>> Cô dâu Việt ở Đài Loan - Kỳ 6: Một thế hệ con lai
Phần lớn bất hạnh của các cô dâu Việt đều bởi hôn nhân không tình yêu. Chính việc môi giới gả bán này khiến cuộc đời họ như bị đặt vào một canh bạc đầy rủi ro.
Biển môi giới hôn nhân với cô dâu Việt tràn lan ở Đài Loan - ảnh: sina.com |
Tân Hoa xã ngày 24.6.2011 đã công bố rất nhiều bức hình chụp về đề tài cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan qua môi giới hôn nhân của nhiếp ảnh gia Mỹ gốc Đài Loan Trương Càn Kì.
Trong suốt 4 năm (2004-2008), ông Kì bỏ công chụp hình cưới từng cặp đôi và bám theo một số nhân vật chụp hình qua nhiều giai đoạn: từ chọn cô dâu, đăng ký kết hôn, giao tiền, đặt vé máy bay khứ hồi, đám cưới tập thể, tới khi vợ chồng sinh sống ở Đài Loan, vợ mang bầu, sinh con… Ngoài chụp hình, ông Kì còn dành nhiều thời gian phỏng vấn và nghiên cứu về cuộc sống sau hôn nhân của một số cặp đôi. Từ đó, ông nhận thấy phần lớn cô dâu Việt nhận lời lấy đàn ông Đài Loan nhằm tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn và có khả năng tài chính giúp đỡ lại bố mẹ và người thân ở quê. Tuy nhiên, phần lớn cuộc sống hôn nhân của các cô dâu này đều không được như ý, chủ yếu do bất đồng ngôn ngữ, sự khác biệt về thói quen sinh hoạt và tình cảm quá mỏng manh. Từ số liệu thống kê của ông Kì cho thấy khi kinh tế Việt Nam khởi sắc, số lượng các cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan đã giảm đáng kể, từ 12.000 cặp đôi trong năm 2004 đã tụt xuống chỉ còn hơn 2.400 cặp đôi trong năm 2008.
Quảng cáo xúc phạm
Việc quảng bá môi giới kết hôn với cô dâu Việt tại Đài Loan không chỉ còn giới hạn trong các trung tâm môi giới hôn nhân hoặc các công ty du lịch, mà được phát triển tới mức như một sản phẩm chào bán rộng rãi trên kênh truyền hình mua sắm ở Đài Loan. Kênh này đã phát sóng rộng rãi hình ảnh các cô gái Việt e lệ trong bộ áo dài truyền thống khi đang học tiếng Hoa, học nấu đồ ăn Đài Loan và học cách ứng xử trong một gia đình Đài Loan kèm theo những lời giới thiệu: "Da trắng, thân thế gia đình trong sạch, không mắc bệnh phụ khoa, tính nết dịu dàng…".
Nhiều người dân Đài Loan cho biết họ không lạ lẫm gì về việc môi giới hôn nhân với cô dâu Việt. Bởi ngoài quảng cáo trên kênh mua sắm, các bảng hiệu giới thiệu về cô dâu Việt đầy rẫy khắp nơi với những lời quảng cáo coi thường nhân phẩm như: "Lấy cô dâu Việt chỉ cần từ 18.000-20.000 Đài tệ (129-144 triệu đồng), cam kết 4 điều: bảo đảm còn trinh; bảo đảm 3 tháng cưới được về nhà; bảo đảm không tăng giá; trong một năm nếu cô dâu bỏ chạy, bảo đảm đền một cô khác". Chính những lời lẽ quảng cáo này đã khiến người dân Đài Loan có cái nhìn khinh miệt và rẻ rúng cô dâu Việt.
Ngay cả báo Văn Hối (Hồng Kông) ngày 26.12.2006 cũng viết một bài cám cảnh cho các cô dâu Việt với nhan đề Vì cuộc sống, cô dâu Việt tại Đài Loan đánh bạc cả tính mạng. Theo bài báo, phong trào lấy cô dâu nước ngoài bắt đầu rộ lên ở Đài Loan từ năm 1994 và vẫn phát triển liên tục cho tới nay, tuy từng bị phản đối mấy năm vừa qua bởi sự lo ngại về một thế hệ tương lai Đài Loan có dân trí thấp và hôn nhân không bền vững.
Theo một số phóng sự truyền hình, chỉ riêng năm 2003, số cô dâu Việt được gả sang Đài Loan lên tới 10.000 người và phần lớn gặp cảnh ngộ không may. Tháng 6 vừa qua, chỉ vì tranh chấp nuôi con sau khi ly dị vợ Việt, một ông chồng Đài Loan đã đâm trọng thương vợ ngay trên phố và một ông chồng khác đã tẩm xăng hỏa thiêu đứa con gái 2 tuổi ngay tại nhà. Ông Ngô Triệu Quân - một nhà tâm lý học ở Đài Loan - thừa nhận thực chất của việc môi giới hôn nhân chính là sự mua bán.
Con sâu làm rầu nồi canh
|
Theo thống kê của Cục Di dân Đài Loan, tính tới tháng 2.2011, tổng số cô dâu nước ngoài tại Đài Loan lên tới 254.984 người, trong đó tổng số cô dâu Việt lên tới 43.875 người, vượt xa số cô dâu các nước Đông Nam Á khác tại Đài Loan. |
|
Cũng có một số trường hợp cá biệt cô dâu Việt lừa tiền gia đình chồng, được cấp chứng minh thư xong là lấy cớ đòi ly dị, lấy tiền của chồng già đi bao bồ trẻ, đánh bạc, lén lút làm gái bao… Một số cô dâu tham gia các hoạt động xã hội tự nguyện để giúp các cô dâu nước ngoài khỏi bạo lực gia đình cho biết trong vài năm qua, họ từng chứng kiến một số cô dâu Việt "kêu cứu", vu cáo chồng đánh mình để đòi ly dị, nhưng thực chất là họ đã gặp được những người đàn ông khác ở bên ngoài, tình nguyện chu cấp cho họ sung túc hơn. Một cuộc hôn nhân có xuất phát điểm là sự đánh đổi về vật chất đương nhiên dễ lung lay khi nó được so sánh về vật chất và có điều kiện được đổi chác.
Sau khi vượt qua rào cản ngôn ngữ, sinh sống tại Đài Loan nhiều năm, được đi làm và cọ xát với xã hội, nhiều cô dâu đã không cưỡng lại được cám dỗ, và kết quả là ôm con bỏ trốn hoặc ly dị chồng. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến các ông chồng xứ Đài không hề muốn vợ Việt đi làm. "Em từng nhận được không ít lời đề nghị làm nghề mát xa với mức lương ít nhất trên 100.000 Đài tệ/tháng, nhưng em không làm, vì không thể biết thực chất công việc đó làm gì. Tại sao người ta dám trả cao vậy đâu phải vô cớ", cô dâu Đào Duyên Hải nói. Cô cũng tâm sự một vài người bạn Đài Loan là nam giới cảm thông với hoàn cảnh của cô, từng đưa tiền đề nghị giúp đỡ và chăm sóc cô, nhưng cô đều từ chối. "Em không muốn họ có cái nhìn xấu về tất cả cô dâu Việt là đều ham tiền. Em muốn kiếm sống bằng chính những đồng tiền lương thiện do mình làm ra, dẫu cả tháng lương chỉ hơn 30.000 Đài tệ", cô nói.
Nguyễn Lệ Chi