Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính phải kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện, đồng thời rà soát lại toàn bộ đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn điện lực VN (EVN) vào ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và EVN Telecom.
|
Đầu tư hàng ngàn tỉ đồng ra ngoài ngành, nhưng EVN vẫn phải vay hàng ngàn tỉ đồng từ ngân hàng Trung Quốc để xây nhà máy. Ảnh: Nhà máy NĐ Hải Phòng 2 dự kiến hoàn thành từ năm 2010 - ảnh: Káp Long |
Tuy nhiên, trong cuộc họp hôm 19.11, Bộ Công thương chỉ công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện. Trong khi những khoản đầu tư, thua lỗ lớn ngoài ngành của EVN lại không được công khai.
"Chúa chổm" EVN
| Đáng nói, hàng ngàn tỉ rót vốn vào các lĩnh vực tay trái này lại đẻ thêm cả ngàn tỉ đồng thua lỗ |
| |
Theo báo cáo của Đảng ủy khối Cơ quan doanh nghiệp T.Ư, EVN lỗ lũy kế tính đến 30.6.2011 là 31.500 tỉ đồng (trong đó riêng năm 2010 lỗ 23.600 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm 2011 lỗ 7.900 tỉ đồng). Dự kiến số lỗ của EVN năm 2011 là 11.669 tỉ đồng. Như vậy, lỗ lũy kế của EVN tính đến hết năm có thể lên tới trên 35.000 tỉ đồng. Ngoài khoản này, EVN vẫn còn nợ 11.000 tỉ đồng tiền mua điện, mua than, dầu, khí chưa trả nổi cho các tập đoàn dầu khí, than khoáng sản và số nợ này vẫn tăng lên theo tháng...
Cũng theo báo cáo, EVN đầu tư ngoài ngành 2.100 tỉ đồng, chiếm 2,8% vốn điều lệ. Đáng nói, hàng ngàn tỉ rót vốn vào các lĩnh vực tay trái này lại đẻ thêm cả ngàn tỉ đồng thua lỗ. Trên thực tế, ngoài khoản đầu tư vào Công ty tài chính CP điện lực - EVN Finance, EVN Telecom, EVN còn là cổ đông chiến lược của ABBank, Công ty CP chứng khoán Hà Thành và hàng loạt công ty bất động sản liên kết khác như bất động sản điện lực Sài Gòn Vina, điện lực miền Trung…
Hầu hết các "ông con" ngoài ngành khác của EVN đều hoạt động chật vật. Cụ thể, với Công ty chứng khoán Hà Thành, theo báo cáo tài chính, lỗ lũy kế của công ty này tính đến 30.6.2011 là hơn 111 tỉ đồng (trên 150 tỉ đồng vốn điều lệ). Trong cơ cấu cổ đông của chứng khoán Hà Thành, các đơn vị điện lực gồm EVN và ba công ty điện lực thành viên khác đang nắm giữ trên 17% cổ phần. Chứng khoán Hà Thành hiện đang nằm trong top 10 công ty yếu kém nhất và thuộc diện bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm soát đặc biệt.
Tai tiếng hơn cả là vụ đầu tư thua lỗ khổng lồ vào EVN Telecom. Năm 2009 lợi nhuận EVN Telecom bằng không (thực chất là lỗ, nhưng đã được chuyển lỗ sang các công ty điện lực thuộc EVN). Năm 2010, doanh thu của EVN Telecom chỉ đạt hơn 2.000 tỉ đồng và lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Nếu phương án gán EVN Telecom sang Viettel thành công, EVN có thể "thoát" khoản lỗ ngàn tỉ đồng và chi phí nuôi bộ máy này. Tuy nhiên, khi bàn giao EVN Telecom, số phận hệ thống cáp quang và hạ tầng công nghệ thông tin mang danh nghĩa đầu tư cho hệ thống điện (đã được tính vào khấu hao tài sản ngành điện và tính vào chi phí giá điện) cần phải được tính toán kỹ. Nếu không, sau khi gạt sang Viettel toàn bộ hệ thống, EVN lại tiếp tục thuê hệ thống này và tính vào chi phí giá thành điện một lần nữa.
Thiếu vốn vẫn "đầu tư tay trái"
Nếu so với hơn 22.590 tỉ đồng đầu tư ngoài ngành của 21 tập đoàn nhà nước, ngân hàng, tỷ lệ đầu tư ngoài ngành của EVN xấp xỉ 9%. EVN cũng đứng thứ 3 trong số các tập đoàn đua nhau vươn tay trái, chỉ sau Tập đoàn dầu khí quốc gia VN, Tập đoàn công nghiệp cao su VN. Tuy nhiên, trong khi cả dầu khí và công nghiệp cao su đều nằm trong top tăng trưởng cao, thì EVN lại rơi vào thua lỗ.
Một vấn đề lớn khác là, EVN đã sử dụng nguồn vốn nào để đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng vào lĩnh vực trái ngành trong khi luôn than phiền thiếu vốn cũng không hề được bộ chủ quản làm rõ.
Theo kế hoạch, các khoản lỗ của EVN sẽ được hạch toán dần vào chi phí giá thành các năm tiếp theo. Tuy nhiên, với cách công khai thông tin nửa vời trên, rất khó để biết giá điện sẽ phải cõng lỗ thực của kinh doanh điện, hay lỗ do chi phí phát sinh từ quản lý yếu kém và những khoản vung tay quá trán ngoài ngành.
Mai Hà