THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 December 2011

Chủ tịch Hà Nội muốn có trực thăng cứu hộ cháy cao ốc


Trước công tác cứu hộ vụ cháy tòa tháp EVN chiều 15/12 tốn nhiều thời gian, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các sở, ngành tính toán mua trực thăng. Trường hợp chưa trang bị được, cần phối hợp với quân đội.
5 giờ mắc kẹt trong tòa tháp bị cháyẢnh giải cứu các nạn nhân

Sáng 16/12, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo sở, ngành của thành phố về vụ cháy tòa tháp EVN chiều 15/12. Theo ông Thảo, những hình ảnh từ vụ cháy làm người dân liên tưởng tới hình ảnh tháp đôi Trung tâm thương mại ở Mỹ bị khủng bố năm 2001. "Phải tính đến việc trang bị máy bay trực thăng để khi xảy cháy nhà cao tầng có thể cứu hộ dễ dàng hơn", ông Thảo nói.

Người đứng đầu thành phố đặt câu hỏi cho các lãnh đạo sở, ngành vì sao không nhờ đến trực thăng quân đội. Vì nếu trực thăng đến thì thả dây thang xuống có thể cứu nhanh hơn với những người mắc kẹt trên nóc nhà. Theo ông Thảo, trong điều kiện chưa mua sắm được phương tiện hiện đại này, Sở Cảnh sát PCCC tính đến việc phối hợp vì hiện có rất nhiều tòa nhà cao tầng, khả năng tái diễn cháy ở các cao ốc hoàn toàn có thể xảy ra.

Ảnh: Nguyễn Hưng.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn phải móc ròng rọc và đưa lần lượt từng nhóm nhỏ công nhân kẹt trên nóc tòa tháp 33 tầng xuống đất. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Với vụ cháy nghiêm trọng ở tòa tháp EVN, ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu không chỉ rút kinh nghiệm mà phải xác định rõ nguyên nhân. Trước mắt, cảnh sát hình sự sẽ vào cuộc, các Sở Cảnh sát PCCC, Sở Xây dựng, Lao động sẽ thanh tra sai phạm về quy định phòng cháy chữa cháy, quy định xây dựng và an toàn lao động. Nếu nguyên nhân do nhà thầu thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm, do công nhân thì công nhân phải chịu trách nhiệm.

Rút kinh nghiệm từ vụ cháy, Chủ tịch UBND Hà Nội cho rằng, trong thời gian tới các sở, ngành cần tăng cường công tác phóng cháy. Sở Tài chính cung cấp kinh phí để Sở Cảnh sát PCCC trang bị thêm thiết bị chữa cháy, trang thiết bị bảo hộ thì mới có thể làm việc hiệu quả.

Ngoài ra, người đứng đầu thành phố yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng Sở Xây dựng phải quan tâm tới sức khỏe của công nhân, tránh để hậu quả lâu dài cho người lao động. Ông cũng chỉ đạo các Sở xây dựng, Sở Cảnh sát PCCC, Sở Công thương kiểm tra tất cả nhân lực thi công xây dựng các công trình cao tầng hiện nay.

Trao đổi với VnExpress, ông đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho rằng giải cứu người bị nạn bằng trực thăng là phương án hay song không đơn giản. Không phải chỗ nào trực thăng cũng đỗ được. Nếu cứu người bằng thả thang dây cũng rất khó. Hôm qua, lực lượng PCCC dùng thang ở phía bên ngoài nhà để đưa công nhân xuống mà nhiều người còn sợ.

Khoảng 16h chiều 15/12, tòa nhà 33 tầng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên phố Cửa Bắc đang trong giai đoạn hoàn thiện bốc cháy dữ dội. Khói bốc lên từ tầng hầm, sau đó theo cầu thang bộ, hệ thống ống kỹ thuật, ống rác... bao trùm toàn bộ tòa nhà. Lúc đó tòa nhà có khoảng 40 công nhân đang làm việc rải rác tại các tầng.

Khoảng 600 người gồm cảnh sát phòng cháy chữa cháy, bộ đội đặc công của Bộ tư lệnh Thủ đô được huy động đến hiện trường khống chế đám cháy và giải cứu nạn nhân. Tuy nhiên do tòa nhà cao, xe thang không tới nên lực lượng cứu hộ phải sử dụng ròng rọc để vận chuyển nạn nhân từ các tầng cao xuống.

Nguyễn Hưng