18/12/2011 07:20:37 - "Vài trăm nghìn đồng phụ cấp mỗi tháng không nhiều, nhưng cũng là một cách để lấp dần cái khoảng trống và nỗi lo lắng về tiền lương của giáo viên. Thế nhưng cứ chờ trong mòn mỏi thì cũng nản lắm." Đó là những chia sẻ chân tình của ông Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội dành cho KH&ĐS. Chưa đáp ứng chi tiêu hằng ngày Nhà trường đã nhận được khoản phụ cấp thâm niên theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP chưa thưa ông? Theo nghị định này thì từ tháng 9/2011, giáo viên sẽ được nhận trợ cấp là 465.000đ/tháng. Nhưng đến nay vẫn chưa có.
Thời điểm biết được thông tin sẽ có phụ cấp, giáo viên trường ông đón nhận thế nào? Chúng tôi nghe đồn về thông tin này đã lâu. Đến lúc có thông tin chính thức thì ai cũng phấn khởi vì đã được sự quan tâm, đồng thời cũng thể hiện là Nhà nước ghi nhận quá trình phấn đấu, cống hiến của những người giáo viên cho sự nghiệp giáo dục. Thế nhưng cho đến giờ vẫn chưa có. Cái sự chờ đợi mòn mỏi này có gây khó chịu? Nhiều giáo viên cũng lên phòng hỏi tôi. Nhưng có thể vì số lượng công chức giáo viên lớn, phụ cấp thâm niên là một phần không nhỏ nên hẳn Nhà nước cũng... cần có thời gian chuẩn bị. Theo quan điểm của ông thì cộng thêm khoản trợ cấp đó đã đáp ứng được mong mỏi của giáo viên về thu nhập hiện nay? (Cười) Thực ra để đáp ứng nhu cầu thì vô cùng. Nhưng tôi nghĩ rằng để có được một mức sống trung bình ở thành phố, thì nó vẫn chưa đáp ứng được chi tiêu hàng ngày. Việc tăng thêm, dù là ít ỏi nhưng tôi cũng thấy rằng nó bù đắp được thiếu hụt, khó khăn trong cuộc sống của giáo viên. Nói chung, có thêm đồng nào là mừng đồng đó. Lương thủ khoa = 1,9 triệu đồng: Bỏ việc Trường ông đã ghi nhận trường hợp nào giáo viên phải bỏ nghề vì lương thấp? Như chị thấy, trường THPT Việt Đức là ngôi trường nằm ở trung tâm thành phố, được đánh giá là một trường "danh giá", là niềm mơ ước của nhiều giáo viên. Nhưng cũng có giáo viên được tuyển thẳng vào đây giảng dạy mà phải bỏ việc vì đồng lương thấp quá, không thể nào duy trì được cuộc sống. Năm 2010, có một em thủ khoa được tuyển thẳng vào giảng dạy. Lương của em được 1,9 triệu đồng. Khi biết về tiền lương, sau 1 tuần thì em nộp đơn xin thôi việc. Em có nói với tôi rằng em phải thuê nhà mất 1,5 triệu đồng, em không có thu nhập gì thêm. Tiền lương đó chỉ đủ để em trả tiền nhà và số còn lại không đủ để em sống ở mức tối thiểu. Lúc đó ông có tìm cách giữ chân? Đó là một giáo viên giỏi. Tôi thuyết phục và nói rằng, khó khăn thì nhà trường cũng sẽ hỗ trợ thêm mỗi tháng khoảng 500.000đ. Nhưng em nói rằng làm vậy sẽ ảnh hưởng đến các thầy cô giáo khác. (Cuộc trò chuyện của chúng tôi phải dừng lại một lúc lâu do thầy Bình quá xúc động. Nói về thu nhập của giáo viên, về việc không thể giữ chân người tài do không có tiền, đã khiến người hiệu trưởng ở một trường học có tiếng này không thể kìm giữ được những giọt nước mắt). Ông có theo dõi hành trình sau đó của cô thủ khoa này? Theo tôi được biết thì cô này đã phải về quê gần nhà để giảng dạy. Về quê, chi phí cho cuộc sống thấp hơn. Tôi rất