THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

18 December 2011

Ngược đãi trẻ em trong nhà trường


Lê Hiền Đức (danlambao) - Nếu trên đất nước ta vẫn còn những cháu bé phải sống trong các thảm cảnh thì mọi điều chúng ta nói về thành tựu của hòa bình, độc lập, thống nhất, của phát triển kinh tế, đi lên chủ nghĩa xã hội… đều là vô nghĩa...

GIỚI HẠN: 

Nhân dân ta có câu: Hùm tha con lợn không sao - Mèo tha con chuột xôn xao cả làng. Tôi cho rằng đối với sự ngược đãi trẻ em trong nhà trường, cũng có tình trạng ấy. 

Ngược đãi trẻ em trong nhà trường rất đa dạng về mục đích, cách thức, thủ đoạn và đối tượng tiến hành song lâu nay có một nghịch lí là trong khi đưa tin rầm rộ, bình luận dông dài về những vụ việc có tính chất cá biệt, bộc phát như một cô giáo đứng trên bục giảng chửi mắng học sinh hàng chục phút, một thầy giáo vỗ 5-7 học sinh thâm tím mông thì báo chí của ta lại ít đề cập, nếu đề cập thì cũng đánh trống bỏ dùi về những vụ ngược đãi có tính chất tổ chức, có âm mưu nham hiểm, thủ đoạn độc ác, nhằm vào hàng hàng trăm, hàng ngàn học sinh, thậm chí còn nhiều hơn, với mục đích tư lợi, gây ra hậu quả xấu và kéo dài… Vì thế, tôi chỉ bàn về những vụ ngược đãi mà trong đó: 

- Có tính tổ chức, có sự tham gia của nhiều người, hầu hết là do người có chức quyền chủ mưu; 
- Nhằm vào một số lượng lớn học sinh, gây hại cho các em về vật chất, tinh thần; 
- Có mục đích tư lợi bất chính, chủ yếu là về vật chất. 

Căn cứ 3 đặc điểm nhận dạng trên thì lạm thu cũng là ngược đãi trẻ em. 

THỰC TRẠNG: 

Tôi có thông tin về nhiều vụ và đã trực tiếp tham gia tìm hiểu, xác minh, đưa ra công luận, kiến nghị xử lí… một số vụ. Ở đây chỉ nêu hai vụ diễn ra ngay tại thủ đô Hà Nội, đã được báo chí đề cập. 

1- Vụ bớt xén tiền ăn tại Trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc - quận Cầu Giấy. 

Đầu năm 2006, tôi nhận được đơn của giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh Trường Nguyễn Khả Trạc tố cáo hiệu trưởng kiêm bí thư Chi bộ Tạ Thị Bích Ngọc bớt xén tiền ăn của hơn 400 cháu bé trong suốt 2 năm học. Tôi đã cùng một số phóng viên tham gia tìm hiểu, xác minh, sau đó đưa sự việc ra công luận và đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết. 

Tạ Thị Bích Ngọc

Tháng 11-2006, Thanh tra quận và UBND quận kết luận Ngọc đã để xảy ra nhiều sai phạm, trong đó có việc lập "quỹ đen" bằng cách bớt khẩu phần ăn hằng ngày của các cháu bé. Tổng tiền ăn tiêu chuẩn một ngày của hơn 400 cháu là 2,2 triệu đồng, Ngọc chỉ đạo thủ kho bớt tới hơn 500 ngàn, tức là hơn 20 %. Phó chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Vân Khanh còn thừa nhận Ngọc có nhiều thiếu sót về quản lí, điều hành, bị các giáo viên tố cáo là sau khi nhận chức đã thắp hương, cúng bái tại trường đủ 100 ngày và bắt cán bộ, giáo viên phải làm cỗ mang tới trường cúng bái vào các dịp lễ tết… 

Sự việc tưởng rõ mười mươi, vậy mà Ngọc vẫn ung dung tại vị, ngày ngày lên mặt rao giảng đạo đức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Cuối năm 2009, sau khi Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành phố vào cuộc, phát hiện ra ngoài 49 triệu đồng đã bị làm rõ từ trước, Ngọc còn tham ô 18 triệu nữa của học sinh thì Ngọc mới phải rời cái ghế này. Nhưng Ngọc không bị kỉ luật gì mà được điều sang Trường tiểu học Nam Trung Yên làm hiệu trưởng kiêm bí thư Chi bộ. Xin nói thêm đây là một ngôi trường được xây mới rất khang trang, rộng rãi, nằm sát tòa tháp KeangNam cao nhất Việt Nam, có số lớp, số học sinh nhiều hơn hẳn Trường Nguyễn Khả Trạc. 

