Khánh An, phóng viên RFAViệc một dân phòng xông vào gây hấn với linh mục và giáo dân giáo xứ Thái Hà đã gióng lên tiếng chuông báo động về tình trạng lạm dụng quyền hạn của lực lượng dân phòng, góp phần tạo nên thái độ đề phòng dân phòng của người dân. Điểm qua một số sự kiện xảy ra gần đây, có không ít trường hợp đánh người gây thương tích, thậm chí thiệt mạng, mà có sự nhúng tay của lực lượng dân phòng. Gần đây nhất là vụ một nhóm dân phòng ở phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, đánh trọng thương anh Nguyễn Hữu Thắng trong lúc đi tuần ban đêm hôm 16/9 khiến cho anh này bị ngất xỉu và phải nhập viện cấp cứu, chỉ vì Thắng và nhóm bạn có lời qua tiếng lại với nhóm dân phòng trên. Trước đó khoảng một tháng, vụ việc nhóm sinh viên 4 người bị lực lượng dân phòng ở phường Hoà Hiệp, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, đánh bể đầu, xịt hơi cay và chích roi điện khiến một trong số các sinh viên bị đốt cháy vào ngày 6/8, khiến dư luận hết sức bất bình. Chưa kể những sự việc xảy ra hằng ngày mà rất nhiều người dân đã gặp và chứng kiến như dân phòng hạch họe, chửi bới người vi phạm giao thông, có hành vi đe dọa, gây hấn đối với người không đội mũ bảo hiểm v.v… Dân phòng là ai?Nhưng sự việc gây bức xúc trong dư luận nhất có lẽ là vụ dân phòng cùng với công an đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội chỉ vì vi phạm lỗi đội mũ bảo hiểm. Nói về sự việc xảy ra với cha, chị Kim Tiến, con ông Trịnh Xuân Tùng, cho biết: "Theo em được biết, lực lượng dân phòng là lực lượng để hỗ trợ cho những chiến sĩ công an nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ của họ. Họ chỉ có nhiệm vụ là đứng nhắc nhở và giữ gìn trật tự an ninh thôi, ngoài ra họ không có quyền và chức trách gì khác. Nhưng em thấy trong vụ của bố em, họ đã lạm dụng điều đó. Họ lao vào tấn công bố em. Hành động đó không khác gì hành động của những tên côn đồ." Được biết, dân phòng là lực lượng được thành lập ra với mục đích hỗ trợ bảo vệ trật tự ở địa phương. Ở các thành phố lớn, lực lượng dân phòng được lập ra với số lượng tùy theo nhu cầu của từng phường. Riêng ở quận Đống Đa, Hà Nội, nơi xảy ra sự việc dân phòng gây hấn ở giáo xứ Thái Hà, ông Vĩnh, một người dân ở quận này cho biết: "Dân phòng thì các phường người ta đều tổ chức, mỗi phường có một số người. Cái này thì mới xảy ra cách đây vài ba năm thôi. Người ta có thêm lực lượng đó, đó là những người về hưu, những cựu chiến binh, thậm chí có phường dùng cả những thành phần bất hảo, có những thành phần đi tù về, để với ý là giữ gìn trật tự. Cái đấy thì thực tế cũng có tác dụng nhất định, ví dụ như phân luồng giao thông, bảo vệ trật tự ở chợ, ở những chỗ hỗ trợ cho cảnh sát. Người ta vẫn lên án việc lạm dụng.
Không biết là như thế nào nhưng rõ ràng là tốn kém đáng kể và cái này phát sinh từ ngày có vụ Thái Hà đến giờ và Đống Đa là để thí điểm, sau đó đến nhiều nơi khác. Tôi có hỏi chuyện mấy anh dân phòng ở tổ dân phố ở phường Trung Tự thì họ có nói cái này là mới có sau vụ đó (đòi đất ở giáo xứ Thái Hà trước đây). Mỗi phường thường có độ 5 – 7 người gì đó để tăng cường thêm cho lực lượng công an. Trước đây thì không có cái đó." Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, lực lượng dân phòng chuyên trách thường do UBND cấp phường đứng ra tuyển dụng, ký hợp đồng và trả tiền mỗi tháng. Tuy nhiên, công an phường sẽ là đơn vị quản lý, phân công và điều động lực lượng này. Ngoài ra, ở một số nơi còn có dân phòng khu phố. Lực lượng này do người dân bầu chọn nên họ nhận tiền từ tổ dân phố. Lực lượng này thường không có đồng phục mà chỉ đeo băng đỏ ở tay và không được mang theo công cụ. Nhiệm vụ của dân phòng nói chung là tham gia hỗ trợ cho công an trong các việc như đi tuần tra, giải tỏa, bảo vệ hiện trường tai nạn, đưa người vi phạm về trụ sở công an… nhưng không được phép kiểm tra hay xử lý trong các vụ việc. Đó là một số những quy định về lý thuyết về chức năng và nhiệm vụ của lực lượng dân phòng? Thế còn trên thực tế thì sao? Tại sao dân "phòng"… dân phòng?Không thể phủ nhận, trong nhiều trường hợp, lực lượng dân phòng đã góp phần giữ gìn trật tự an ninh xã hội theo đúng chức năng của họ. