(Dân Việt) - Để chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2012, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang triển khai 43 dự án đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch với tổng vốn hơn 49.000 tỷ đồng .
Ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết thông tin trên.
Theo đó, việc tổ chức Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 sẽ gắn với Festival Huế 2012, một sự kiện văn hóa có tầm quốc tế, sẽ giới thiệu và quảng bá với bạn bè trong nước, khu vực và quốc tế về những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, hệ thống các di sản văn hóa, thiên nhiên đặc sắc được tạo nên trong quá trình hình thành và phát triển của Cố đô Huế.
Ngoài ra, thông qua các sự kiện này sẽ mở rộng, nâng tầm hợp tác hữu nghị, hội nhập và phát triển, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 với chủ đề "Huế - Kinh đô cổ - Trải nghiệm mới" là sự kiện du lịch lớn được tổ chức với các chuỗi hoạt động xuyên suốt trong cả năm nhằm quảng bá điểm đến cho du lịch quốc gia, thu hút khách du lịch quốc tế và thúc đẩy du lịch nội địa.
Các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 được tổ chức gắn liền với quá trình triển khai chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng các địa phương có liên quan khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nguồn khách du lịch, phấn đấu đến năm 2015 cả nước thu hút 7-8 triệu lượt khách quốc tế.
Năm Du lịch quốc gia còn có các sự kiện chính như "Doanh nhân Việt Nam với văn hóa, di sản dân tộc lần thứ nhất"; "Duyên dáng Việt Nam 2012"; "Liên hoan hợp xướng Quốc tế lần thứ II"; "Giải quốc tế Cờ vua Đông Nam Á"; "Giải quần vợt quốc tế U18"; "Giải vô địch võ cổ truyền quốc gia"…
Ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa-Du lịch và Thể thao Thừa Thiên-Huế cho biết, năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 ngoài cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết du lịch giữa các địa phương để phát huy những tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư để phát triển du lịch trong vùng, liên vùng; còn tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch có thương hiệu quốc gia và quốc tế, trong đó ưu tiên tập trung phát triển các sản phẩm nhằm kết nối tuyến các kinh đô cổ Việt Nam, các tỉnh trong khu vực Trung Bộ, kết nối các điểm đến trong nước và khu vực có lượng khách quốc tế lớn; sản phẩm du lịch phải vừa độc đáo, đặc sắc, vừa có chất lượng cao, trên cơ sở khai thác tốt nhất các thế mạnh nổi trội của các địa phương trong nước.
PV