Lễ Khai Giảng tại trường tiểu học Nam Trung Yên

Chuyện chưa hết. Về trường mới, Ngọc lại tổ chức tham ô tiền do cha mẹ học sinh đóng góp và bị họ làm đơn tố cáo. Khi nhận được những lá đơn này, tôi kinh hoàng thốt lên: "Con rắn độc đã bò từ Trường Nguyễn Khả Trạc sang Trường Nam Trung Yên". 

Chúng tôi đoàn kết, kiên trì đấu tranh hơn 5 năm qua, đã đưa ra rất nhiều bằng chứng cụ thể, xác thực nhưng với các ý kiến, kết luận tiền hậu bất nhất của một số cơ quan chức năng, vụ việc đang có chiều hướng "chìm xuồng". 

Một số người bảo tôi Ngọc tồn tại được là vì các khoản tiền tham ô, Ngọc đã rải khắp lên trên chứ không ăn một mình. Vì đã mắt thấy, tai nghe về sự lấp liếm, bao che cho Ngọc của nhiều quan chức mà tôi tin điều người ta nói là hoàn toàn có cơ sở. 

2- Vụ phạt học sinh tại Trường tiểu học Đình Xuyên - huyện Gia Lâm. 


Tối 7-5-2011, nhân dân 2 thôn 3 và 6 của xã Đình Xuyên tiến hành một buổi cổ động nhằm kêu gọi các xưởng sản xuất gỗ dán và gỗ ép trên địa bàn ngừng gây ô nhiễm không khí bằng việc thải ra chất phoóc-man-đê-hít độc hại. 

Ngày 8-5, UBND xã ra thông báo đình chỉ hoạt động vô thời hạn đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nêu trên. 

Sáng 9-5, sau lễ chào cờ, hiệu trưởng Trường Đình Xuyên đăng đàn phê phán buổi cổ động, yêu cầu các em đã tham gia đi lên sân khấu, sau đó cho người xuống đe dọa, cưỡng ép một số em. Kết quả là có 33 em phải đứng trên sân khấu độ một giờ dưới ánh nắng gay gắt, trong tình trạng lo sợ, hoảng loạn, kêu khóc… và trước sự chứng kiến của hơn 600 học sinh cùng hàng chục cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường. 

Chiều 9-5, cha mẹ một số em bị phạt buổi sáng tới gặp ban giám hiệu, yêu cầu giải thích lí do phạt các em. Ban giám hiệu và một cán bộ UBND xã chối bỏ sự việc. 

Học sinh trường tiểu học Đình Xuyên

Ngày 12-5, cha mẹ các em bị phạt gửi đơn khiếu nại tới Phòng giáo dục huyện. 

Từ ngày 10 tới 19-5, trường có những hoạt động nhằm lấp liếm như yêu cầu các em bị phạt viết tường trình bác bỏ sự việc hoặc nói chỉ bị phạt một lúc, không bị nắng chiếu vào. Cha mẹ các em thì được bắn tin là nếu khiếu nại, việc học của các em sẽ bị ảnh hưởng xấu. 


Chiều 19-5, Phòng giáo dục huyện gửi giấy mời cha mẹ các em bị phạt tới làm việc vào 15 giờ 30 ngày 20-5. 

Sáng 20-5, ban giám hiệu nhờ phó chủ tịch UBND xã tới nhà gặp một vị có con bị phạt và có đơn khiếu nại, ngỏ ý nhận lỗi và muốn hòa giải bằng cách họp 3 bên (UBND xã, ban giám hiệu và cha mẹ học sinh). 9 rưỡi sáng cùng ngày, cuộc họp được bắt đầu. Sau khi UBND xã và trường công nhận có sự việc phạt học sinh, nhận khuyết điểm, hứa không can thiệp vào những việc học sinh tham gia cùng gia đình ngoài giờ học ở trường, ba bên đã kí biên bản hòa giải, mấy vị cha mẹ học sinh có mặt đồng ý rút đơn khiếu nại. 

Ngày 27-5, vào cuối buổi họp tổng kết năm học, trường yêu cầu đại diện cha mẹ học sinh các lớp viết văn bản bác bỏ sự việc song nhiều người khước từ. 

Trong thời gian đó, nhiều tòa báo đã cử phóng viên về tìm hiểu, xác minh và có bài đưa tin, bình luận về sự việc này. 

