(Dân Việt) - Cốm Vòng nhuộm chất xanh công nghiệp, gà tẩm bột sắt, măng lăn diêm sinh, chè sao với phân lân, ngó sen tắm chất tẩy, mỡ bẩn sục xà phòng… Sự độc hại ngày càng kinh hoàng khiến người tiêu dùng hoang mang.
Và không thể không đặt câu hỏi vai trò của cơ quan quản lý ATVSTP ở đâu?
Thời của độc hại
Theo TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP, hiện là Chủ tịch Hiệp hộiThực phẩm chức năng VN, VN cần phải báo động về việc sử dụng phụ gia thực phẩm (PGTP) tùy tiện, đặc biệt là phụ gia công nghiệp. Các mặt hàng thường được dùng PGTP như bánh mứt kẹo, sản phẩm ngũ cốc (mì tôm, bim bim…), hoa quả, thịt tươi… thậm chí có những mặt hàng chỉ cần dùng màu tự nhiên như nước mắm, cốm, bánh trưng... cũng bị dùng PGTP.
Nhiều loại thực phẩm đang bị các nhà hàng tẩm phụ gia công nghiệp (ảnh minh họa)
|
TS Đáng cho biết: Nếu dùng không đúng quy cách, không đúng hàm lượng cho phép thì kể cả PGTP cho phép cũng vẫn gây độc hại. Còn đối với các phụ gia công nghiệp không được phép dùng trong thực phẩm thì hoàn toàn độc hại, mà đã dùng thì 100% là dùng sai liều lượng từ vài trăm đến vài ngàn lần cho phép.
Ngày 1.11 vừa qua, Sở Y tế Hà Nội phát hiện hai vụ cốm làng Vòng có nhuộm chất Melachite Green với hàm lượng 5,9mg/kg. Ông Đáng cho biết: Đây là chất màu “đẹp” được sử dụng nhiều trong công nghiệp như trang trí, sợi, da, giấy… Ngoài tạo màu, nó còn có chức năng khử khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng.
Trước đây, Melachite Green thường được dùng trong việc làm sạch nước và chữa bệnh cho thủy hải sản. Nhưng chất này khi nhiễm vào thủy hải sản sẽ tạo thành chất trung gian Leuco Malachite rất độc hại, tồn dư trong tôm cá có thể gây ung thư.
Từ năm 2005, Bộ Thủy sản (cũ) đã cấm sử dụng. Một số sản phẩm vẫn sử dụng Melachite Green nhưng theo TS Đáng, quy định quốc tế chỉ là 0,002mg/kg, nếu cốm có hàm lượng 5,9mg/kg là gấp 2.950 lần, độ độc hại sẽ là khôn lường.
Danh mục lỗi thời
Người tiêu dùng vẫn chỉ có duy nhất một “bài thuốc”: Tự bảo vệ mình bằng cách nâng cao kỹ năng lựa chọn thực phẩm tươi sống bằng cảm quan; với thực phẩm chế biến thì nên mua hàng có nhãn mác, rõ nguồn gốc, chọn thực phẩm có màu tự nhiên, hạn chế sử dụng hàng hóa có màu lòe loẹt...
TS Trần Đáng
“Danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm” được Bộ Y tế ban hành năm 2001 dựa trên công bố của quốc tế vào thời điểm đó, nhưng sau 10 năm, nó vẫn không có biến chuyển gì” – TS Đáng cho biết.
Vì vậy mới xảy ra tình trạng, Cục ATVSTP liên tục chạy theo các thông tin ngộ độc của nước ngoài, thậm chí “an ủi” người tiêu dùng rằng chất đó vẫn được phép tại VN, như chất E102, chất E155… Điều này khiến người tiêu dùng càng thêm hoang mang lo lắng.
Trong khi đó, ở VN, việc buôn bán các hóa chất phụ gia nói chung, PGTP không bị ngăn cấm. Chính vì thế, vì lợi nhuận khổng lồ, nhiều người sản xuất, chế biến vẫn tự do mua hóa chất độc hại về làm PGTP.
Để giải quyết một phần vấn nạn dùng phụ gia độc hại trong thực phẩm, TS Trần Đáng cho biết: Không chỉ cứ lập ra danh sách chất cho phép là đủ. Cục ATVSTP cần tìm cách để phổ cập danh sách này đến các nhà sản xuất, chế biến lớn cho đến nhỏ lẻ, hướng dẫn họ sử dụng đúng cách, đúng liều lượng.
Đồng thời phải xây dựng những quy trình sản xuất chuẩn cho từng loại thực phẩm để các cơ sở sản xuất phải tuân theo và cán bộ thanh tra cũng căn cứ vào đó để kiểm tra, xử phạt cho đúng.
Diệu Linh