Hơn 10 năm bán chè trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP HCM), bà Hà cho biết để chè ngon, ngọt mà giá thành không đội lên, ngoài việc sử dụng dùng đường cát bình thường chị còn cho thêm ít đường hóa học. |
"Đường hóa học" cyclamate trong danh mục cấm sử dụng để chế biến thực phẩm. Ảnh: ADI |
Ở các chợ lớn nhỏ tại TP HCM, rất dễ dàng mua được loại chất tạo ngọt mà người dân hay gọi "đường hóa học", với giá chỉ từ vài chục nghìn một kg. Loại đường phổ biến nhất hiện nay có dạng viên hình vuông, to bằng hạt đỗ, đựng trong những bọc trắng không nhãn mác. Loại đường này có vị ngọt gấp vài trăm lần so với đường cát trắng nên thông thường người dân chỉ mua từ vài trăm gram hoặc một kg để dành dùng lâu dài.
Ông Cường, chủ tiệm tạp hóa trên đường Cao Thắng (quận 10) cho biết, mỗi ngày bán được khoảng 4 đến 6 kg đường hóa học dạng viên hình vuông màu trắng. Mỗi lần có người đến mua, ông mới san từ bọc lớn sang bọc nhỏ để bán với giá từ 35.000 đến hơn 100.000 đồng một kg tùy loại.
Vừa bán xong một bọc chất tạo ngọt cho khách hàng, ông Cường chỉ với theo bảo: "Họ mua về nấu thức uống giá rẻ mà cần vị ngọt cao như chè, sâm bổ lượng, nước sâm, sữa đậu nành... Đường này ngọt dữ lắm nên chỉ cần cho vào vài viên có thể làm ngọt cả vài chục lít nước".
Trong khi bản thân ông Cường bán lâu năm nhưng cũng không biết loại đường này có nguồn gốc ở đâu, sản xuất thế nào, tác hại ra sao. Anh thú thật: "Mỗi lần phải ăn ở tiệm ven đường cũng có cảm giác hơi sợ vì đa phần họ đều dùng loại đường này".
Ông Hùng (quận 3, TP HCM) sau khi mua một bọc trái cây gọt sẵn bán trên xe đẩy ven đường về ăn thì thấy đầu đau âm ỉ, có cảm giác chóng mặt, ù tai. Ông cho biết, các loại trái cây ông đã ăn dù là cóc, ổi, xoài cũng có vị ngọt đậm phía ngoài nhưng bên trong vẫn chát. Ông cũng nghi ngờ người bán đã ngâm trái cây trong đường hóa học để tăng vị ngọt.
"Tôi thấy sau khi gọt trái cây, họ đều ngâm nó trong một chiếc thùng nước rồi mới vớt ra. Không biết có phải là nước đường hóa học không mà tôi ăn vào thì thấy sây sẩm mặt mày, rồi buồn nôn nữa", ông Hùng kểi.
Đường hóa học cũng được dùng để tăng vị ngọt của trái cây. Ảnh minh họa: Thi Ngoan |
Từng có kinh nghiệm nghiên cứu về các loại phụ gia, trong đó có đường hóa học,Thạc sĩ Trần Trọng Vũ, giảng viên Khoa Công Nghệ Thực Phẩm, Đại học Công Nghệ Sài Gòn cho biết, "đường hóa học" là cách gọi thông thường về một nhóm chất mà trong khoa học có tên là "chất tạo ngọt" (sweetener). Chất tạo ngọt có 2 nhóm chính: nhóm không sinh năng lượng (như saccharin, aspartame, acesulfame K); và nhóm có sinh năng lượng (như fructose, xylitol, sorbitol).
Nhờ độ ngọt cao, giá thành lại rẻ nên tại TP HCM, nhất là ở các hàng quán vỉa hè, tiểu thương vẫn dùng loại đường hóa học này để chế biến thức ăn, luộc bắp hay ngâm trái cây để tăng vị ngọt. Ông Vũ cũng khuyến cáo, người ăn phải các loại thực phẩm chứa đường hóa học có thể gây xuất hiện cảm giác chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, ù tai hoặc dị ứng tùy vào lượng dùng.
Theo quan sát của ông Vũ, loại đường thường thấy ở tiệm tạp hóa hiện nay có dạng hạt gần giống khối chữ nhật chính là saccharin (tên gọi chung cho một nhóm chất tạo ngọt tổng hợp gồm saccharin và các muối natri, kali và canxi của nó). Về tác hại saccharin vẫn còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên một số công trình nghiên cứu trên động vật cho thấy dùng liều cao saccharin trong thời gian dài có thể gây ung thư.
Vì thế để đảm bảo an toàn, Ủy ban phụ gia thực phẩm JECFA đã khuyến cáo mức độ sử dụng hàng ngày chấp nhận được (ADI) của con người đối với saccharin là 2,5 mg trên một kg thể trọng. Riêng theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam thì hàm lượng chất này chỉ cho phép có từ 50 đến 300 mg trong một kg sản phẩm tùy chủng loại.
Một loại đường hóa học độc hại đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng, song vẫn thấy xuất hiện trên thị trường Việt Nam đó là sodium cyclamate (gọi tắt là cyclamate). Trong tài liệu của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM cũng ghi rõ, cyclamate có thể gây ra ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền... Tại Mỹ năm 1969, cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm cũng đã đưa chất này vào danh mục cấm sử dụng.
Hồi đầu năm nay, đoàn kiểm tra trung tâm y tế dự phòng quận Ninh Kiều (Cần Thơ) đã phát hiện cơ sở rang cà phê Thái Dương (phường An Bình, Ninh Kiều) dùng đường sodium cyclamate trong chế biến cà phê. Cơ sở này đã bị phạt hành chính 12,5 triệu đồng, về hành vi sử dụng phụ gia trái quy định. Chủ cơ sở cũng thừa nhận, đã sử dụng đường sodium cyclamate để chế biến cà phê với tỷ lệ 1kg cyclamate trên 600kg cà phê.
Cùng thời gian này, cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm sở Y tế TP.HCM đã thanh tra một cơ sở sản xuất nước mắm ở quận Bình Tân, phát hiện khoảng 300 chai nước mắm được chế biến bằng đường hóa học sodium cyclamate. Toàn bộ lô làng trên đã bị tiêu hủy.
Vì thế, để tránh tình trạng lạm dụng đường hóa học trong chế biến thực phẩm hiện nay, thạc sĩ Trọng Vũ cho rằng cần tăng cường tuyên truyền cho các tiểu thương về tác hại cũng như cung cấp thông tin, liều lượng cho phép về các loại chất tạo ngọt nhân tạo có trong danh mục được phép lưu hành của Bộ Y tế. Đồng thời ông cũng khuyên người tiêu dùng nên sử dụng các loại thực phẩm có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hạn chế ăn ở các quán hàng ven đường để đảm bảo sức khỏe.
Thi Ngoan