Ngày 29-6-2011, tôi nhận được đơn của người dân. Tôi đã liên lạc với Phòng giáo dục huyện, đề nghị được tới trường làm việc, sau đó tôi tới một nhà ở xóm 3. Tại đây, tôi đã gặp gỡ nhiều người dân và các cháu học sinh. Được bố mẹ các cháu cho phép, tôi đã hỏi chuyện một số cháu. Các cháu đều kể lại diễn biến sự việc như trên. Thấy vậy là rõ, tôi vào trường gặp ban giám hiệu, cán bộ công đoàn và vài giáo viên. Qua trao đổi, hiệu trưởng Nguyễn Thị Hương thừa nhận mình đã sai lầm và có lời xin lỗi. Tôi yêu cầu chị ta xin lỗi dân, xin lỗi học sinh chứ không phải xin lỗi tôi. 

Nhưng nửa năm đã trôi qua, người dân và các cháu bé vẫn chưa nhận được lời xin lỗi nào, hiệu trưởng Hương vẫn chưa phải nhận hình thức kỉ luật nào. Nực cười hơn, mới đây một tờ báo còn đưa tin người dân đã phải xin lỗi vì khiếu nại, tố cáo sai. 


Qua hai vụ đó, tôi sơ bộ rút ra mấy điểm chung về thực trạng ngược đãi trẻ em trong nhà trường ở Việt Nam hiện nay: 

* Nếu ở thời chúng tôi, các vụ việc ngược đãi lớn và kéo dài đối với trẻ em trong nhà trường chủ yếu mang tính chính trị và không có mục đích cụ thể về vật chất (ví dụ: kì thị, phân biệt đối xử đối với con em các gia đình tư sản, địa chủ, có người bỏ vào Nam trong các năm trước giải phóng) thì hiện nay, chúng lại có mục đích vật chất là chủ yếu. 

* Mỗi vụ việc đều gây ra hậu quả cực kì xấu vì chúng đánh thẳng vào bữa ăn, giấc ngủ, vào quá trình phát triển thể chất và đời sống tinh thần của một số lượng lớn trẻ em. Gần 2 tháng sau khi vụ việc ở Trường Đình Xuyên xảy ra, trong lúc trò chuyện với tôi, các cháu bé - cả bị phạt lẫn không bị phạt - vẫn tỏ ra hoảng sợ, lo lắng. 

* Việc xử lí các vụ việc bị phát hiện, tố cáo nói chung không nghiêm minh vì thường được tiến hành một cách "nội bộ", kiểu đóng cửa bảo nhau mà "nội bộ" thì lại có nhiều kẻ nhúng chàm, kể cả những kẻ có chức quyền. Nếu có một buổi họp kiểm điểm Tạ Thị Bích Ngọc thì sẽ không có gì lạ khi Ngọc nói: "Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ". 

* Báo chí chưa thật sự là diễn đàn của dân nên thường đánh trống bỏ dùi trong việc vạch mặt kẻ ngược đãi, bảo vệ các cháu bé bị ngược đãi. Nhiều phóng viên tâm sự với tôi là ấm ức lắm, muốn đấu tranh lắm nhưng bị lãnh đạo tòa báo ngăn cản. Cá biệt, có tòa báo còn bao che, lấp liếm cho những kẻ sai phạm, và như thế đã trở thành đồng phạm. 

* Tổng quan lại thì tình trạng ngược đãi trẻ em trong nhà trường là phổ biến và rất nghiêm trọng. Ở nhiều trường học (đặc biệt là trường công lập), trẻ em thật sự bị biến thành con tin để người ta tróc tiền cha mẹ chúng. Sự bao che, lấp liếm của lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo các cơ quan công quyền, sự im lặng của báo chí chính là những biểu hiện rõ ràng, cụ thể về mức độ phổ biến và rất nghiêm trọng ấy. 

ĐỀ NGHỊ: 

Đến dự một buổi hội thảo "hoành tráng" như thế này nhưng tôi không hề thấy vui mà ngược lại, càng thêm đau lòng vì ở bên ngoài kia vẫn đang có rất nhiều cháu bé bị những kẻ như Tạ Thị Bích Ngọc, Nguyễn Thị Hương ngược đãi về vật chất, tinh thần, vẫn đang có những cháu bé phải trèo đèo, lội suối, bơi qua sông đi học, phải lần mò bắt chuột, bắt rắn về ăn để có sức mà học. Chưa hết, vẫn còn những cháu bé vì quá nghèo đói mà không được cắp sách tới trường, không được chăm sóc sức khoẻ. 

Vì vậy, tôi đề nghị các vị quan khách hãy làm hết trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nghiêm trị những kẻ lạm dụng, ngược đãi trẻ em. Tôi nghĩ nếu trên đất nước ta vẫn còn những cháu bé phải sống trong các thảm cảnh như trên thì mọi điều chúng ta nói về thành tựu của hòa bình, độc lập, thống nhất, của phát triển kinh tế, đi lên chủ nghĩa xã hội… đều là vô nghĩa.