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, thái độ và cách hành xử của lực lượng dân phòng đã khiến cho không ít người dân không mất đi thiện cảm đối với lực lượng này. "Cũng có nhiều ý kiến khác nhau lắm. Có nhiều người người ta không ưa lực lượng đó bởi vì nhiều khi họ lạm dụng vai trò của mình, làm quá mức những gì mình được ủy nhiệm, ví dụ như bắt người đội mũ bảo hiểm. Còn những việc khác như phân luồng giao thông ở cổng trường học như ở trường Bế Văn Đàn, trường Hồ Đắc Duy ở đường Nguyễn Lương Bằng. Trong một số trường hợp cũng được như trong cắm cờ ở các khu vực nguy hiểm khi bị lũ lụt, đi tuần vào ban đêm, hoặc giúp coi xe ở những điểm tụ tập xem bóng đá ban đêm… Ở khu vực quanh đây thì họ làm việc cũng được. Nhưng có đôi chỗ thì họ lạm dụng, chẳng hạn như họ bắt một số người, điển hình như vụ bắt anh Paulus Lê Sơn ở trên đường Nguyễn Lương Bằng thì do lực lượng dân phòng là chính, kết hợp với công an, bắt anh ta lên xe ô tô, rồi trói, đè nghiến ra và đưa về phường Quang Trung. Thế thì dân phòng đã làm quá mức quy định của mình, thậm chí còn đánh người." Tình trạng lạm dụng quyền hạn của dân phòng đã được báo chí lên tiếng khá nhiều, ngay trong những vụ việc hoàn toàn không mang tính "nhạy cảm" như liên quan đến chính trị hay tôn giáo. Trong khá nhiều sự việc bị báo chí đưa lên, luôn luôn có một đại diện của lực lượng công an lên tiếng bênh vực cho hành vi vi phạm pháp luật của dân phòng, khiến cho nhiều người dân thêm bức xúc và mất lòng tin đối với lực lượng này. Một giáo dân ở Thái Hà cho biết: "Thực ra thì chức năng của dân phòng là lực lượng hỗ trợ các lực lượng an ninh để đảm bảo an ninh trật tự trong một khu vực nào đấy nhất định. Nhưng nhiều khi có cảm giác trong quá trình thi hành công việc, họ tỏ thái độ hống hách này kia cũng rất nhiều cho nên thiện cảm của người dân đối với lực lượng đấy không nhiều lắm, kể cả những người dân bình thường cũng thế, không chỉ trong những vụ liên quan đến tôn giáo hoặc biểu tình, mà kể cả những việc mà họ làm ngoài đường cũng thế. Mà đằng sau họ lại được bảo kê bởi nhiều cơ quan an ninh khác nữa cho nên các ông ấy hống hách lắm." Qua rất nhiều sự việc dân phòng gây hấn, chửi bới, đánh đập người dân, nhiều người dân đã chọn cách "tránh voi chẳng xấu mặt nào", một số khác lên tiếng qua các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí có người còn đề nghị "mở một lớp dạy văn hóa" cho lực lượng này. Chị Bùi Thị Minh Hằng, người đã từng nhiều lần tham gia biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, cho đây là một lực lượng có lối hành xử thấp kém: "Từ xưa đến nay, nhìn nhận của người dân đối với lực lượng dân phòng ở Việt Nam đã không có gì là thiện cảm và tin tưởng cả. Bởi vì sao? Vì chính quyền họ dùng lực lượng dân phòng gồm nhiều thành phần nên cách hành xử nói chung (họ) là công cụ, ngay cả ngành công an còn là công cụ, cho nên lực lượng dân phòng là những công cụ mạt hạng." Trở lại với sự việc ở giáo xứ Thái Hà, cũng như nhiều người dân khác, chị Minh Hằng cho rằng việc người dân phòng xông vào gây hấn ngay trong diễn ra thánh lễ là điều không thể chấp nhận được. Chị nói:
"Mặc dù mình không phải là giáo dân, nhưng mà dù là giáo dân hay nông dân hay nhân dân, thì tất cả việc làm người ta đều cần phải có luật pháp, có tôn ti trật tự. Vấn đề Thái Hà (nếu) họ có điều gì sai trái pháp luật thì đương nhiên cá nhân Minh Hằng và nhiều người dân khác sẽ không ủng hộ. Nhưng bản thân giáo xứ Thái Hà, thì Minh Hằng thấy ở họ không có điều gì sai trái cả. Chuyện họ đi đòi đất đòi cát, điều đó là đương nhiên thôi, là bởi vì có vay thì phải có trả. Mượn thì phải trả, chứ đâu thể mượn rồi giở trò ăn cướp được. Chính những điều đó và bây giờ họ làm những điều mà mình cho là không thể chấp nhận được, ví dụ như chuyện tay dân phòng." Chính vì vậy, chị Minh Hằng đã kêu gọi những người bạn của mình trên Facebook cùng thắp nến cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà kể từ bây giờ cho đến Noel. Theo chị, giáo dân Thái Hà hiện nay đang là những người lâm nạn trước tình trạng cư xử thô bạo của lực lượng an ninh, trong đó có dân phòng. Chính vì thế, việc làm của chị không phải là để bảo vệ giáo dân hay giáo xứ Thái Hà, mà là để bảo vệ pháp luật, công lý và sự thật. Có lẽ đây cũng là điều mà mọi người dân Việt Nam đều mong muốn nhìn thấy, đặc biệt là nơi những người được xem là lực lượng giữ gìn trật tự, an ninh xã hội. Theo dòng thời sự:
|
THÔNG BÁO !
Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người
TM Ban Điều Hành Blog
TM Ban Điều Hành Blog