tiếc. Nghĩ đến chuyện này là tôi thấy đau lòng. Có lẽ thu nhập vẫn là cái khó khăn nhất, khó nói nhất, mâu thuẫn nhất đối với nghề giáo? Đúng thế. Con người dù có làm cái gì thì trước hết cũng là phải sống đã. Ai cũng thế, họ không thể nào toàn tâm toàn ý dành cho nghề nếu họ không đủ sống. Trong khi đó nhìn ra bên ngoài thì cũng có nhiều ngành nghề khác, người ta có những thu nhập tốt hơn, thì thầy cô giáo cũng có so sánh, tâm tư. Giáo viên làm thêm không đáng trách Ông nghĩ sao khi có rất nhiều giáo viên giàu lên nhờ việc mở các lớp luyện thi? Tôi cho rằng số này không nhiều đâu. Số giáo viên trung tâm luyện thi là những người giỏi thực sự, có tài thực sự thì mới làm được. Các thầy cô đang dạy thì rất hiếm. Đa số là những người nghỉ hưu rồi, giờ về mở trung tâm để làm thêm. Nên cũng không thể đánh đồng giáo viên chân ngoài dài hơn chân trong. Nhưng như ông nói, thu nhập của giáo viên quá thấp. Việc giáo viên làm thêm ở bên ngoài là điều dễ hiểu, và hẳn là cũng khó để kiểm soát? Về những việc làm ở bên ngoài thì đúng là mình không thể biết được. Tôi thường thấy các thầy cô đi dạy thêm ở các trường dân lập, làm các hoạt động khác để có thêm thu nhập, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu... thì cũng không có gì đáng trách. Ông có từng làm giáo viên không? Trước đây tôi cũng là giáo viên, cũng đi dạy thêm, tôi cũng hiểu rõ tâm tư và mong muốn của các thầy cô. Bản thân tôi may mắn cũng có vợ ở nhà đỡ đần tôi chăm sóc các con, đồng thời cũng là chỗ dựa tài chính cho tôi nữa (cười). Lương hiệu trưởng có cao không thưa ông? Lương của tôi cũng chỉ là bậc cử nhân, 4,98 trong thang bảng lương. Năm nay tôi có vượt khung 16%, 0,7% lãnh đạo, quản lý. Liệu có đủ chi phí cho cuộc sống của ông? Với mức lương đó, với công việc như thế này, thì tôi cũng phải có kế hoạch chi tiêu cho phù hợp. Tuy nhiên như đã nói, tôi cũng đã có chỗ dựa là gia đình, nên tôi có thể dành toàn bộ tâm sức cho công việc. Không có khoản nào là thưởng Tết Thời gian này người ta nói nhiều về thưởng Tết, hẳn là trong nhà trường cũng bàn luận nhiều? Nói về Tết thì không có khoản nào là thưởng Tết cả. Chỉ có trích từ các khoản mà nhà trường có thể có được thì nó tùy theo từng năm. Năm nào nhiều lắm mới được một triệu đồng/người. Nhiều người nói giáo viên dù không có tiền thưởng Tết nhưng khoản "cảm ơn" của phụ huynh còn nhiều hơn thưởng Tết vài lần. Ông suy nghĩ thế nào? Thực ra thì đối với người thầy, lòng tự trọng lớn lắm. Nếu phụ huynh đem quà đến cho thầy không bằng tấm lòng, mà bằng nghĩa vụ, thì không người thầy nào cảm thấy vui cả. Nên nó cũng có nhiều cung bậc khác nhau trong việc mừng Tết. Thực tế thì cũng có những phụ huynh có quan tâm nhưng bảo nhiều thì cũng khó. Có thầy cô giáo môn Toán dạy 2 lớp, mỗi lớp cảm ơn thầy 100.000đ, thì nó cũng chỉ là số tiền rất nhỏ. Nhưng thôi thì đó cũng là tấm lòng dù ít dù nhiều. Còn nếu không bằng tấm lòng thì chúng tôi cũng không muốn nhận. Xin cảm ơn ông và chúc ông giữ được mãi ngọn lửa nhiệt huyết với nghề!
Tô Hội (thực hiện) |
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog