báo giúp người dân nắm rõ hơn.

Về biển báo có quá nhiều chữ, theo ông Phúc, dọc đường đến cổng hầm đều đã có quy định bằng ký hiệu các loại phương tiện được qua và bị cấm. Sở cũng đã thông báo, báo chí đã nói rất nhiều về những quy định khi qua hầm. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn có nhiều người dân không hiểu ký hiệu biển báo giao thông nên Sở mới cho lắp thêm biển báo ghi cụ thể từng loại ở gần hầm để người dân dễ nhận biết.

Về biển báo "Bật đèn chiếu gần", ông Phúc cho rằng trong Luật giao thông đường bộ đã quy định các phương tiện khi qua hầm đều phải bật đèn chiếu gần. Vì thế nếu không có biển báo này thì người dân vẫn bắt buộc phải bật đèn chiếu gần khi đi qua hầm. "Lắp đặt thêm biển báo ở 2 đầu cổng hầm chỉ để nhắc nhở người dân thôi", ông Phúc lý giải.

Phân luồng lưu thông qua hầm Thủ Thiêm của Sở GTVT TP HCM:

Các tuyến đường được lưu thông hai chiều vào đường Võ Văn Kiệt, gồm: Hồ Hảo Hớn, Nguyễn Cảnh Chân, Hòa Bình, Nguyễn Tri Phương, Tản Đà, Phùng Hưng, Nguyễn An Khương, Chu Văn An, Bình Tây, Mai Xuân Thưởng, Phạm Phú Thứ, An Dương Vương, Hồ Học Lãm, Nhiêu Tây, Gò Công, Bình Tiên.

Các giao lộ còn lại chỉ được lưu thông một chiều theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt vào đường nhánh (như Ký Con) hoặc từ đường nhánh vào đường Võ Văn Kiệt (như Phó Đức Chính).

Hầm Thủ Thiêm nằm trên trục đại lộ Đông Tây vượt sông Sài Gòn có chiều dài 1,49 km, bề rộng 33m, bao gồm 6 làn xe. Trong đó, mỗi chiều lưu thông có 3 làn xe (2 làn xe ô tô và 1 làn xe 2 bánh).

Cửa hầm ở quận 1 nằm tại vị trí đường Phó Đức Chính quẹo trái vào đại lộ Đông Tây. Hướng từ quận 1 vượt qua đường hầm sẽ ra tuyến đường mới Thủ Thiêm, đến nút giao thông Cát Lái và chạy thẳng ra xa lộ Hà Nội.

Qua hầm Thủ Thiêm, các phương tiện giao thông rẽ trái sẽ đi vào hướng cầu Thủ Thiêm qua quận Bình Thạnh hoặc vào đường Lương Định Của, (quận 2) phương tiện giao thông rẽ phải sẽ ra liên tỉnh lộ 25B để đi về hướng cảng Cát Lái, cầu Phú Mỹ...

Hướng từ quận 9, Thủ Đức muốn vào trung tâm TP qua hầm Thủ Thiêm thì từ xa lộ Hà Nội có thể rẽ trái tại ngã ba Cát Lái để vào đường mới Thủ Thiêm (thay vì đi qua hướng cầu Sài Gòn). Sau đó, qua hầm Thủ Thiêm để vào trung tâm quận 1.

Hướng cảng Cát Lái, Nguyễn Thị Định, muốn vào trung tâm quận 1 sẽ rẽ trái chạy thẳng qua đường hầm vào trung tâm quận 1.

Hữu Công